Thế giới

Chuẩn bị gặp Kim Jong Un, Mỹ sốt vó lập đội ngũ đàm phán

Đặc phái viên về Triều Tiên chưa có người thay, quan chức phụ trách Đông Á chưa được phê chuẩn..., Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng về nhân sự trước thềm cuộc gặp lịch sử.

Việc Tổng thống Donald Trump đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 5 đã khiến các quan chức Mỹ giờ đây phải bước vào cuộc đua thành lập đội ngũ để chuẩn bị cho cuộc gặp cũng như đề ra chiến lược.

Chỉ vài giờ trước khi thông tin bất ngờ được công bố, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson, vẫn khẳng định chuyện ông Trump và ông Kim Jong Un gặp nhau "còn lâu mới xảy ra".

Dường như sự thiếu phối hợp dẫn đến những thông điệp trái ngược là đặc trưng trong chính sách ngoại giao của chính quyền Trump với Triều Tiên, kể từ khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên vào năm ngoái.

Giờ đây, Nhà Trắng lại vừa đồng ý tiến hành một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ vào lúc mà chính quyền thiếu vắng những vị trí chủ chốt trong lĩnh vực đối ngoại.

Ai sẽ cầm trịch?

Đại diện của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đặc phái viên Joseph Yun, vừa tuyên bố từ chức hồi cuối tháng 2 và vẫn chưa có người thay thế. Hơn một năm qua, chính quyền vẫn chưa đề cử đại sứ tại Hàn Quốc. Thượng viện Mỹ cũng chưa phê chuẩn quan chức phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao.

Những người từng tham gia quá trình đàm phán nói các cuộc hội đàm ở cấp cao nhất yêu cầu Mỹ phải có quy trình chặt chẽ cùng đội ngũ đến từ các bộ ngành khác nhau của chính phủ, để vạch ra những yếu tố cơ bản nhất của bất kỳ thỏa thuận nào.

Chuẩn bị gặp Kim Jong Un, Mỹ sốt vó lập đội ngũ đàm phán
Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông Rex Tillerson, đã ở trong tình trạng rệu rã suốt hơn một năm qua. Ảnh: Getty.

"Trong bất cứ tình huống nào, việc này đều sẽ mất thời gian để chuẩn bị sẵn sàng. Tôi sẽ phải bắt tay vào làm ngay lập tức", Wendy Sherman, người điều phối chính sách Triều Tiên của chính quyền Clinton, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán với Iran của chính quyền Obama, cho biết.

"Với Iran, chúng tôi phải viết ra toàn bộ thỏa thuận, hơn 100 trang, trước khi chúng tôi bắt đầu đàm phán, để chúng tôi hiểu sẽ cố đạt được những mục tiêu nào", bà nói. "Thỏa thuận vô cùng chi tiết và vô cùng tỉ mỉ. Giống như làm bài tập về nhà".

Thông thường, quá trình đàm phán sẽ cần một trưởng đoàn được trọng vọng cũng như được Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ tin tưởng. Người này sẽ phải có được chi tiết về bất kỳ thỏa thuận nào thông qua một loạt cuộc gặp trước khi đề xuất tổng thống Mỹ tiến hành hội nghị thượng đỉnh. Song ông Trump vốn vẫn luôn tự nhận mình là một nhà đàm phán, nên những tập quán ngoại giao truyền thống có thể trở nên vô dụng.

Cuộc gặp lịch sử sẽ gây áp lực không nhỏ cho những quan chức đã và đang phụ trách vấn đề Triều Tiên, bao gồm Susan A. Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cũng như Mark Lambert, giám đốc văn phòng phụ trách các vấn đề về bán đảo Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Cả hai đều là những nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên.

Ông Lambert, người từng tham gia đàm phán sáu bên về Triều Tiên tại Bắc Kinh, giờ đây điều hành "New York Channel", đường dây liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên thông qua phái đoàn Bình Nhưỡng tại Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi rất thoải mái vì nếu cuộc đàm phán diễn ra, chúng tôi sẽ có những nhà đàm phán tốt nhất để đại diện nước Mỹ", Steven Goldstein, thứ trưởng phụ trách ngoại giao và các vấn đề công của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng những tiếp xúc thực chất với Triều Tiên dưới thời ông Obama khiến cho số lượng người có kinh nghiệm đàm phán mặt đối mặt với Bình Nhưỡng trở nên ít ỏi. Sau khi ông Trump nhậm chức, Bộ Ngoại giao Mỹ trở nên trì trệ, rệu rã với nhiều vị trí chủ chốt đến nay vẫn chưa có người phụ trách.

"Bộ Ngoại giao đã mất đi các chuyên gia về ngôn ngữ Triều Tiên và những người từng tham gia các cuộc đàm phán trước đây", Douglas H. Paal, học giả về châu Á tại viện nghiên cứu Carnegie, nhận định. Trong khi đó, phía Triều Tiên "sẽ cử những người có 30 năm kinh nghiệm. Đây là một thách thức thực sự".

Cuộc đua nhân sự

Thượng nghị sĩ Edward J. Markey, người nhiều năm ủng hộ giải trừ hạt nhân, cổ vũ quyết định của Tổng thống Trump về việc tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên. Song ông kêu gọi Nhà Trắng lập tức lấp đầy các vị trí trống quan trọng còn trống và giải quyết vấn đề ngân sách tại Bộ Ngoại giao để đảm bảo rằng chính phủ Mỹ có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi tiến hành gặp mặt.

"Vì chúng ta đang bước vào một trong những cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng nhất lịch sử gần đây, tôi kêu gọi Tổng thống Trump trao quyền cho các nhà ngoại giao duy trì động lực và cố vấn chuyên môn," ông Markey nói.

"Bất kỳ cuộc đàm phán nào với Triều Tiên sẽ chỉ thành công nếu huy động tổng lực chuyên môn, kinh nghiệm và uy tín của một Bộ Ngoại giao có đầy đủ nhân sự và kinh phí. Ngoại giao là một đội thi đấu thể thao, lớn hơn bất kỳ cá nhân nào".

Tuyên bố hôm 8/3 cho thấy Nhà Trắng có thể sẽ phụ trách công tác chuẩn bị cho cuộc gặp nhưng đa số nhiệm vụ chi li sẽ được chuyển cho các viên chức của Bộ Ngoại giao.

Theo một quan chức Mỹ, Nhà Trắng có thể thuê một chuyên gia đàm phán hàng đầu ngoài chính phủ để giúp dẫn dắt các cuộc thương thảo, song vị này từ chối nêu tên các ứng viên tiềm năng.

Chuẩn bị gặp Kim Jong Un, Mỹ sốt vó lập đội ngũ đàm phán - 1
Phó nguyên soái Triều Tiên Jo Myong Rok (trái) và cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry (phải) trong cuộc gặp tháng 10/2000 tại Mỹ. Ảnh: Getty.

Chẳng hạn, Tổng thống Bill Clinton từng nhờ cựu bộ trưởng Quốc phòng William Perry giám sát việc đánh giá chính sách với Triều Tiên theo yêu cầu của quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát hồi cuối thập niên 1990. Sau đó, ông Perry dẫn dắt các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Clinton.

Các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí thường quy tụ các chuyên gia từ nhiều cơ quan khác nhau của chính phủ, bao gồm Bộ Năng lượng, Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo, bên cạnh Bộ Ngoại giao.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)