Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Cận cảnh những nấm mộ chôn hàng trăm thi thể dọc sông Hằng: Bi kịch của những cái chết ngoài số liệu chính thức

Hàng trăm thi thể đã được phát hiện trôi nổi trên sông Hằng hoặc bị chôn ở những bãi cát bờ sông. Những người sống dọc bờ sông ở miền Bắc bang Uttar Pradesh lo ngại các thi thể là nạn nhân Covid-19.

Ấn Độ trong những tuần gần đây chìm trong làn sóng Covid-19 thứ hai. Nước này đã ghi nhận hơn 25 triệu ca nhiễm và hơn 275.000 trường hợp tử vong, tuy vậy giới chuyên gia cho rằng số ca tử vong thực tế có thể cao hơn vài lần.

Thi thể người dọc bờ sông, cùng những lò hỏa táng quá tải dù đã hoạt động hết công suất, cho thấy số lượng người chết có thể cao hơn so với thống kê chính thức, theo BBC.

Vụ việc nghiêm trọng đầu tiên xảy ra hôm 10/05, khi 71 thi thể trôi dạt vào bờ sông Hằng tại làng Chausa, bang Bihar giáp ranh với bang Uttar Pradesh.

Neeraj Kumar Singh, cảnh sát trưởng quận Buxar, cho biết giới chức đã tiến hành khám nghiệm các tử thi trôi dạt vào bờ, hầu hết đều đã bắt đầu phân hủy mạnh. Mẫu ADN đã được lấy, sau đó các thi thể được chôn ở bờ sông.

Các quan chức cho biết nhiều bộ phận cơ thể được tìm thấy dưới sông có thể là từ các thi thể được hỏa táng dọc bờ sông. Tuy vậy, họ nghi ngờ ai đó đã cố tình ném các thi thể xuống sông. Cảnh sát sau đó đã giăng lưới dọc bờ sông.

Phóng sự về những nấm mộ dọc sông Hằng. Video có nhiều chi tiết gây xúc động, độc giả vui lòng cân nhắc trước khi xem

(Nguồn video: India Today)

Một ngày sau, bên bờ sông Hằng ở làng Gahmar thuộc bang Uttar Pradesh, cách Chausa khoảng 10km, hàng chục thi thể đang phân hủy lại được tìm thấy.

Người dân địa phương cho biết các thi thể đã bắt đầu dạt vào bờ sông từ trước đó vài ngày, tuy vậy giới chức bỏ qua phàn nàn của họ về mùi hôi thối, cho tới khi truyền thông đưa tin về những thi thể được tìm thấy ở Bihar.

Hàng chục thi thể khác trôi nổi dưới sông cũng được người dân ở quận Ballia phát hiện khi họ đi tắm sông vào buổi sáng. Tờ Hindustan Times đưa tin cảnh sát đã thu thập được tổng cộng 62 thi thể.

Tại In Kannauj, Kanpur, Unnao và Prayagraj, các nấm mộ lần lượt mọc lên dọc bờ sông. Một đoạn video được BBC đăng tải cho thấy hàng chục hố chôn đã xuất hiện ở Mehndi, Kannauj. Những nấm mộ này không quá lớn, trông chỉ như một bãi cát dọc bờ sông, tuy vậy mỗi nấm mộ đều chứa một thi thể.

Theo truyền thống, người Hindu hỏa táng các thi thể. Tuy vậy, một số cộng đồng cũng thực hiện nghi lẽ thủy táng. Bên cạnh đó, nhiều người nghèo không có tiền chi trả phí hỏa táng, do đó họ chỉ quấn vải thi thể rồi thả xuống nước.

Đôi lúc các thi thể được đeo đá để chìm xuống lòng sông nhanh hơn, tuy vậy cũng có nhiều thi thể trôi nổi trên sông nhiều ngày. Trước đại dịch, việc các thi thể trôi nổi trên sông Hằng không phải là hiếm gặp.

Điều hiếm thấy là số lượng lớn thi thể xuất hiện chỉ trong một thời gian ngắn, tại nhiều địa phương dọc bờ sông. Một nhà báo ở Kanpur nói với BBC rằng các thi thể trôi sông là bằng chứng cho "sự khác biệt rất lớn giữa số liệu chính thức ca tử vong vì Covid-19 với số liệu trên thực tế".

Cận cảnh những nấm mộ chôn hàng trăm thi thể dọc sông Hằng: Bi kịch của những cái chết ngoài số liệu chính thức
Những nấm mộ được cho là chứa thi thể nạn nhân Covid-19 dọc bờ sông Hằng (Ảnh: AP)

Nhà báo này cho biết từ 16/04 tới 05/05 số liệu chính thức cho thấy 196 người tử vong vì Covid-19 ở Kanpur, tuy vậy dữ liệu do bảy cơ sở hỏa táng cung cấp cho biết họ đã xử lý tới gần 8.000 thi thể.

Các cơ sở hỏa táng chạy điện hoạt động 24/7 trong tháng 04. Ngay cả vậy cũng là không đáp ứng kịp nhu cầu, chính quyền phải cho phép họ dựng bãi hỏa thiêu bằng củi ngoài trời," nhà báo này cho biết thêm.

"Tuy vậy họ chỉ tiếp nhận các thi thể tới từ bệnh viện, có đủ giấy tờ chứng nhận Covid-19, trong khi có rất nhiều người chết tại nhà, không được xét nghiệm. Các gia đình đưa thi thể tới ngoại ô thành phố hoặc các khu vực lân cận. Nếu không tìm được củi hay nơi hỏa táng, họ sẽ chôn các thi thể dọc bờ sông," ông này nói.

Một nhà báo tại Prayagraj cho biết ông tin rằng nhiều thi thể trôi nổi trên sông là bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nhà mà không được xét nghiệm, hoặc người thân của họ không có tiền chi trả phí hỏa táng.

"Thật đau lòng. Những người này đều là con trai, con gái, anh em, cha mẹ của ai đó. Họ xứng đáng được tôn trọng ngay cả khi đã chết. Nhưng họ thậm chí còn không được thống kê. Họ chết và được chôn cất như những người vô danh," nhà báo này nói.

Việc phát hiện những nấm mộ và thi thể khiến người dân ở các ngôi làng dọc bờ sông Hằng bị sốc.

Tại Kannauj, Jagmohan Tiwari, 63 tuổi, nói với kênh truyền hình địa phương rằng ông thấy khoảng "150-200 nấm mộ" ở bờ sông. Nghi thức chôn cất được thực hiện từ 7 giờ sáng tới 11 giờ đêm, ông nói.

Người dân cũng lo ngại việc các thi thể được chôn ở bờ sông sẽ trôi dạt xuống sông khi xảy ra mưa lớn, mực nước dâng cao.

Tuần trước, chính quyền bang Uttar Pradesh đã ban hành lệnh cấm thủy táng và hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo có kinh phí hỏa táng người thân. Tại nhiều địa phương, cảnh sát tham gia trục vớt các thi thể, đưa lên bờ để chôn cất hoặc hỏa táng.

Vipin Tada, cảnh sát trưởng ở Ballia, cho biết giới chức đã trò chuyện với các trưởng làng để họ hiểu rằng không nên thả thi thể trôi sông, trong khi người nghèo có thể xin cấp kinh phí hỏa táng.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)