Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Chuyên gia cảnh báo: Biến thể Delta của Covid-19 có thể đang vượt trội vaccine

Khả năng lây lan rất nhanh của biến chủng Delta, hiện đang xuất hiện tại nhiều nước trên khắp thế giới, có thể là dấu hiệu cho thấy virus có thể lấn lướt vaccine, trừ khi các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tiếp tục các biện pháp phòng ngừa, theo giới khoa học.

Biến chủng Delta, phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, đã được xác định xuất hiện tại ít nhất 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện được coi là biến chủng "phù hợp nhất" của virus SARS-CoV-2, với khả năng tấn công nhóm đối tượng dễ tổn thương, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Nghiên cứu được thực hiện tại Anh, nơi biến chủng Delta chiếm 99% số ca nhiễm Covid-19 mới, cho thấy nó dễ lây lan hơn 60% so với biến chủng Alpha. Nó có thể cũng liên quan tới việc bệnh nhân có khả năng nhập viện cao hơn và chống vaccine tốt hơn, đặc biệt ở những người mới chỉ tiêm một liều.

"Nó thể hiện sự thật là chúng ta cần kiểm soát số ca nhiễm ở mức thấp và đồng thời triển khai tiêm chủng," ông Griffin nói thêm.

Cảnh báo của giới khoa học được đưa ra trong bối cảnh nghiên cứu tại Australia cho thấy biến chủng Delta có thể lây lan dễ dàng như thế nào. Dựa trên camera an ninh, giới chức y tế nước này nghi ngờ virus có thể lây truyền rất nhanh trong khoảng 5-0 giây giữa hai người đi qua nhau trong một khu vực shopping ở Sydney.

Tại Sydney ở thời điểm đó không có quy định bắt buộc đeo khẩu trang, và những người nhiễm bệnh nhiều khả năng chưa được tiêm vaccine, do mới chỉ chưa tới 5% dân số Australia được tiêm đủ hai liều. Sydney và khu vực lân cận đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong hai tuần, bắt đầu từ 26/06 để đẩy lùi biến chủng Delta.

Rõ ràng biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh hơn, tuy vậy giới khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì sao.

Chuyên gia cảnh báo: Biến thể Delta của Covid-19 có thể đang vượt trội vaccine

Giáo sư Catherine Noakes, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học Tình huống Khẩn cấp Anh (SAGE) và cũng là chuyên gia về bệnh truyền qua không khí tại Đại học Leeds đưa ra ba giả thuyết: người nhiễm biến chủng Delta có lượng virus lớn hơn, nghĩa là họ thải ra nhiều hạt nhỏ li ti hơn; con người chỉ cần tiếp xúc với lượng nhỏ virus cũng có thể nhiễm bệnh, hoặc chỉ cần tiếp xúc trong thời gian ngắn với người nhiễm virus cũng có thể lây bệnh.

Một người có thể bị nhiễm bệnh khi đứng gần người mang virus trong vòng vài giây, nếu người mang virus thở ra một lượng lớn hạt li ti chứa virus và người bị nhiễm hít thở đúng vào khoảnh khắc đó, theo giáo sư Noakes.

"Tuy vậy, điều này không có nghĩa là virus lúc nào cũng lây truyền như vậy với tất cả mọi người. Đây có thể chỉ là một trong những trường hợp đặc biệt không may," bà nhận xét thêm.

Để đối phó với biến chủng Delta, WHO kêu gọi ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn, bao gồm đeo khẩu trang, giữa khoảng cách khi tiếp xúc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác.

Israel, nơi 55% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, hôm 25/06 tái áp dụng yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc để đối phó với biến chủng Delta, chỉ 10 ngày sau khi yêu cầu này được dỡ bỏ.

Số ca nhiễm tại nước này tăng hơn gấp bốn trong tuần qua, chủ yếu liên quan tới hai đợt bùng dịch ở trường học. Trẻ em ở độ tuổi 12-15 tại Israel đã có thể tiêm vaccine từ tháng trước, tuy vậy nhìn chung tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm tuổi này chưa cao.

Số ca nhiễm ở Israel tuy tăng cao nhưng số trường hợp nhập viện hay tử vong chưa có dấu hiệu tăng đáng kể, do đó động thái trên có thể mang tính chất đề phòng, theo giáo sư Noakes.

"Virus đang lây lan trong cộng đồng, do đó ngay cả khi số ca tử vong không cao, dịch bệnh vẫn gây ra nhiều gián đoạn, người dân vẫn phải cách ly, vẫn bị bệnh, có người bị nhiễm Covid-19 lâu ngày," bà nói.

Griffin cho rằng kịch bản lý tưởng nhất là kh chúng ta tạo ra một bức tường vaccine trước khi tiếp xúc với các biến chủng, bơi điều đó nghĩa là ngay cả khi có một đợt dịch bùng phát, chỉ có số ít người có khả năng nhiễm bệnh, hệ số lây nhiễm cơ bản không vượt quá 1, dịch bệnh không lan rộng.

"Vấn đề là chúng ta vẫn chưa đạt đến mức độ đó, vì vậy mỗi khi có người mắc bệnh, số ca nhiễm tăng cao do vẫn còn nhiều người chưa được tiêm chủng có thể lây bệnh," Griffin cho biết.

"Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ. Làm nửa chừng nửa vời không có tác dụng gì cả, chúng ta không thể bỏ qua trẻ em trong các chương trình tiêm chủng. Nếu làm như vậy, chúng ta quẩn quanh trong vòng xoay hết biến chủng này đến biến chủng khác," ông nói thêm.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)