Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Châu Âu rạn nứt về lệnh cấm dầu Nga

Việc chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn có thể gây chia rẽ Liên minh châu Âu (EU) do mức độ phụ thuộc nguồn cung từ Moscow khác nhau giữa các quốc gia thành viên.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 6-5 cho biết nước này không thể ủng hộ gói trừng phạt mới của EU, bao gồm lệnh cấm dầu đối với Nga. Ông Orban nói đề xuất cấm vận dầu Nga giống như "quả bom nguyên tử" ném xuống nền kinh tế Hungary, đồng thời cho biết Hungary sẵn sàng đàm phán nếu có đề xuất mới phù hợp với lợi ích của họ.

EU hôm 4-5 đề xuất gói trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga nhưng một số quốc gia thành viên EU lo ngại lệnh ngừng nhập khẩu dầu từ Nga trong vòng 6 tháng sẽ không cho phép họ có đủ thời gian để thích nghi.

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cho biết nước này sẽ tìm cách hoãn thực hiện lệnh cấm trên để có đủ thời gian tăng công suất các đường ống dẫn dầu của quốc gia Trung Âu này, dự kiến mất từ 2-3 năm.

Các nhà phân tích cho rằng vẫn có khả năng cắt đứt quan hệ dầu mỏ giữa châu Âu với Nga nhưng nỗ lực này sẽ mất thời gian và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khiến giá xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác tăng cao hơn, từ đó kéo theo lạm phát và cuối cùng làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Châu Âu rạn nứt về lệnh cấm dầu Nga
Kho dự trữ ở thị trấn Rehden - Đức là kho chứa khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Tây Âu Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Đức đã bắt đầu lấp đầy kho chứa khí đốt Rehden thuộc Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) nhằm đề phòng nguy cơ Moscow ngắt nguồn cung. Hồi tháng trước, Gazprom đã từ bỏ hoạt động kinh doanh tại Đức. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang gấp rút tìm cách tích trữ khí đốt cho mùa đông tới trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng đây không phải hành động có thể giúp châu lục này bớt phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng của Nga, Hiệp hội Khí sinh học châu Âu cho biết EU có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất khí mê-tan sinh học, bơm vào các mạng lưới khí đốt tự nhiên.

Khoản đầu tư 83 tỉ euro (tương đương 87,5 tỉ USD) theo giá thị trường hiện tại, sẽ thấp hơn số tiền 27 quốc gia EU phải trả mỗi năm cho Nga để mua khí đốt. Dự án này sẽ tạo ra sản lượng khí mê-tan sinh học gấp 10 lần vào năm 2030 và có thể thay thế khoảng 1/5 sản lượng khí đốt nhập từ Nga hồi năm ngoái.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-au-ran-nut-ve-lenh-cam-dau-nga-20220506205516855.htm