Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Biến thể Omicron đã bước vào hồi kết ở nhiều nơi, tương lai đại dịch Covid-19 sẽ ra sao?

"Tôi cho rằng nếu chúng ta đi đúng hướng, Covid-19 sẽ không còn ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của chúng ta trong năm 2022," tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói trên CNN.

Tiến sĩ Yvonne Maldonado, một nhà dịch tễ học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Dược Stanford, cùng chuyên gia tại các cơ quan liên bang của Mỹ, các học giả và các quan chức y tế công cộng đang nỗ lực tìm hiểu diễn biến tiếp theo của đại dịch Covid-19 là như thế nào và khi nào điều đó xảy ra.

Kết luận chung của các chuyên gia: "Chúng tôi thực sự không biết chính xác" điều gì sẽ diễn ra, theo Maldonado.

Đã có những bài học và mô hình dịch bệnh trong quá khứ, nhưng sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Omicron khiến dự đoán của các nhà khoa học trở nên không rõ ràng.

"Không ai trong số chúng tôi dự đoán được sự xuất hiện của Omicron. Đã có những manh mối, nhưng chúng tôi không đoán được là nó diễn ra như vậy," Maldonado giải thích.

Omicron lây nhiễm rất nhanh. Hơn 1/4 tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tính từ đầu dịch được báo cáo chỉ trong tháng trước, khi làn sóng Omicron dâng cao, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.

Tính tới 20/01, số ca nhiễm ở 14 bang tại Mỹ giảm 10% so với tuần trước đó, nhưng ít nhất 26 bang chứng kiên số ca nhiễm tăng ít nhất 10% so với tuần trước đó, theo dữ liệu.

Biến thể Omicron đã bước vào hồi kết ở nhiều nơi, tương lai đại dịch Covid-19 sẽ ra sao?
Ảnh minh họa: Reuters

Tại một số nơi Omicron xuất hiện sớm như Boston và New York, làn sóng lây nhiễm dường như đã đạt đỉnh. Nhưng ở những khu vực khác của nước Mỹ, Omicron vẫn chưa được kiểm soát, theo CNN.

Tại bang Georgia, lãnh đạo các cơ sở y tế ở đô thị Atlanta cho biết bệnh viện vẫn đang quá tải. Nhiều nhân viên y tế không thể làm việc do đã nhiễm bệnh, khiến lực lượng Vệ binh Quốc gia phải hỗ trợ ở Minnesota. Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards cho biết số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì Covid-19 vẫn là rất lớn.

Tuy vậy, các chuyên gia truyền nhiễm nhìn thấy tín hiệu lạc quan từ Nam Phi, nơi đầu tiên ghi nhận biến thể Omicron.

"Nam Phi là chim hoàng yến dự báo của chúng ta, bởi họ là nước đầu tiên phát hiện biến thể Omicron," Maldonado giải thích.

Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện biến thể Omicron hồi tháng 11/2021. Số ca nhiễm tăng nhanh và sớm đạt đỉnh, nhưng sau đó cũng giảm nhanh. Xu hướng tương tự xảy ra ở Anh. Giới chuyên gia cho rằng điều đó sẽ lặp lại ở những nơi khác.

"Tôi dự đoán làn sóng sẽ diễn ra trong thời gian gắn, có thể là trong 4, 5 hoặc 6 tuần tới, điều đó vẫn sẽ rất khó khăn," tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học California, Berkeley nói.

"Phải tới giữa tháng 02 chúng ta mới bắt đầu thấy mọi thứ tiến triển tốt hơn", ông cho biết thêm.

Nếu làn sóng Omicron nhanh chóng kết thúc, giới chuyên gia cho rằng sẽ có một "thời gian yên lặng".

Swartzberg cho rằng từ tháng 03 tới mùa Xuân hoặc mùa Hè 2022 sẽ giống như năm ngoái, với số ca nhiễm tiếp tục giảm.

"Sẽ có tâm lý lạc quan, và rồi chúng ta sẽ có thể làm được nhiều việc hơn. Tôi cho rằng tháng 05 hoặc 06 sẽ là thời điểm tốt đẹp. Tôi lạc quan về điều đó," Swartzberg cho biết.

Một phần lạc quan của Swartzberg dựa trên sự thật rằng phần lớn dân số Mỹ đã có miễn dịch, do nhiều người được tiêm chủng đầy đủ và tiêm liều bổ sung, bên cạnh đó cũng có nhiều người đã mắc Covid-19 trong làn sóng Omicron.

"Nhìn chung, mức độ miễn dịch của người dân Mỹ sẽ cao hơn so với thời điểm trước Omicron, và điều đó sẽ không chỉ giúp chúng ta chống lại Omicron và Delta, nếu các biến thể này vẫn còn lây lan, mà còn giúp chống lại bất kỳ biến thể mới nào khác. Ở mức độ nào thì vẫn phụ thuộc vào sự phổ biến của các loại thuốc," Swartzberg nói.

Giới chuyên gia cũng cho rằng virus corona sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

"Tôi dự đoán một phiên bản của virus sẽ trở lại. Đó là những kịch bản thực sự mang tới sự mơ hồ về những gì sẽ xảy ra trong tương lai," Maldonado nói.

Biến thể mới có thể sẽ lây nhiễm nhanh không kém, thậm chí là vượt trội so với Omicron. Nó có thể gây triệu chứng nặng hơn, hoặc không gây triệu chứng.

"Không rõ điều gì sẽ diễn ra tiếp theo," tiến sĩ George Rutherford, một nhà dịch tễ học thuộc Đại học California, San Francisco nói. Rutherford cho rằng virus có thể đột biến chậm hơn, như những gì xảy ra với biến thể Alpha hoặc Beta. Hoặc nó có thể sẽ đột biến rất lớn, giống như Delta và Omicron.

Virus cúm H1N1 là virus mới, nhưng đã gây ra đại dịch chết chóc nhất lịch sử nhân loại vào năm 1918. Một phần ba dân số thế giới ở thời điểm đó nhiễm bệnh, 50 triệu người tử vong.

Đại dịch cúm đó đã kết thúc, nhưng virus vẫn còn tồn tại tới ngày nay. "Virus đó là tổ tiên của các chủng virus H1N1 chúng ta chứng kiến mỗi năm. Chúng đã trải qua nhiều đột biến, nhưng vẫn thuộc một chủng. Virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tương tự như vậy," Maldonando nói.

Mỗi năm Mỹ vẫn chứng kiến trung bình khoảng 35.000 người tử vong vì cúm, theo CDC. "Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi không nghĩ cuộc sống sẽ trở lại như trước đại dịch," Swartzberg nói.

Maldonando cho rằng đó là "kịch bản tuyệt vời nhất".

Với kịch bản dịch bệnh "giống cúm", thế giới cần tập trung bảo vệ nhóm người nguy cơ mắc bệnh nặng, đảm bảo rằng họ được tiêm chủng và tiếp cận với các liệu pháp kháng thể đơn dòng và kháng virus, Maldonado nói. Các hãng dược cần sản xuất vaccine chuyên trị biến thể để mọi người được tiêm chủng ngừa Covid-19 hàng năm. Nước Mỹ cũng cần cải thiện công tác xét nghiệm.

"Thuốc uống và thuốc kháng thể đơn dòng chẳng có tác dụng gì nếu bạn không chắc chắn bản thân dương tính với Covid-19," Swartzberg giải thích.

Kịch bản tệ hơn là không đủ thuốc để điều trị cho người nhiễm bệnh, hoặc các hãng dược không đảm bảo tốc độ phát triển vaccine chuyên trị các biến thể. Kịch bản tệ nhất là xuất hiện các biến thể thoát được vaccine và các phương pháp điều trị.

"Tôi cho rằng những kịch bản đó khó xảy ra hơn," Maldonado đánh giá.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bien-the-omicron-da-buoc-vao-hoi-ket-o-nhieu-noi-tuong-lai-dai-dich-covid-19-se-ra-sao-tintuc806971