Thế giới

'Bom nổ chậm' của thị trường bất động sản Trung Quốc: 50 triệu căn hộ bỏ không

Liu Hong và cha mẹ sở hữu bốn căn nhà tại các thành phố ở Trung Quốc đại lục, tuy vậy đôi lúc có tới ba trong số này bị bỏ trống.

Liu, 36 tuổi, là kiểm toán ở thành phố Thượng Hải. Cô mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang cách đây 13 năm, với giá 320.000 nhân dân tệ. Căn hộ này gần nhà cha mẹ cô, vốn được nhà trường nơi ông giảng dạy tặng cho ông cách đây 30 năm.

"Cha mẹ khăng khăng rằng tôi phải mua nhà gần nơi họ sống, bởi họ tin chắc rằng có ngày tôi sẽ trở lại sống ở Cáp Nhĩ Tân, hoặc tôi sẽ cần nhà để có tiền trước khi kết hôn. Cả hai điều này đều chưa xảy ra, và giờ đây cha mẹ ở cùng tôi tại Thượng Hải trong khoảng nửa năm, sau khi họ đã nghỉ hưu," Liu nói.

Tại Thượng Hải, Liu đã mua một căn hộ hai phòng ngủ trị giá 2,6 triệu nhân dân tệ, khi thị trường bất động sản còn nóng hồi năm 2015, khi cô quyết định sẽ sống tại thành phố này.

Khi thời tiết ở Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải quá lạnh, vào khoảng tháng 10 đến tháng 04 hàng năm, cha mẹ cô tới Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam nghỉ dưỡng trong căn nhà nhỏ mà họ sở hữu.

"Không dễ tìm người thuê nhà hay mua nhà ở Cáp Nhĩ Tân. Chúng tôi cứ để không những căn hộ cũ ở đó trong nhiều năm. Về lý thuyết, chỉ riêng gia đình chúng tôi đã có 2-3 căn nhà bỏ không suốt năm," Liu nói thêm.

'Bom nổ chậm' của thị trường bất động sản Trung Quốc: 50 triệu căn hộ bỏ không
Ước tính có khoảng hàng chục triệu căn hộ bỏ không tại Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Tình trạng như gia đình Liu không phải là hiếm. Theo SCMP, ước tính ở Trung Quốc đại lục hiện có hàng chục triệu căn hộ bỏ không. Số lượng lớn những căn hộ bỏ không này có thể sẽ gây rắc rối cho thị trường nhà ở tại Trung Quốc, do tình trạng dư thừa có thể làm giảm giá nhà.

"Trung Quốc không thiếu nhà ở, hiện có nhiều nhà bỏ không. Tỷ lệ bỏ không lớn như vậy là đáng lo ngại," Viện Nghiên cứu Beike (BRI), một tổ chức tư vấn bất động sản của Trung Quốc cảnh báo trong một nghiên cứu mới.

"Nhà ở bỏ không cho thấy nguồn cung tiềm năng lớn. Khi những kỳ vọng về thị trường nhà ở không được như mong đợi, số lượng lớn các căn nhà bỏ không sẽ bị tung lên thị trường, góp phần đè nặng thêm áp lực giảm giá nhà," BRI cho biết.

Tỷ lệ nhà bỏ không trên khắp Trung Quốc đại lục là 12,1%, theo báo cáo được phát hành hồi đầu tháng của BRI. Tỷ lệ này nhỉnh hơn một chút so với mức 11,1% ở Mỹ và 9,8% ở Australia, cao hơn nhiều so với mức 0,9% tại Anh.

Tỷ lệ này tương đương khoảng 50 triệu căn hộ không có người ở, nếu áp dụng theo nghiên cứu được nhà kinh tế Ren Zeping công bố hồi năm ngoái. Ren cộng thêm số liệu chính thức về số lượng nhà ở hoàn tất xây dựng từ năm 2020 vào ước tính của ông trong cùng năm, kết luận hiện có khoảng 400 triệu nhà ở trên khắp Trung Quốc đại lục.

Capital Economics, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở ở London ước tính con số này còn lớn hơn nhiều. Theo đó, Trung Quốc đại lục năm ngoái có khoảng 30 triệu bất động sản chưa được bán, và khoảng 100 triệu bất động sản có thể đã được mua nhưng chưa có người ở.

Đây đều là những tin không vui cho Liu và những người giống cô. Nhiều chủ nhà ở Trung Quốc không tìm được người mua các căn hộ bỏ trống của họ, sau khi thời kỳ bùng nổ thị trường nhà ở đã qua đi.

"Một số căn nhà bỏ trống là di sản của thời kỳ thị trường nhà ở còn nóng, trong giai đoạn 2016-18, khi người dân đổ xô đi mua nhà để đầu tư," Sunshine Li, chuyên gia bất động sản ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) nói.

Khoảng 1/5 số nhà ở tại Nam Xương hiện đang bỏ không, khiến thành phố này đứng đầu trong 28 thành phố lớn mà BRI nghiên cứu.

Báo cáo của BRI, đặc biệt là bảng xếp hạng các thành phố số nhà bỏ trống lớn nhất, gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Người dân Nam Xương phản ứng tức giận trên nền tảng Weibo, cho rằng thành phố của họ không phải có nhiều nhà bỏ không nhất Trung Quốc.

BRI sau đó phải xin lỗi, thừa nhận rằng nghiên cứu mà họ công bố có thể "chưa đủ sát sao", và hứa hẹn sẽ kiểm tra lại số liệu với nhà chức trách địa phương để cập nhật báo cáo chuẩn xác hơn.

Tuy vậy, ít ai nghi ngờ việc hàng triệu ngôi nhà tại Trung Quốc đang bị bỏ không.

Feng He, 26 tuổi, giáo viên trung học, cho biết cô và gia đình sở hữu một căn nhà ba tầng ở thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, đã không có người ở từ 2017. Căn nhà được coi là nơi sống cho cha mẹ cô khi họ về hưu, và cũng là một khoản đầu tư của bản thân cô.

"Sở hữu nhà như vậy đem lại cảm giác an toàn. Nếu gặp rắc rối tài chính trong tương lai, tôi có thể bán nhà lấy tiền," Feng nói.

Là con một, Feng tin cô sẽ thừa kế cả bốn bất động sản đứng tên gia đình cô, trong đó có ngôi nhà trị giá 4 triệu nhân dân tệ đang bỏ trống ở Côn Sơn.

Trong suốt nhiều năm, những người như Liu, Feng và gia đình họ chú trọng đầu tư bất động sản, khiến giá nhà tăng 2,5 lần chỉ trong thập niên vừa qua. Họ tin rằng việc mua thêm nhà bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, sẽ không gây thiệt hại gì, ngay cả khi họ không có nhu cầu mua nhà.

Tuy vậy, sau khi thị trường nhà ở giảm nhiệt, những căn nhà bỏ trống không còn được coi là tài sản quý báu.

Gia đình Liu vẫn đang gặp khó khăn khi tìm cách bán nhà bỏ trống.

"Trong năm nay, tính đến lúc này không ai hỏi mua những căn hộ cũ của chúng tôi tại Cáp Nhĩ Tân," Liu nói.

Ngành bất động sản Trung Quốc hiện cũng đang được đầu với không ít khó khăn. Chỉ trong năm ngoái, khoảng 21 nhà phát triển bất động sản đã tuyên bố không thể trả được nợ, đáng chú ý nhất là Tập đoàn Evergrande Trung Quốc. Hàng ngàn người mua nhà đã bày tỏ phản đối,  từ chối trả lãi vay thế chấp ngân hàng trong tháng trước.

Niềm tin vào lĩnh vực bất động sản đang giảm dần, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các biện pháp giải cứu rõ ràng, cụ thể, dù đã hứa hẹn sẽ bình ổn thị trường nhà ở.

Hãng S&P dự đoán doanh số bán nhà ở Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái, xuống còn 12-13 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2022. Giá nhà trung bình có thể giảm 7%.

Những thông tin này không mấy tốt đẹp cho những người đang muốn bán bất động sản bỏ không.

"Tôi lo ngại rằng những căn hộ bỏ không có thể sẽ trở thành gánh nặng, nếu chúng tôi không bán được nhà trong nhiều năm và luôn phải trả phí tu sửa cũng như đóng thuế," Liu nói.

Lục Chi (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bom-no-cham-cua-thi-truong-bat-dong-san-trung-quoc-50-trieu-can-ho-bo-khong-tintuc836857