Thế giới

Chuyên gia giải thích vì sao thảm họa dẫm đạp ở Seoul 'hoàn toàn có thể ngăn chặn được'

Vài ngày sau thảm họa chen lấn, dẫm đạp ở Seoul khiến hơn 150 người thiệt mạng, giới chức Hàn Quốc vẫn khó lý giải điều gì đã xảy ra và trách nhiệm thuộc về ai.

Chuyên gia giải thích vì sao thảm họa dẫm đạp ở Seoul 'hoàn toàn có thể ngăn chặn được'
Ảnh: AFP/Getty

Khi nhóm nhạc K-pop BTS tổ chức show diễn thu hút hơn 55.000 người ở Hàn Quốc, cảnh sát đã sẵn sàng, với hơn 1.300 sĩ quan được điều động để đảm bảo an toàn cho đám đông. Mỗi khi biểu tình xảy ra, dù quy mô khiêm tốn, cảnh sát Hàn Quốc vẫn thiết lập kế hoạch để đảm bảo đám đông không vượt ngoài kiểm soát.

Nhưng điều đó không xảy ra vào đêm 29/11, khi hàng chục ngàn thanh thiếu niên Hàn Quốc tụ tập tại khu vực Itaewon ở thủ đô Seoul để ăn mừng Halloween, lần đầu tiên được tổ chức sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cảnh sát chỉ huy động 137 sĩ quan,  hầu hết được giao nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn các hành vi phạm tội như quấy rối tình dục, trộm cắp và sử dụng ma túy, thay vì kiểm soát đám đông.

Sáng sớm 30/10, giới chức thông báo hơn 150 người thiệt mạng trong thảm họa chen lấn, dẫm đạp xảy ra ở hẻm dốc nhỏ tại Itaewon. Các quan chức chính phủ vẫn chưa tiết lộ thông tin về điều gì đã xảy ra, chỉ nói rằng họ bị bất ngờ. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng lý do dẫn tới một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở Hàn Quốc trong những năm gần đây là việc không thể kiểm soát đám đông.

"Đây rõ ràng là thảm họa do con người gây ra. Chính phủ phải nhận trách nhiệm không kiểm soát được đám đông, ngay cả khi đã biết rằng đám đông năm nay lớn hơn năm ngoái," Park Ji-hyun, lãnh đạo Đảng Dân Chủ đối lập viết trên Facebook.

Tất nhiên, vấn đề đám đông ở các buổi biểu diễn ca nhạc khác với tiệc tùng trên phố. Các quan chức chính phủ chỉ ra rằng không giống như một show diễn của BTS, thanh thiếu niên tụ tập ở Itaewon hầu hết là tự phát. Sự kiện này không có nhà tài trợ hay ban tổ chức chính thức, những người theo pháp luật phải thảo luận các biện pháp an toàn với cảnh sát mỗi khi họ tổ chức các sự kiện lớn cần kiểm soát giao thông và đám đông.

Tuy vậy, lực lượng cảnh sát cũng thừa nhận họ biết đám đông lớn sẽ tụ tập vào cuối tuần, dù không rõ quy mô lớn đến đâu. Trong thông cáo báo chí phát đi hôm 27/11, sở cảnh sát Yongsan nói rằng mục tiêu ưu tiên của họ là "đảm bảo an toàn và trật tự cho người dân".

Tuy vậy, dường như cảnh sát đã không được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo New York Times. Kiểm soát đám đông chỉ là "công việc song song", không phải là mục tiêu chính, tờ báo dẫn lời một sĩ quan cảnh sát giấu tên cho biết.

Chuyên gia giải thích vì sao thảm họa dẫm đạp ở Seoul 'hoàn toàn có thể ngăn chặn được' - 1
Ảnh chụp từ video

Khu vực Itaewon luôn thu hút đám đông thanh thiếu niên, ngay cả trong những cuối tuần bình thường. Halloween rõ ràng không phải là một cuối tuần bình thường, và dù điều tra vẫn đang tiếp tục, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi vì sao cảnh sát có mặt ở Itaewon không kịp thời kiểm soát đám đông ở một điểm thắt nút nguy hiểm gần lối ra của ga tàu điện ngầm đông đúc và một hẻm nhỏ vốn có lượng người đi bộ rất lớn.

Các cơ quan chính phủ Hàn Quốc dường như chưa sẵn sàng nhận trách nhiệm về thảm họa ở Itaewon. Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min cho rằng cảnh sát đã được điều động tới nhiều nơi khác ở Seoul để đối phó với biểu tình. Tuy vậy, ông nói: "Tôi nghi ngờ việc vấn đề ở Itaewon có thể được giải quyết, ngay cả khi chúng tôi điều động cảnh sát và cứu hỏa tới từ trước".

Trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, Kim Gihyeon, lãnh đạo cấp cao của Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền cho rằng bộ trưởng Lee cần "cẩn trọng khi phát biểu", và đổ lỗi cho cảnh sát địa phương không kiểm soát được đám đông.

Tối 31/10, cảnh sát vẫn đang thẩm vấn nhân chứng và xem xét video trích xuất từ camera an ninh. Cảnh sát dự đoán mỗi ngày trong dịp cuối tuần Halloween sẽ có khoảng 100.000 người, nhưng dữ liệu giao thông từ hệ thống tàu điện ngầm cho thấy 130.000 hành khách sử dụng ga tàu ở Itaewon hôm 29/11, so với 96.000 người năm 2019 và 60-80.000 người trong các năm 2020, 2021. Năm ngoái, chỉ có 85 cảnh sát được điều động.

Những người tham dự Halloween ở Itaewon đã đi tàu điện ngầm tới khu vực này để tránh kẹt xe. Mỗi lần tàu dừng ở ga Itaewon, rất nhiều người bước ra từ cửa số 1. Hầu hết đi thẳng đến hẻm dốc nhỏ rộng chỉ chừng 3,5-4 mét, dài khoảng 40 mét, vì đây là đường tắt tới các quán bar, nhà hàng và hộp đêm được ưa chuộng trong khu vực.

22 giờ hôm 29/11, hàng trăm người, hầu hết ở độ tuổi 20-30, bị kẹt trong con hẻm, hầu như không thể thở hay di chuyển, một bên là quán bar, nhà hàng chật ních người, bên còn lại là bức tường lớn của Khách sạn Hamilton. Cả nghìn người bị xô đẩy trên hẻm dốc, di chuyển theo hướng ngược nhau, trong khi tiếng nhạc chát chúa từ các quán bar và hộp đêm nhấn chìm tiếng kêu cứu của những người ngạt thở.

Chuyên gia cho rằng cảnh sát và giới chức địa phương cần xác định con hẻm là điểm thắt cổ chai nguy hiểm và có các bước đề phòng, tuy vậy cảnh sát và thành phố Seoul đều không có kế hoạch kiểm soát đám đông. Do các sự kiện Halloween ở Itaewon không có tài trợ chính thức, không có ai đứng ra tổ chức để điều tiết giao thông.

"Những nguy hiểm thông thường không gây khó khăn cho cá nhân có thể gây chết người nếu xảy ra đồng thời cùng lúc," giáo sư Yoon Yong-Kyun, chuyên gia ngăn ngừa thảm họa ở Đại học Semyung nói. "Đó là điều đã xảy ra trong hẻm nhỏ ở Itaewon hôm 29/11".

Có những sự khác biệt so với lễ hội ẩm thực mà chính phủ tài trợ cũng ở Itaewon cách đây vài tuần. Thời điểm đó, giới chức cấm các phương tiện giao thông di chuyển vào nơi tổ chức lễ hội, và cảnh sát cũng dàn hàng để hướng dẫn người đi bộ. Những biện pháp này không được áp dụng ở sự kiện Halloween cuối tuần trước.

Các chuyên gia cho rằng địa hình ở Itaewon khiến khu vực này dễ xảy ra các vấn đề đám đông. Vị trí xảy ra thảm họa nằm ở khu vực được xây dựng khi chưa có kế hoạch phát triển đô thị, và hiện nay khu dân cư trên sườn đồi này có rất nhiều ngõ nhỏ thông nhau, bên lề là các quán bar, nhà hàng.

Hẻm dốc dẫn tới Cửa ra Số 1 của ga tàu điện ngầm Itaewon thường rất đông đúc, và cuối tuần trước, nhiều cửa hàng bán trang phục Halloween tự phát đã mọc lên, khiến các con đường chật chội hơn.

Những đám đông có thể là "điểm mù của an ninh công cộng, không ai nhận trách nhiệm kiểm soát đám đông," theo giáo sư Kong Hasung, chuyên gia tại Đại học Woosuk. Việc dự đoán quy mô đám đông và phân phối nhân lực, tài nguyên có thể giống như đoán mò.

Tuy vậy,  nhân chứng nói rằng những gì xảy ra dường như cho thấy vấn đề không chỉ ở khâu lên kế hoạch, mà còn ở cách thực hiện. Những người sống sót nói họ thấy chỉ một vài cảnh sát nỗ lực kiểm soát đám đông ở con hẻm, khi nhiều người phía sau bắt đầu xô đẩy và hô lớn, "Đẩy đi! Đẩy đi!", khiến những người phía trước ngã "như domino".

Nếu cảnh sát cho rằng có người đã gây ra tình trạng xô đẩy bằng cách cố gắng đẩy người phía trước, họ có thể truy tố hình sự, theo giáo sư Yeom Gun Woong, chuyên gia luật hình sự tại Đại học U1. Ông Yeom cũng cho rằng nạn nhân có thể kiện đòi bồi thường từ chính quyền, vì không thể ngăn chặn thảm họa.

Seo Na-yeon, 14 tuổi, tới Itaewon tối 29/10, cho biết đã cố gọi cảnh sát hai lần khi thấy nhiều người bị xô đẩy, nhưng không ai có mặt kịp thời, dù sở cảnh sát và trung tâm phản ứng chỉ cách con hẻm khoảng 200 mét. Seo nói cô thấy cảnh sát đối phó với những người bán hàng rong, nhưng không thấy họ hướng dẫn đám đông. Điều này khác với Halloween năm 2019, khi cô thấy hàng chục cảnh sát điều tiết người đi bộ.

Milad Haghani, giảng viên Đại học New South Wales ở Sydney (Australia) cho rằng giới chức và nhà tổ chức cần xem xét kỹ lưỡng những nơi có thể tập trung đông người.

"Tôi thực sự tin rằng chúng ta cần rút kinh nghiệm từ những sự kiện trong quá khứ, và tận dung kinh nghiệm đó để ngăn chặn các thảm họa như những gì đã xảy ra ở Seoul. Thảm họa đó lẽ ra đã có thể tránh được," Haghani nói.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-giai-thich-vi-sao-tham-hoa-dam-ap-o-seoul-hoan-toan-co-the-ngan-chan-uoc-a362484.html