Thế giới

Bí mật về 'những hệ thống HIMARS' của Triều Tiên

Bài viết dưới đây sẽ hé mở bức màn bí mật về một số hệ thống pháo phản lực phóng loạt trong biên chế quân đội Triều Tiên.

Theo tạp chí Military Watch, trong một tuyên bố mới đây, quan chức Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng cung cấp “không hoàn lại” cho lực lượng thân Nga ở Đông Ukraine các hệ thống pháo phản lực phóng loạt KN-09 và KN-25 với các tính năng vượt trội so với Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

Hệ thống KN-09

KN-09 là hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng 300mm, 8 ống phóng, tầm bắn 200km, được quân đội Triều Tiên giới thiệu năm 2014 và đưa vào biên chế năm 2016, được xem là loại vũ khí thông thường mạnh nhất lúc bấy giờ. Giới chuyên gia đánh giá đây là vũ khí đáng gờm hơn cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn, do tên lửa của KN-09 được trang bị khả năng xuyên phá dưới lòng đất hoặc đạn phân mảnh, có khả năng dẫn đường từ xa.

Bí mật về 'những hệ thống HIMARS' của Triều Tiên
Hệ thống KN-09. Ảnh: Military Today

Với chi phí sản xuất thấp, khả năng chế tạo đại trà, ở tầm ngắn, pháo phản lực KN-09 đặc biệt nguy hiểm khi tạo thành “cơn bão lửa” dội vào một khu vực nhất định. Việc đánh chặn bằng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo sẽ tốn kém và không hiệu quả.

Nhìn chung, Triều Tiên đã tự phát triển nhiều pháo phản lực phóng loạt với cỡ nòng từ 107mm đến 300mm, tầm bắn xa và sức công phá mạnh hơn pháo xe kéo thông thường. Theo ước tính, Triều Tiên có khoảng gần 5.000 bệ phóng pháo phản lực phóng loạt, khoảng 2/3 số đó bố trí sát biên giới, có thể nã khoảng 100.000 quả đạn trong chưa đầy 1 phút. 

Tuy không có độ chính xác cao như pháo thông thường nhưng với tốc độ bắn cực nhanh kiểu "rải trấu", loại pháo này rất lợi hại khi tấn công mục tiêu trên diện rộng như đô thị hoặc doanh trại, gây sốc và tàn phá diện rộng cho đối phương. Đây được đánh giá là vũ khí được triển khai đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Trong trận đấu pháo ở đảo Yeonpyeong năm 2010, chỉ trong thời gian chưa đầy 1 phút, các hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Triều Tiên đã bắn khoảng 108 quả đạn, đánh trúng các mục tiêu của quân đội Hàn Quốc đồn trú trên hòn đảo, khiến 2 khẩu pháo tự hành hiện đại K-9 Thunder cỡ 155 mm của Hàn Quốc bị hư hại, 2 lính thiệt mạng, 19 người bị thương. 

Bất ngờ vì đòn pháo kích của Triều Tiên, 3 khẩu pháo K-9 khác của Hàn Quốc đã bắn trả nhưng cũng phải mất tới 13 phút để khởi động radar điều khiển, tuy nhiên tất cả đạn pháo đều trượt mục tiêu do pháo của Triều Tiên đã cơ động sang một trận địa khác. 

Để phòng tránh việc bị tên lửa hành trình hoặc máy bay tấn công, tất cả các hệ thống pháo binh, các căn cứ, kho đạn của Tiều Tiên đều được ngụy trang và giấu kín trong những hầm ngầm kiên cố, rất khó bị đối phương phát hiện và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tốt. Kể cả khi bị phát hiện thì với độ sâu từ hàng chục tới hàng trăm mét của các hầm ngầm, việc tiêu diệt chúng cũng là điều rất khó khăn.

Hệ thống KN-25

Ngày 31/7/2019, Triều Tiên thực hiện vụ thử đầu tiên hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng cực lớn (600mm) mang định danh KN-25. Đến ngày 24/8/2019, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm KN-25 và lần này công khai các bức ảnh về vụ phóng mà không qua kiểm duyệt.

Theo dõi chặt chẽ các vụ phóng, phía Hàn Quốc sau đó thông báo quả đạn của KN-25 vượt qua được quãng đường 380km và lên tới trần bay 97km.

Bí mật về 'những hệ thống HIMARS' của Triều Tiên - 1
Hệ thống pháo phản lực KN-25. Ảnh: Military Today

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng lớn này của Triều Tiên có hai cấu hình: đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp 8 x 8 và xe thiết giáp bánh xích. Trong cấu hình xe tải việt dã bánh lốp, cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu là 4 quả; còn xe bánh xích thì dàn phóng mang theo 6 quả đạn.

Mặc dù gọi là pháo phản lực phóng loạt nhưng theo các chuyên gia quân sự, kích thước của rocket đã tiệm cận với tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn. Ngoài ra, trên mũi quả đạn còn lắp các cánh điều hướng, cho thấy nó có thể điều chỉnh quỹ đạo bay trong giai đoạn công kích mục tiêu, độ sai lệch ước tính chỉ dưới 10m.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống pháo phản lực phóng loạt KN-25 của Triều Tiên đã được cấp quyền truy cập vào hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc để nâng cao độ chính xác. Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, vũ khí này cũng có thể sử dụng dữ liệu định vị tọa độ theo GPS của Mỹ được máy bay trinh sát không người lái cung cấp.

Với tầm bắn cực lớn và độ chính xác cao như trên, pháo KN-25 của Triều Tiên được nhận định là vượt trội so với loại M142 HIMARS của Mỹ và mạnh nhất thế giới hiện nay. Điều thú vị, đạn rocket KN-25 được Triều Tiên phát triển trên cơ sở tên lửa Iskander của Nga. 

Theo Nguyên Phong (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/bi-mat-ve-nhung-he-thong-himars-cua-trieu-tien-2054440.html