Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Châu Âu đang lặp lại sai lầm Vũ Hán ngày đầu

Thiếu đồ bảo hộ khiến nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo dẫn đến tử vong, các chuyên gia lo ngại châu Âu đang lặp lại sai lầm này của Vũ Hán.

Covid-19 đã lây nhiễm hơn 170.000 người trên thế giới, làm chết hơn 7.000 bệnh nhân. Dịch có dấu hiệu chững lại ở Trung Quốc vài tuần gần đây. Ngày 17/3, nước này chỉ ghi nhận 21 trường hợp dương tính.

Tại Vũ Hán, sự thiếu hiểu biết về Covid-19 và sự thiếu hụt thiết bị bảo vệ trong những tuần đầu của đợt bùng phát dịch hồi tháng Giêng đã khiến hàng ngàn nhân viên y tế nhiễm bệnh khi điều trị cho bệnh nhân. Ít nhất 46 người đã chết. Và kịch bản tương tự có nguy cơ xảy ra ở châu Âu.

Và giờ đây, virus có chiều hướng lây lan mạnh mẽ hơn ở châu Âu, châu Mỹ và trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại một số quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Đức..., nơi tỷ lệ tử vong gần gấp đôi so với Trung Quốc.

"Đồng nghiệp ở châu Âu của tôi tiếp xúc với mầm bệnh hàng ngày, nguy cơ khá giống với tình hình trước đó tại Vũ Hán", Wu Dong, giáo sư khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Y Liên kết Bắc Kinh, cho biết. "Chúng ta cần bảo vệ các nhân viên y tế".

Châu Âu đang lặp lại sai lầm Vũ Hán ngày đầu

Thiệt hại xảy ra với các nhân viên y tế là một cuộc khủng hoảng mới nổi mà các nước phương Tây lớn đang phải đối mặt. Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế trở nên ngày càng phổ biến trong bối cảnh bệnh nhân tăng nhanh chóng mặt. Mà về bản chất, virus rất dễ lây lan theo những cách khác thường.

"Các bác sĩ khoa tai, mũi, họng và mắt có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn đồng nghiệp khoa khác do thường có tiếp xúc gần với bệnh nhân", Du Bin, giám đốc đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Y Liên kết Bắc Kinh, cho biết.

Không giống các đại dịch trước đó như SARS năm 2003, virus Corona chủng mới chỉ gây các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng ở một số người nhiễm bệnh, điều đó có nghĩa là họ rất dễ vô tình lây truyền virus sang người khác. Chính vì thế, công tác xét nghiệm là vô cùng cần thiết.

"Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm", bác sỹ Du Bin nói. "Nếu không xét nghiệm, tôi không có cách nào xác nhận một người có thuộc diện nghi ngờ hay không, và làm thế nào cách ly những người có tiếp xúc gần".

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang đối mặt với sự phẫn nộ rộng rãi của công chúng vì thời gian ra kết quả xét nghiệm chậm, trong khi các quốc gia từ Indonesia đến Ấn Độ đang bị chỉ trích vì không tiến hành nhiều xét nghiệm.

Cần biết là tại Hàn Quốc, nơi từng bị xem là tâm dịch mới của thế giới và có số ca mắc bệnh lớn thứ hai ở châu Á, họ đã kiểm soát được dịch bệnh phần lớn thông qua việc xét nghiệm cho hàng chục ngàn người mỗi ngày.

Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)