Thế giới

Châu Á 'nín thở' trước tuyên bố rút thỏa thuận hạt nhân của Mỹ

Các đồng minh của Mỹ tại châu Á lo lắng trước tuyên bố rút thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump nhưng họ có thể không có nhiều lựa chọn ngoài việc giữ im lặng và theo dõi.

Các nước châu Á phần lớn giữ im lặng trước tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiệp ước đã kiềm chế sự gia tăng vũ khí hạt nhân trong 3 thập niên qua.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo việc Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi INF mà không báo trước cho các đồng minh ở châu Á sẽ làm gia tăng mối hoài nghi về độ tin cậy của Mỹ. Naoko Aoki, thành viên về an ninh hạt nhân tại Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho biết độ tin cậy của Mỹ dựa trên hai trụ cột “năng lực và khả năng giải quyết vấn đề”.

“Có những câu hỏi xuất hiện trong các đồng minh của Mỹ về cam kết của Washington. Mỹ hầu như không thông báo cho đồng minh về các quyết định quan trọng, điều đó khiến họ cảm thấy bất an”, Aoki nói với SCMP.

Quan ngại nhưng ít lựa chọn

Nếu các đồng minh quan trọng ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu nghi ngờ cam kết của Mỹ đối với các hiệp ước, họ cũng có thể đặt câu hỏi về mối quan hệ với Washington. Sam Roggeveen, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Học viện Lowy ở Sydney, Australia, nói: “Nếu họ tin rằng cam kết bảo vệ của Washington không còn đáng tin cậy, họ có thể đánh giá lại liên minh. Điều đó có thể xảy ra nếu có cuộc khủng hoảng tại Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan”.

Châu Á 'nín thở' trước tuyên bố rút thỏa thuận hạt nhân của Mỹ
Kho tên lửa đạn đạo tầm trung đồ sộ của Trung Quốc có thể là một trong những lý do khiến Mỹ muốn rút khỏi INF. Ảnh: Ausairpower.

Tuy nhiên, ngay cả khi việc rút khỏi INF của Tổng thống Trump làm suy yếu niềm tin và độ tin cậy, các đồng minh của Mỹ hầu như có ít lựa chọn ngoài việc giữ im lặng về những quan ngại của họ.

Mỹ rút INF, an ninh châu Á sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu. Khi đó, dù không hài lòng, các nước đồng minh vẫn phải dựa vào liên minh với Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia.

Eunjung Lim, trợ lý giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, Kyoto, Nhật Bản nhận xét Mỹ rút khỏi INF có thể đưa ra những tín hiệu gây hiểu nhầm cho Triều Tiên. Kế hoạch phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên có thể sụp đổ.

Nếu tình huống đó xảy ra, Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn khác ngoài việc tiếp tục duy trì liên minh với Mỹ. Nhật Bản dù cảm thấy sợ hãi họ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước quyết định của Mỹ. Sự ràng buộc của họ đối với Mỹ là quá lớn để có thể rút khỏi liên minh với Washington.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất ở châu Á lên tiếng phản đối tuyên bố của Tổng thống Trump. “Hiệp ước đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng quan hệ quốc tế, tiến tới giải trừ hạt nhân, bảo vệ sự cân bằng chiến lược và ổn định toàn cầu. Đơn phương rút khỏi hiệp ước sẽ gây ra tác động tiêu cực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.

Châu Á trước tương lai bất ổn

Châu Á, khu vực có nhiều cường quốc hạt nhân, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và gần đây là Triều Tiên. Các quốc gia này đều không tham gia INF và có thể tự do phát triển tên lửa đạn đạo tầm bắn từ 500-5.500 km.

Châu Á 'nín thở' trước tuyên bố rút thỏa thuận hạt nhân của Mỹ - 1
Nhãn

“Nếu Mỹ chính thức rút khỏi INF, đó là một dấu hiệu cho thấy trật tự thế giới Đại Tây Dương đang sụp đổ và thời đại cạnh tranh quyền lực ở châu Á đang phát triển”, Roggeveen nói. Điểm cốt lõi là mối bận tâm của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và niềm tin rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ thay thế Washington thành quyền lực số 1 ở châu Á.

“Nhiều khả năng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của cuộc đấu tranh quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á. Đó vẫn là một câu hỏi mở cho dù Mỹ có quan tâm thực sự đến nguy cơ xung đột trong dài hạn hay không. Lợi ích của Mỹ ở châu Á có đủ quan trọng để chạy đua vũ trang, thậm chí cả nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc”, Roggeveen nói.

Vì Trung Quốc không bị ràng buộc bởi INF, kết quả là toàn bộ căn cứ Mỹ ở châu Á đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, bao gồm cả lục địa Mỹ. Việc rút khỏi INF sẽ cho phép Mỹ tự do phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung nhưng trước tiên Mỹ cần thuyết phục đồng minh trong khu vực cho phép triển khai nó.

“Mỹ có thể tự do phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung nhưng thật khó để tưởng tượng Nhật Bản hay Hàn Quốc đồng ý lưu trữ vũ khí đó trên lãnh thổ của họ”, nhà phân tích Roggeveen nói. Nếu Hàn Quốc hoặc Nhật Bản đồng ý cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ, nó sẽ tạo kịch bản tương tự như ở châu Âu trong Chiến tranh Lạnh.

Một kịch bản khác cho tuyên bố của Tổng thống Trump là muốn Nga và Trung Quốc cùng đàm phán hiệp ước mới. Nhà phân tích Matsuda tại Viện Nghiên cứu châu Á cho biết điều này không chắc chắn trong tương lai gần.

“Hiện tại, Mỹ không có đòn bẩy nào, Washington không có lực lượng hạt nhân tầm trung và Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận chỉ đàm phán về tên lửa tầm trung. Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn đàm phán về toàn bộ kho vũ khí hạt nhân và sự cân bằng quyền lực hạt nhân không cân xứng giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Matsuda nói.

Theo Trung Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)