Thế giới

Cảnh sát Hong Kong bị người biểu tình 'cắn đứt ngón tay': Đụng độ kinh hoàng chưa có dấu hiệu chấm dứt

Những diễn biến mới nhất tại Hong Kong đã khiến nhiều người tỏ ra quan ngại về tương lai của khu vực này.

Cảnh sát Hong Kong bị người biểu tình 'cắn đứt ngón tay': Đụng độ kinh hoàng chưa có dấu hiệu chấm dứt

Bạo lực bùng phát

Theo SCMP, công ty phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong Sun Hung Kai Properties (SHKP) đang bị những người biểu tình phản đối chính phủ "tẩy chay" vì cho rằng SHKP đã hỗ trợ cảnh sát trong cuộc đụng độ ở một trung tâm thương mại ở Sha Tin trong 2 ngày 14-15/7.

Ngày hôm qua (15/7), công ty SHKP khẳng định không gọi cảnh sát và nói không biết trước về hoạt động của cảnh sát tại trung tâm thương mại New Town Plaza - nơi những người biểu tình tập trung sau khi rời khỏi các con phố. Các nguồn tin cho hay, cảnh sát đã bất ngờ tiến vào với một lệnh khám xét giữa lúc những người biểu tình đang nghỉ ngơi.

Theo thống kê, ít nhất 22 người đã bị thương, trong đó 6 người bị thương nặng, 2 cảnh sát "bị gãy ngón tay".

Cảnh sát trưởng Hong Kong Stephen Lo Wai-chung nói: "Tôi đã tới bệnh viện thăm 7 cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ ở Sha Tin. Cảnh sát bị thương nặng nhất đã bị người biểu tình cắn đứt một phần ngón đeo nhẫn bên tay phải".

Chính quyền Hong Kong cho biết những người biểu tình trẻ đã tập trung và tấn công cảnh sát bằng chai nhựa và ô. Trong khi đó, người biểu tình cũng bị cưỡng chế bằng vũ lực và xịt hơi cay. Nguồn tin của chính quyền khẳng định đã bắt giữ được 37 người, trong đó có 20 nam và 17 nữ, tại trung tâm thương mại.

Vụ đụng độ bạo lực chưa từng có tại trung tâm thương mại ở Hong Kong. Nguồn: SCMP

Phát ngôn viên của SHKP cho biết văn phòng điều hành của New Town Plaza đã nhận được thông báo từ cảnh sát rằng họ muốn có các dữ liệu ghi hình CCTV tại trung tâm thương mại vào ngày 14/7. Văn phòng luật sư của công ty cho rằng nên tuân thủ theo yêu cầu của cảnh sát.

Đặc khu trưởng nói gì?

Mặc dù người biểu tình cáo buộc SHKP đã "phản bội" họ, nhưng một nguồn tin hành pháp cho biết quản lí của trung tâm thương mại đã "tỏ ra không hợp tác" trong cuộc gặp đánh giá rủi ro trước khi cuộc biểu tình xảy ra.

"Họ [SHKP] dường như không muốn hợp tác với cảnh sát. Chúng tôi hỏi họ có cần hỗ trợ không và họ nói không cần. Chúng tôi yêu cầu bản đồ tầng trệt và họ không cung cấp. Chúng tôi hỏi liệu có cần đóng cửa một số cửa hiệu không và họ im lặng," đại diện cảnh sát nói.

Tối muộn ngày 15/7, phía trung tâm thương mại khẳng định "rất lấy làm tiếc vì vụ việc đã gây ra nhiều thương vong, ảnh hưởng tới khách hàng, du khách và các cửa hàng".

Bình luận về vụ việc, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói những người biểu tình tham gia cuộc đụng độ với cảnh sát có thể được gọi là "những kẻ nổi loạn" và bà ủng hộ cảnh sát trong việc duy trì luật pháp và bắt giữ những người "có tội".

"Chúng tôi cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát vì đã duy trì trật tự xã hội một cách trung thành và chuyên nghiệp, nhưng họ đã phải chịu nhiều thiệt hại vì các cuộc tấn công từ những kẻ nổi loạn," bà nói.

Cuộc sống thường ngày ở Hong Kong đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các cuộc biểu tình trong hơn 1 tháng qua để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Hong Kong đã được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 dưới mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

Bắc Kinh phủ nhận việc tham gia vào các sự kiện ở Hong Kong, nhưng nhiều người dân tỏ ra lo ngại rằng nếu luật dẫn độ được thông qua, họ sẽ mất tự do và do đó đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối sự kiểm soát từ đại lục.

Theo Tất Đạt (Soha/Trí Thức Trẻ)