Thế giới

"Choáng" với các hóa chất độc hại trong vụ nổ Thiên Tân

Sau khi tạm xử lý xong tình hình hỗn loạn, ngày 14/8, cơ quan điều tra Trung Quốc đã bắt đầu tìm manh mối để nhận diện nguyên nhân gây ra 2 vụ nổ chết chóc ở cảng Đông Giang ở thành phố Thiên Tân.

Sau khi tạm xử lý xong tình hình hỗn loạn, ngày 14/8, cơ quan điều tra Trung Quốc đã bắt đầu tìm manh mối để nhận diện nguyên nhân gây ra 2 vụ nổ chết chóc ở cảng Đông Giang ở thành phố Thiên Tân.

Có cả những hóa chất chết người

Nhà chức trách Trung Quốc đã ra thông báo cho biết nhà kho này chứa các chất calcium carbide, kali nitrate và ammonium nitrate, đều là những hóa chất dễ cháy nổ và độc hại.

Calcium carbide được dùng để sản xuất nhựa PVC, trong khi hai loại hóa chất còn lại phục vụ việc sản xuất phân bón và thuốc nổ. Họ cho biết nhà kho còn chứa 700 tấn natri cyanide, chứa trong các thùng gỗ hoặc thùng vỏ thép. Hóa chất này được dùng trong ngành công nghiệp khai mỏ, để trích xuất vàng từ quặng.

Theo nhận xét của Paul Pang, Phó Chủ tịch công ty phân tích công nghiệp IHS Chemical, Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ hóa chất độc hại lớn nhất thế giới. Vì thế, câu hỏi được đặt ra ngay sau thảm họa là liệu các hóa chất chứa trong nhà kho có đe dọa tới sức khỏe của người dân?
 

Khung cảnh hoang tàn tại hiện trường nơi xảy ra các vụ nổ lớn ở Thiên Tân

Trong trường hợp của natri cyanide, câu trả lời là có. Các chuyên gia y tế Mỹ nói rằng việc nạp một lượng natri cyanide nhất định vào cơ thể có thể gây tử vong. Chất này có khả năng tan trong nước, khiến một số tờ báo Trung Quốc lo ngại nó đã ngấm vào các mạch nước ngầm.

Đáng lo hơn, chất này cũng dễ biến thành bụi và đi sâu vào đường hô hấp của con người. Ngoài ra, khi bị thiêu cháy, natri cyanide sinh ra khí hydrogen cyanide cực kỳ độc hại.

Về phần mình, kali nitrate có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, gây tổn hại tới thận. Trong khi đó, ammonium nitrate có thể trở nên rất độc hại khi bị đốt cháy. Calcium carbide cũng có hại nếu người ta sờ vào hoặc hít thở chất này. Các bác sĩ thường khuyến cáo việc lập tức rửa khu vực cơ thể đã tiếp xúc với hóa chất này.

Với những chất độc nguy hiểm như thế này, liệu có cách nào để lưu trữ và xử lý an toàn với chúng? Thế giới hiện có nhiều tiêu chuẩn liên quan tới việc sản xuất, vận chuyển và chứa hóa chất độc hại. Nhưng các quy định rất đa dạng và phụ thuộc vào dạng hóa chất, cũng như mức độ độc hại của nó.

Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định này. Nhưng theo ông Pang, đôi khi có một số quy định không được chấp hành nghiêm. Trong một số trường hợp, người làm việc trong hoạt động xử lý hóa chất độc hại không được huấn luyện đầy đủ để xử lý các vật liệu này.

Luật Trung Quốc nói rằng các doanh nghiệp xử lý hóa chất độc hại phải chứa những chất này cách xa các công trình công cộng tối thiểu 1 km. Tuy nhiên, đã có ít nhất 3 khu dân cư và một số đường chính nằm trong phạm vi 1 km với nhà kho xảy ra vụ nổ.

Báo chí Trung Quốc cũng dẫn lời một công nhân làm việc ở Ruihai nói rằng anh không được huấn luyện đầy đủ. Đây là một sai sót không nhỏ, bởi theo các chuyên gia, một số sản phẩm như natri cyanide rất độc hại, cần được quản lý đặc biệt cẩn thận. Người ta không dễ xử lý chúng, ngay cả khi xảy ra tình huống rò rỉ, thay vì cháy nổ.

"Thật bất thường khi có tới 700 tấn natri cyanide chứa cùng một chỗ" - Pang nói với hãng tin BBC.

Còn nhiều bí ẩn liên quan tới thảm họa

Sau các vụ nổ ở Thiên Tân, nhiều câu hỏi đã được nêu lên về việc liệu những người lính cứu hỏa có làm đúng quy trình đã được đào tạo khi dập lửa. Các chuyên gia an toàn nói rằng calcium carbide phản ứng với nước và tạo ra acetylene, một chất khí đặc biệt dễ cháy nổ. Vì thế, một vụ nổ hoàn toàn có thể xảy ra nếu lính cứu hỏa phun nước lên chất calcium carbide.

Lei Jinde, một quan chức của lực lượng cứu hỏa Trung Quốc, vốn thuộc về Bộ Công An, cho trang tin ThePaper.cn biết rằng nhóm lính cứu hỏa đầu tiên tới hiện trường có dùng nước để dập lửa.

"Chúng tôi có biết nhà kho chứa chất calcium carbide, nhưng không rõ có phải nó đã phát nổ hay không" - ông nói. Ông cũng nói rằng nếu lính cứu hỏa lỡ phun nước vào calcium carbide thì cũng không phải do họ "ngu dốt", bởi nhà kho rất rộng lớn và họ cũng không biết hóa chất trên chứa ở vị trí nào.

Chính quyền Trung Quốc sau đó bác bỏ thông tin nói rằng nước của lính cứu hỏa là một trong các nguyên nhân gây ra vụ nổ ở nhà kho.

David Leggett, một chuyên gia an toàn hóa chất ở California, nói với Reuters rằng một vụ nổ khí acetylene có thể kích nổ hóa chất ammonium nitrate chứa trong nhà kho. Thực tế hai vụ nổ ở nhà kho kể trên cách nhau khoảng 30 giây và vụ nổ sau lớn hơn nhiều vụ nổ đầu.

Leggett đánh giá sự xuất hiện của ammonium nitrate là nguyên nhân khiến vụ nổ sau có sức phá hủy rất mạnh. Đây cũng là điều mà Pang đồng tình.

Theo quy trình cứu hỏa tiêu chuẩn, người ta phải dùng bột khô dập lửa để xử lý các đám cháy có chất calcium carbide. Trong tình huống natri cyanide rò rỉ, LHQ khuyến cáo việc vô hiệu hóa chất này bằng chất natri hydroxide. Họ cũng nói rằng người ta phải dùng dụng cụ đặc biệt để thu gom kali nitrate.

Hiện chính quyền Trung Quốc đã cho tiến hành kiểm tra khẩn cấp hoạt động lưu trữ các loại hóa chất nguy hiểm, dễ gây cháy, nổ trên toàn quốc để ngăn chặn các thảm họa ở Thiên Tân tái diễn.
 
>> Lính cứu hỏa Thiên Tân: "Mẹ ơi cứu con"
>> Cháy nổ ở Thiên Tân: Chính quyền ém thông tin, người dân nổi giận
>> Tâm sự xé lòng của chị gái người lính cứu hỏa trẻ tuổi nhất hy sinh trong vụ nổ Thiên Tân
>> Vừa kết hôn, một lính cứu hỏa hy sinh anh dũng trong vụ nổ ở Thiên Tân
 
Theo Tường Linh (Thethaovanhoa.vn)