Thế giới

Chuyên gia chống SARS nêu thời điểm vàng để kiềm chế COVID-19

Cuối tháng 2 sẽ là dấu mốc quan trọng để hiểu về quy mô thực sự của dịch virus Corona mới (COVID-19), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm dẫn đầu nhóm phản ứng toàn cầu về dịch SARS 2003 cho biết. 

Chuyên gia chống SARS nêu thời điểm vàng để kiềm chế COVID-19
Mô hình cấu trúc đại diện của loại virus liên quan đến COVID-19. Ảnh: Reuters.

Cuối tháng 2 sẽ là dấu mốc quan trọng để hiểu về quy mô thực sự của dịch virus Corona mới (COVID-19), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm dẫn đầu nhóm phản ứng toàn cầu về dịch SARS 2003 cho biết. 

David Heymann - Chủ tịch nhóm Cố vấn Khoa học và Kỹ thuật về các truyền nhiễm nguy hiểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ với Nikkei rằng: Vào cuối tháng 2, đợt bệnh nhân nhiễm bệnh đầu tiên ở các nước - những bệnh nhân này vốn đi từ Trung Quốc - sẽ qua ít nhất 14 ngày. Thời gian 14 ngày vốn được xem là giai đoạn ủ bệnh lâu nhất. Từ thời điểm đó, giới chuyên môn sẽ có thể đánh giá các hoạt động ngăn chặn và thu được thông tin mô tả dịch tễ học dịch bệnh. 

Theo ông, các chuyên gia sẽ xem xét xem liệu có thể hay không thể kiềm chế  dịch bệnh và liệu virus có lây lan xa hơn các cụm này không. 

Ông cho rằng, dù đã có kiến thức về sự lây truyền và một số biện pháp phòng ngừa nhất định nhưng vẫn còn nhiều thông tin chưa biết về COVID-19. Hệ số lây nhiễm - biểu thị mức độ dễ dàng lây từ người sang người của virus, hiện vẫn chưa được biết đến. Lịch sử tự nhiên của lây nhiễm COVID-19 cũng trong tình trạng tương tự. 

Ông David Heymann. Ảnh: Nikkei.
Ông David Heymann. Ảnh: Nikkei.

Chuyên gia WHO đồng thời là giáo sư dịch tễ học các bệnh truyền nhiễm của Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, nói rằng, vào cuối tháng 2 hi vọng có thể có một số hiểu biết rõ ràng về dịch bệnh. 

Ông giải thích, nếu lây nhiễm được ngăn chặn trong phạm vi Trung Quốc và quốc tế, virus có thể biến mất khỏi cộng đồng dân cư, tương tự như SARS. Nếu không, dịch COVID-19 sẽ lan rộng. 

Trung Quốc hiện đang tập trung vào việc khoanh vùng các ca nhiễm bệnh. Các quốc gia có dịch như Nhật Bản, Singapore cũng nên chuẩn bị các biện pháp giảm nhẹ, ông nói. 

Theo ông Heymann, dù WHO không đưa ra khuyến nghị về hạn chế đi lại và thương mại cho dịch bệnh lần này, nhưng các doanh nghiệp cần theo dõi tình hình chặt chẽ và đưa ra các đánh giá rủi ro của chính mình dựa trên các chỉ dẫn của WHO, môi trường, quy định, thông lệ... của chính các doanh nghiệp.

Theo Thanh Hà (Lao Động)




https://laodong.vn/the-gioi/chuyen-gia-chong-sars-neu-thoi-diem-vang-de-kiem-che-covid-19-785517.ldo?fbclid=IwAR2usDy7ybWZyOnIjqNodS-a7YaEr3qu_Qh4AuXUxnOZstsrh9gvx5NBCR4