Thế giới

Câu hỏi 40 năm không có lời giải hé lộ mặt trái u tối đằng sau 'kỳ tích Trung Quốc'

Trung Quốc trong 40 năm qua có tốc độ đô thị hóa nhanh đáng kinh ngạc, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử, nhưng kèm theo những mặt trái không thể lường trước.

Câu hỏi 40 năm không có lời giải hé lộ mặt trái u tối đằng sau 'kỳ tích Trung Quốc'
Em bé uống nước gần một con suối ở huyện Fuyuan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ngày 20/3/2009 (Ảnh: Reuters)

Một cuốn sách bán chạy nhất của nữ tác giả Liang Hong về cuộc sống nông thôn Trung Quốc đang được xem là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả đằng sau quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa của Trung Quốc.

Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010, cuốn sách có tựa đề "China in One Village" (tạm dịch: Trung Quốc trong một ngôi làng) bất ngờ trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước này. 

Nguyên nhân giải thích cho "sự cố" này là do nó đã tiên phong cho xu hướng khám phá bản sắc và địa điểm phổ biến ở Trung Quốc và nhìn chúng được "thay da đổi thịt" trong thời kỳ hiện đại hóa.

Trung Quốc đô thị hóa "điên cuồng"

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia cho biết, những câu chuyện trong cuốn sách có giá trị hơn nhiều so với số liệu thống kê nói về sự thay đổi sâu sắc đã quét qua Trung Quốc trong hàng chục năm qua khi nước này từng bước phát triển kinh tế, hiện đại hóa xã hội.

Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã đô thị hóa với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Đến năm 2035, chính phủ nước này ước tính, 70% dân số - khoảng 1 tỷ người - sẽ sinh sống ở các thành phố. Điều đó thật đáng kinh ngạc. Nhưng nếu không thực hiện đồng đều, tăng trưởng kinh tế không có sự tái tạo của Trung Quốc sẽ để lại nhiều hậu quả.

Trong nhiều thập kỷ kể từ khi quá trình cải cách và mở cửa bắt đầu, vào năm 1978, Trung Quốc phần lớn đã thất bại trong việc giải quyết một câu hỏi phiền phức: Nếu hầu hết người dân Trung Quốc chuyển đến các thành phố, điều gì xảy ra với những người bị bỏ lại phía sau?

Cuốn sách của tác giả Liang Hong giúp giải bài toán khó nhằn này thông qua câu chuyện về ngôi làng quê hương của chính cô, ở tỉnh Hà Nam - nơi không giáp biển và có truyền thống sản xuất nông nghiệp.

Nội dung gây chú ý ở cuốn sách này là những hệ quả đầy đáng sợ của quá trình đô thị hóa. Theo Liang Hong, những thay đổi sâu sắc kết cấu của ngôi làng trong những năm qua (kể từ thời thơ ấu của cô) chính là hình ảnh khắc họa rõ nét cho sự mất mát của một cách sống bền vững và khả thi. 

Câu hỏi 40 năm không có lời giải hé lộ mặt trái u tối đằng sau 'kỳ tích Trung Quốc' - 1
Một ngôi làng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào khoảng năm 1984 (Ảnh: Getty Images)

Nữ tác giả đã nhấn mạnh về cái ao làng cũ, giờ "chẳng khác gì một cái mương cạn đầy nước chết", con sông đã biến mất, và cây chà là trong ngôi nhà cổ của họ bây giờ cũng đang chết dần chết mòn. 

"Vào mùa hè cao điểm, phần lớn thân cây khô héo, chỉ còn lại một vài chiếc lá úa vàng như một minh chứng duy nhất của sự sống ở đây".

Theo các chuyên gia, cuốn sách này là một tài liệu minh bạch, dễ tiếp cận về cuộc sống nông thôn Trung Quốc, những câu chuyện của nó có giá trị hơn nhiều so với những con số thống kê của nhà chức trách.

Mặt trái của đô thị hóa thần tốc

Đã 11 năm kể từ cuốn sách của Liang xuất bản lần đầu. Ở một quốc gia thay đổi nhanh chóng như Trung Quốc, đây là cả cuộc đời, và các chính sách nông thôn đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. 

Vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay sau khi lên nắm quyền, đã đặt ra thời hạn cho các quận nông thôn phải xóa đói giảm nghèo vào năm 2020. Và trong những năm gần đây, nỗ lực này đã đạt được tốc độ nhanh chóng.

Giới phân tích cũng cho rằng, nếu nhìn về tổng thể, tốc độ đô thị hóa ở Trung Quốc là một thành công ngoạn mục, nhờ đó Trung Quốc trở nên ngày càng giàu có hơn. Chính phủ Trung Quốc hiện đã chi hàng tỷ nhân dân tệ để cố gắng hoàn thành thời hạn đô thị hóa, xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn trong năm nay, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi đô thị hóa thành công ở Trung Quốc hiện nay đang vấp phải nhiều thách thức và tranh cãi đúng như bức tranh được nhìn rõ trong cuốn "China in One Village". Đó là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này đang bị suy yếu. 

Chi phí lao động tăng và số thanh niên Trung Quốc không muốn lao động chân tay cũng tăng lên nhanh chóng. Vấn đề đô thị hóa của Trung Quốc khiến mật độ dân cư tăng mạnh ở khu vực thành thị, nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe do không khí bị ô nhiễm trầm trọng. 

Bắc Kinh, Thượng Hải đã bị liệt vào danh sách những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Theo ước tính đưa ra hồi tháng 7/2020 (kể từ ngày 1/1/2020 đến tháng 7/2020), tại Thượng Hải có thể đã có 27.000 trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Con số ước tính tại Bắc Kinh là 22.000 trường hợp. Thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí ở hai thành phố rơi vào khoảng 23 tỷ USD.

Câu hỏi 40 năm không có lời giải hé lộ mặt trái u tối đằng sau 'kỳ tích Trung Quốc' - 2
Thượng Hải hiện nay đã bị xếp vào danh sách những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới (Ảnh: ChinaFotoPress/ChinaFotoPress via Getty Images)

Đô thị hóa tác động đến dân số và xã hội Trung Quốc

"Mặt trái" của đô thị hóa và hiện đại hóa cũng được thấy rõ qua tỷ lệ sinh giảm đáng lo ngại ở Trung Quốc. Theo điều tra dân số quốc gia được thực hiện vào cuối năm 2020 và mới được công bố, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm mạnh, chỉ có 1,3 trẻ em trên một phụ nữ - dưới mức thay thế 2,1 cần thiết để có một dân số ổn định.

Hiện nay, tỷ lệ sinh ở đô thị của Trung Quốc là khá thấp. Mặc dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách một con nhưng nhiều gia đình vẫn rất đắn đo với việc sinh thêm con. Chi phí nhà ở và giáo dục cao cũng như áp lực cơm áo gạo tiền gia tăng khiến giới trẻ Trung Quốc không muốn kết hôn hay sinh con.

Tỷ lệ sinh giảm làm gia tăng mối lo tình trạng dân số già hóa và làm chậm tốc độ phát triển kinh tế khi mà số người lao động giảm xuống. Trung Quốc hồi cuối tháng 5 đã quyết định sẽ cho phép mỗi cặp vợ chồng ở nước này sinh 3 con để thúc đẩy tỷ lệ sinh, và hiệu quả của chính sách mới vẫn còn chờ thời gian trả lời.

Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ cũng khiến giới trẻ tỏ ra bi quan về tương lai. Nhiều người trẻ Trung Quốc, vốn ngày càng thất vọng những giờ làm việc căng thẳng, chi tiêu đắt đỏ và giá nhà leo thang chóng mặt đã chống đối bằng cách "chỉ làm việc ở mức tối thiểu cần thiết" theo trào lưu "nằm yên". Họ chán nản với cuộc sống ngột ngạt ở thành phố và chỉ muốn "nằm yên" và "không làm gì".

Ngoài "nằm yên", giới trẻ nước này trong thời gian gần đây còn phổ biến thuật ngữ "tiến hóa lùi" – tức là trong bối cảnh phát triển hiện nay, dù mọi người đều phải học tập hoặc lao động nhiều hơn trước, nhưng họ phải đối mặt với mức thu nhập trì trệ, nỗi lo thất nghiệp và chi phí nhà ở và chăm sóc con cái tăng cao.

Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/cau-hoi-40-nam-khong-co-loi-giai-he-lo-mat-trai-u-toi-dang-sau-ky-tich-trung-quoc-161212106055552698.htm