Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Bi kịch Covid-19 kinh hoàng ở Thái Lan: Bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân ở bãi đỗ xe, người bệnh chết trên đường

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng tệ ở Thái Lan khiến các bệnh viện chịu áp lực cực lớn, buộc nhiều bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân trong các bãi đỗ xe và không thể tiếp nhận nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Thái Lan từng được ca ngợi nhờ các biện pháp phòng chống Covid-19 hiệu quả hồi năm ngoái, với số ca nhiễm vào hàng thấp nhất thế giới. Tuy vậy, gần đây dư luận nước này bất bình về cách chính phủ đối phó với đại dịch, trong đó có chương trình tiêm chủng chậm chạp, hỗn loạn.

Làn sóng Covid-19 thứ ba khởi phát ở Thái Lan hồi tháng 04. Dịch bệnh lan rất nhanh thông qua các tụ điểm giải trí ban đêm tại Bangkok, trong đó có những hộp đêm vốn là nơi tụ tập của giới doanh nhân giàu có. Kể từ thời điểm đó, ca nhiễm đã được ghi nhận tại các nhà tù, xí nghiệp, công trường xây dựng và những khu dân cư đông đúc của thành phố thủ đô.

Chỉ trong bốn tháng, số ca tử vong của Thái Lan tăng từ dưới 100 lên hơn 4.100. Một số bệnh nhân tử vong tại nhà do bệnh viện không còn giường, theo các tình nguyện viên. Một số thậm chí chết trên đường phố, trong đó có vụ việc thi thể một người bệnh nằm ở lề đường suốt nhiều tiếng đồng hồ hồi tuần trước, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Bi kịch Covid-19 kinh hoàng ở Thái Lan: Bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân ở bãi đỗ xe, người bệnh chết trên đường
Nhân viên y tế Thái Lan xử lý thi thể một bệnh nhân Covid-19 tử vong trên đường phố (Ảnh: Bangkok Post)

“Chính phủ vẫn đi sau Covid-19,” Ekapob Laungprasert, người điều hành nhóm tình nguyện viên Sai Mai Tongrot cho biết.

“Họ hành động sau khi vấn đề đã xảy ra. Họ cần thay đổi chiến lược và tư duy rộng hơn. Họ cần tìm những loại vaccine chất lượng và nhanh chóng phân phối cho tất cả mọi người,” Ekapob nói.

“Người Thái vẫn đang vất vả tìm vaccine, trong khi những nước khác phải tổ chức quay xổ số để khuyến khích người dân đi tiêm chủng,” anh nói thêm.

Chính phủ Thái Lan từng bị chỉ trích vì không ban hành phong tỏa khi số ca nhiễm vẫn còn thấp. Nhiều biện pháp giới hạn đã được công bố, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tốt, áp dụng tại những khu vực nguy cơ cao như Bangkok từ ngày 12/07.

Giáo sư Anucha Apisarnthanarak, trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Thammasat cho biết hiện vẫn chưa rõ khi nào số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày mới giảm. Hôm 20/07, Thái Lan ghi nhận thêm 14.150 ca nhiễm và 118 trường hợp tử vong.

Số ca nhiễm trên thực tế rất khó đánh giá, bởi nhiều bệnh nhân không được xét nghiệm và bị buộc phải ở nhà, theo ông Anucha.

“Rất nhiều bệnh nhân không có nơi điều trị, bởi chúng tôi không còn giường bệnh ở các bệnh viện hay bệnh viện dã chiến. Họ phải ở nhà hoặc nơi nào đó khác,” Anucha cho biết.

Lây nhiễm hiện tại xảy ra giữa các thành viên trong gia đình, Anucha nói thêm.

“Mức độ lây nhiễm trong tình cảnh hiện nay, khi vaccine chưa được tiêm chủng đủ rộng, có thể diễn ra theo cấp số nhân rất đáng báo động,” ông cho biết.

Chính quyền yêu cầu các bệnh viện phải tiếp nhận bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhưng kết quả là nhiều cơ sở y tế giới hạn số lần xét nghiệm PCR mỗi ngày, khiến các bệnh nhân càng khó tiếp cận điều trị hơn. Dù một số bệnh nhân được phép cách ly tại nhà, bệnh viện vẫn phải theo dõi họ trong khi tài nguyên vốn đã không còn nhiều.

Trên mạng xã hội có nhiều hình ảnh, video người dân xếp hàng dài tại các bãi đỗ xe hay các điểm xét nghiệm ở Bangkok. Tại điểm xét nghiệm cho tài xế tại thành phố Nakhon Pathom, xe hơi xếp hàng dài tới hơn 1km.

Nhóm tình nguyện viên Sai Mai Tongrot cho biết gần đây họ liên tục được đề nghị giúp đỡ. Hồi đầu tháng 06, nhóm nhận khoản 30 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ mỗi ngày, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên 600. Các thành viên Sai Mai Tongrot hỗ trợ thuốc men và các nhu yếu phẩm y tế như mặt nạ, bình oxy cho người dân phải ở nhà.

Những bệnh nhân nguy kịch được đưa đến bệnh viện, Ekapob nói, nhưng không phải lúc nào các cơ sở y tế cũng tiếp nhận họ.

“Có thể 2/10 số ca bệnh không được nhập viện, bởi cơ sở y tế không còn giường bệnh, do đó bệnh nhân đã tử vong tại nhà,” Ekapob cho hay.

Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội thể hiện áp lực khủng khiếp mà đội ngũ nhân viên y tế đang trải qua. Hôm 26/07, Bệnh viện Rachapiphat ở Bangkok đăng ảnh bãi đỗ xe lên Facebook, nơi các giường bệnh đã được thiết lập để điều trị cho bệnh nhân khoa cấp cứu. Tuần trước, những hình ảnh tương tự được bệnh viện Saraburi chia sẻ. Các bệnh nhân phải nằm chờ trên giường bệnh dã chiến ở bãi đỗ xe.

Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp khiến dư luận phẫn nộ với chương trình tiêm chủng của Thái Lan. Hôm 26/07, hàng trăm học giả và người làm truyền thông ra thông cáo chung kêu gọi nhà chức trách minh bạch hơn về các hợp đồng vaccine, bao gồm những chi tiết như ai được tiêm vaccine, khi nào vaccine về tới Thái Lan.

Thông báo trên được đưa ra sau khi hãng dược AstraZeneca để lộ ra rằng họ cung cấp cho Thái Lan 6 triệu liều vaccine mỗi tháng, trái ngược với thông báo của chính phủ rằng họ sắp nhận 10 triệu liều.

Thái Lan có cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZenec. Tuy vậy đơn vị sản xuất là công ty BioScience do Hoàng gia Thái Lan sở hữu trước đó chưa từng sản xuất vaccine và đã bị chậm trễ.

Khoảng 5% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ. 17% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều, theo Our World In Data.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)