Thế giới

Châu Âu đối phó sáng kiến Vành đai và Con đường

Liên minh Châu Âu (EU) thúc đẩy kế hoạch tăng cường kết nối với châu Á nhằm đối phó sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Châu Âu đối phó sáng kiến Vành đai và Con đường
Chuyến tàu hàng của Trung Quốc chuẩn bị quay về Chiết Giang sau khi đến London (Anh) vào ngày 18.1.2017

Tờ South China Morning Post ngày 8.5 dẫn lời giới phân tích cho rằng EU đang thúc đẩy các kế hoạch tăng cường kết nối với châu Á nhằm đối phó với sáng kiến Vành đai và Con đườngmà khối này đang chỉ trích. Theo đó, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại và cho rằng sáng kiến của Trung Quốc thiếu minh bạch, thậm chí còn được Bắc Kinh dùng để gia tăng sự ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.

Dự kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thăm chính thức Trung Quốc trong tháng này, và đây là một trong những nội dung chính hai bên sẽ thảo luận. Trước đó vào tháng 2, Ủy ban Châu Âu (EC) tiến hành lấy ý kiến về Dự án kết nối Âu - Á, dự kiến thông qua vào tháng 7 và đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 diễn ra từ ngày 18 - 19.10 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Dự án được xem là động thái mới của EU trong các vấn đề đối ngoại, thể hiện tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ hơn đối với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Việc các nước châu Âu tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc còn thể hiện qua việc 27/28 đại sứ EU vừa ký văn kiện chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường kiềm hãm tự do thương mại và chủ yếu đem lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc. Chuyên gia cao cấp Frans-Paul van der Putten tại Viện Quan hệ quốc tế Hà Lan cho rằng dự án của châu Âu thể hiện rõ rằng sáng kiến của Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất cho phát triển liên khu vực. “Nhiều nước châu Á và Đông Âu dường như xem Trung Quốc là nguồn đầu tư chính về liên kết vùng quy mô lớn, trong khi EU có vai trò lớn hơn nhiều trong lĩnh vực này”, ông nhận định.

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức cho biết dự án của EU sẽ tập trung vào việc hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực từ an ninh, thương mại đến trao đổi văn hóa. Nguồn tin này cũng cho rằng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cần tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, chẳng hạn về môi trường lao động, trong khi đang có nhiều quan ngại về việc thiếu công bằng và minh bạch trong quy trình đấu thầu. Thời gian gần đây, nhiều công ty châu Âu lên tiếng về việc không được tham gia các dự án ngay tại châu lục này. Bên cạnh đó, một số nước khu vực phía nam và đông châu Âu lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng đang làm mất đi sự gắn kết nội khối. Tổ chức Quốc tế các nhà thầu châu Âu (EIC) cho rằng sáng kiến của Trung Quốc làm mất cơ hội cho các thành viên, đồng thời hoan nghênh dự án thay thế của EU.

Nhận định về dự án của EU, chuyên gia Bernt Berger tại Hội đồng Quan hệ quốc tế Đức cho rằng các nền kinh tế châu Âu sẽ có nhiều cơ hội đa dạng hóa các quan hệ thương mại vốn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dự án của EU vẫn còn ở giai đoạn phôi thai và cần vạch rõ kế hoạch chi tiết trước khi áp dụng. Bà Garima Mohan thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (Đức) cho rằng các nước cần thảo luận về việc đóng góp kinh phí cho dự án kết nối. Theo bà, EU cũng cần thảo luận về những vấn đề nhạy cảm như an ninh khi EU muốn các nước Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật ủng hộ dự án.

Theo Khánh An (Thanh Niên Online)