Thế giới

Bộ trưởng Ả Rập Saudi muốn chặt đầu 5 nghi phạm giết nhà báo Khashoggi

Bộ trưởng Tư pháp Ả Rập Saudi Saud al-Mojeb hôm 15-11 đề xuất án tử hình bằng hình thức chặt đầu dành cho 5 trong số 11 nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Trang News.com.au cho biết 5 nghi phạm nói trên bị buộc tội ra lệnh và thực hiện vụ giết người, nạn nhân là ông Khashoggi.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hiếm hoi ở thủ đô Riyadh, Bộ trưởng al-Mojeb nói rằng các nghi phạm đã lên kế hoạch hôm 29-9, 3 ngày trước khi ông Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông al-Mojeb tiết lộ quan chức cấp cao nhất đứng sau vụ giết người là cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Ả Rập Saudi Ahmadal-Assiri, người đã bị sa thải vì ra lệnh buộc ông Khashoggi trở về nước.

Cũng theo ông al-Mojeb, 21 người đang bị giam giữ tính đến thời điểm hiện tại, trong đó có 11 người bị truy tố và sắp bị đưa ra xét xử.

Bộ trưởng Ả Rập Saudi muốn chặt đầu 5 nghi phạm giết nhà báo Khashoggi
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Twitter

Nhà báo của The Washington Post bị sát hại sau khi "cuộc đàm phán để ông trở về Ả Rập Saudi thất bại". Người ra lệnh giết nhà báo Khashoggi được cho là trưởng nhóm đàm phán của Ả Rập Saudi. Nhóm này tới Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu ông Khashoggi quay về nước.

Theo công tố viên Shaalan al-Shaalan, ông Khashoggi bị giết tại lãnh sự quán vào ngày 2-10, sau đó bị cắt thi thể và vận chuyển ra khỏi tòa nhà. Hiện thi thể của nhà báo này vẫn chưa được tìm thấy.

Riyadh đã đưa ra nhiều lời giải thích mâu thuẫn về sự biến mất của ông Khashoggi trước khi thừa nhận rằng ông đã bị giết. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman ra lệnh giết ông Khashoggi nhưng Bộ trưởng al-Mojeb khẳng định thái tử không liên quan đến vụ việc.

Hôm 14-11, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về trường hợp của ông Khashoggi. Dự kiến ​​trong tuần này, Ả Rập Saudi sẽ kết thúc cuộc điều tra riêng của mình.

Một số quan chức Ankara khác cho biết nước này đang cân nhắc yêu cầu Ủy ban Nhân quyền của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) điều tra cũng như một cuộc điều tra độc lập dưới sự dẫn dắt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Bất kỳ cuộc điều tra quốc tế nào cũng được cho là sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và các đồng minh.

Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)