Thế giới

Chống Covid-19 một mình một kiểu, Thụy Điển thành bài học cho cả thế giới

Việc duy trì mở cửa bất chấp đại dịch đã khiến Thụy Điển phải hứng chịu số trường hợp tử vong vì Covid-19 tăng cao, trong khi nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Thụy Điển trở thành bài học trong bối cảnh Mỹ và Anh đang bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Từ khi Covid-19 bùng phát tại châu Âu, Thụy Điển trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với các biện pháp phòng chống dịch bệnh lạ thường. Thụy Điển cho thế giới thấy điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ một đất nước không áp dụng các biện pháp hạn chế mà vẫn để cuộc sống diễn ra như bình thường.

Kết quả, không chỉ số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại Thụy Điển cao hơn các nước lân cận đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, mà nền kinh tế của Thụy Điển cũng không phát triển hơn là bao.

"Họ chẳng thu được điều gì. Đây là vết thương do họ tự gây ra, và họ không đạt được thành tựu kinh tế nào," Jacob F. Kirkegaard, thành viên của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington nói.

Kết quả của công tác phòng chống dịch bệnh ở Thụy Điển không chỉ đáng chú ý đối với các nước Bắc Âu. Tại Mỹ, nơi Covid-19 vẫn đang lây lan với tốc độ đáng báo động, nhiều bang đã không áp dụng phong tỏa, hoặc sớm dỡ bỏ phong tỏa, cho rằng điều này sẽ mang tới sự hồi phục kinh tế, cho phép người dân trở lại nơi làm việc, cửa hàng và nhà hàng.

Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson - người từng phải nhập viện vì Covid-19 - đã cho phép quán rượu và nhà hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần trước, trong nỗ lực hồi phục kinh tế.

Những biện pháp này tiềm ẩn giả định rằng chính phủ cần cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và bổ sung thêm việc làm, những nguy cơ y tế công cộng khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội có thể được biện hộ bằng tăng trưởng kinh tế.

Chống Covid-19 một mình một kiểu, Thụy Điển thành bài học cho cả thế giới
Thụy Điển không áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt như các nước Bắc Âu khác (Ảnh: EPA/Shutterstock)

Tuy vậy, hậu quả đáng báo động của Thụy Điển - người chết nhiều hơn, thiệt hại kinh tế tương đương - cho thấy việc lựa chọn giữa mạng sống con người và kinh tế là không có thật. Không áp dụng các biện pháp cách ly xã hội có thể dẫn tới thiệt hại về nhân mạng và kinh tế cùng lúc.

Thụy Điển đặt cược vào sự tự giác của người dân khi chính phủ nước này hầu như không đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Chính phủ Thụy Điển cho phép nhà hàng, phòng gym, cửa hàng, sân chơi và hầu hết các trường học mở cửa. Trong khi đó, Đan Mạch và Na Uy áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, cấm tụ tập đông người và đóng cửa cửa hàng, nhà hàng.

Hơn ba tháng sau, Covid-19 đã khiến 5.420 người Thụy Điển tử vong, theo WHO. Đây có vẻ không phải là con số quá cao, nếu so với 129.000 người tử vong tại Mỹ. Tuy vậy dân số Thụy Điển chỉ có 10 triệu. Tính trung bình trên mỗi triệu dân, số người Thụy Điển chết vì Covid-19 cao hơn Mỹ tới 40%, cao hơn Na Uy 12 lần, hơn Phần Lan bảy lần và Đan Mạch sáu lần.

Việc số người chết tăng cao là hậu quả rõ ràng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà nước này đã đưa ra, theo New York Times. Tuy vậy điều đáng chú ý ở đây là Thụy Điển đã chịu thiệt hại kinh tế tương tự các nước láng giềng như thế nào, dù vẫn mở cửa.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển ước tính nền kinh tế nước này suy giảm 4,5%, so với dự đoán tăng trưởng 1,3% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7,1% lên 9% trong tháng 03.

"Thiệt hại kinh tế cho thấy việc phục hồi sẽ phải kéo dài, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao," Oxford Economics kết luận trong một nghiên cứu mới đây.

Những con số trên tương tự như ở Đan Mạch, nơi ngân hàng trung ương nước này dự đoán kinh tế sẽ suy giảm 4,1% trong năm nay, và tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 4,1% lên 5,6% trong tháng 03. Nhìn chung, Thụy Điển phải hứng chịu thiệt hại về nhân mạng, trong khi hầu như không đạt được phát triển về kinh tế.

Covid-19 không dừng lại ở biên giới một quốc gia. Dù chính phủ Thụy Điển cho phép nền kinh tế tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp nước này vẫn rơi vào tình trạng suy thoái như ở các nước khác. Trong khi đó, người Thụy Điển ít đi mua sắm hơn do lo ngại dịch bệnh - không đủ để ngăn chặn số trường hợp tử vong tăng cao, nhưng đủ để khiến các hoạt động kinh doanh giảm sút.

Một khi dịch bệnh bùng phát, Thụy Điển sẽ phải hứng chịu hậu quả kinh tế, theo ông Kirkegaard.

"Ngành chế tạo Thụy Điển phải đóng cửa khi những nước khác đóng cửa, bởi tình trạng của chuỗi cung cấp. Điều này rất dễ đoán trước," ông nói.

"Chính phủ Thụy Điển hầu như không tỏ ra sẵn sàng để thay đổi chiến lược kiểm soát dịch bệnh, cho đến khi quá muộn. Đây là điều đáng ngạc nhiên, bởi rõ ràng những lợi ích kinh tế mà họ cho là chiến lược kiểm soát đã mang lại thực ra không tồn tại," ông Kirkegaard cho biết thêm.

Trong khi đó, Na Uy không chỉ nhanh chóng ban hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà còn sớm dỡ bỏ chúng khi virus được kiểm soát, trong bối cảnh chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm.

Na Uy được dự đoán sẽ phục hồi kinh tế nhanh chóng. Ngân hàng trung ương nước này dự đoán nền kinh tế tại đây, không bao gồm ngành dầu mỏ và khí đốt, sẽ suy giảm 3,9% trong năm nay, cải thiện đáng kể so với mức suy giảm 5,5% được dự đoán khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các biện pháp phòng dịch của Thụy Điển đã làm giảm thiệt hại kinh tế trong ba tháng đầu năm so với các nước lân cận. Tuy vậy, điều đó cũng sớm biến mất khi đại dịch gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, bởi người dân Thụy Điển cũng giảm bớt các hoạt động tiêu dùng.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)