Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Chuyên gia lý giải nguyên nhân du thuyền Diamond Princess trở thành ổ dịch lớn

Một số chuyên gia y tế cho rằng việc cách ly hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess có thể đã phản tác dụng.

Du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama, gần Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 04/02. Quá trình cách ly được nhà chức trách Nhật Bản thực hiện sau khi xác nhận thông tin một người đàn ông từng có mặt trên du thuyền vào cuối tháng 01 được xác định nhiễm chủng mới của corona virus.

Tính tới sáng 16/02, nhà chức trách Nhật Bản đã xác định 355 ca nhiễm bệnh trên du thuyền. Đây được coi là ổ dịch Covid-19 lớn nhất ngoài Trung Quốc.

"Nhiều bằng chứng cho thấy quá trình cách ly đã không ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên du thuyền, và có thể còn tạo ra nguy cơ lây lan trên du thuyền," Tom Inglesby, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm và giám đốc Trung tâm Y tế Johns Hopkins nói trên tạp chí TIME.

Từ khi quá trình cách ly bắt đầu, các hành khách được yêu cầu ở trong cabin, đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác sẽ được chuyển tới tận nơi cho họ. Những người được xác định nhiễm bệnh đã được di chuyển tới các bệnh viện ở Nhật Bản để chữa trị, Bộ Y tế nước này cho biết.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân du thuyền Diamond Princess trở thành ổ dịch lớn
Du thuyền Diamond Princess (Ảnh: AP)

Tuy vậy, theo các chuyên gia vấn đề ở đây là việc các hành khách dù đã được xét nghiệm cho kết quả âm tính với chủng mới của coronavirus nhưng vẫn bị giữ lại trên du thuyền.

"Dưới góc nhìn của một nhà virus học, một du thuyền với số lượng hành khách lớn sẽ là một ổ dịch chứ không phải là nơi cách ly an toàn," tiến sĩ Anne Gatignol, chuyên gia vi sinh thuộc gại học McGill nói trên tờ Montreal Gazette. 

Hành khách ở trong các cabin không có cửa sổ được phép ra ngoài ít phút mỗi ngày, với điều kiện họ phải đeo khẩu trang N95. Nhà chức trách cũng đề nghị mỗi người tự giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác, tránh tiếp xúc gần.

"Về cơ bản, hành khách bị mắc kẹt trong không gian khép kín cùng những người nhiễm virus. Tôi cho rằng việc cách ly có thể đã khiến căn bệnh lây lan trên du thuyền," giáo sư David Fisman, chuyên gia dịch tễ học thuộc đại học Toronto nói trên Vox.

Nhiều chuyên gia khác bày tỏ lo ngại về tình trạng dịch bệnh lây lan trên du thuyền. Hiện vẫn chưa rõ virus có thể lây lan qua đồ đạc dùng chung giữa người mắc bệnh và người khỏe mạnh hay không, và theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy virus có thể lan truyền qua hệ thống thông hơi.

"Do có nhiều người nhiễm bệnh trong một khu vực khép kín, nếu quá trình cách ly như thế này tiếp tục diễn ra, số lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một hành khách trên thuyền sẽ nhiễm virus,"  Masahiro Kami, người đứng đầu một viện nghiên cứu y khoa tại Nhật Bản cảnh báo.

Các chuyên gia cho rằng những người được xác định âm tính với virus cần phải được sơ tán và đưa tới nơi khác để cách ly, thay vì giữ họ lại trên du thuyền. Người xét nghiệm âm tính vẫn có thể có virus trong cơ thể, tuy vậy việc sơ tán tới nơi khác sẽ tránh mắc bệnh cho người khỏe mạnh.

"Việc giữ hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền lúc này là không hợp lý. Rõ ràng virus đã lây lan trên tàu, khiến tất cả du khách phải đối mặt với nguy cơ cao," giáo sư Michael Mina, một chuyên gia dịch tễ học thuộc đại học Harvard viết trên Twitter.

Các thành viên thủy thủ đoàn được cho là có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do không có phòng riêng trên du thuyền. Ít nhất 10 người trong số này đã nhiễm virus. Theo New York Times, nhiều thành viên thủy thủ đoàn nhiễm bệnh đã ăn uống chung với đồng nghiệp.

"Chúng tôi đang rất sợ hãi, căng thẳng. Chúng tôi làm việc, sinh hoạt chung ở nhiều khu vực trên du thuyền," Sonali Thakkar, một thành viên thủy thủ đoàn nói với CNN.

John Lynch, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm bày tỏ lo ngại về tình trạng của thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess. Tuy vậy, trả lời phỏng vấn New York Times, ông cũng nhấn mạnh rằng việc cách ly là nhằm bảo vệ những người ngoài phạm vi cách ly, không phải những người trên du thuyền.

Một số chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa có đủ thông tin để đánh giá mức độ hiệu quả của quá trình cách ly du thuyền Diamond Princess. Marion Koopmans, người đứng đầu khoa nghiên cứu virus thuộc Trung tâm Y tế Erasmus tại Hà Lan đặt ra câu hỏi: "Liệu những người mới nhiễm virus bị lây sau khi cách ly, hay họ đã bị lây trước đó nhưng chỉ được phát hiện trong quá trình ủ bệnh?"

Bộ Y tế Nhật Bản chưa đưa ra bình luận về việc cách ly du thuyền, nhưng một số ý kiến cho rằng việc tìm nơi cách ly hơn 3.700 người trên đất liền không phải điều đơn giản.

Hôm 12/02, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo sẽ cho phép một số hành khách rời du thuyền để tiếp tục quá trình cách ly trên đất liền, chủ yếu là những người trên 80 tuổi có tiền sử bệnh hoặc phải ở trong cabin không có cửa sổ. Chỉ những người đạt tiêu chí trên, và xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus mới được rời du thuyền.

Quá trình cách ly sẽ kết thúc vào ngày 19/02, khép lại một tháng trên du thuyền của những hành khách còn lại.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)