Thế giới

Bí ẩn đằng sau những thành viên của 'Gia tộc ánh trăng' và lối sống gây nhiều tranh cãi

Ở Trung Quốc, những người trẻ có lối sống chiều chuộng bản thân này được biết đến với cái tên "Moonlight clan" (Gia tộc ánh trăng). Người ta tin rằng cụm từ này lần đầu tiên được sử dụng vào đầu những năm 2000 ở Trung Quốc như một cách để mô tả những người trẻ tuổi tiêu hết lương tháng của mình thay vì tiết kiệm, hoặc thậm chí là cả vay nợ chỉ để mua sắm.

Bí ẩn đằng sau những thành viên của 'Gia tộc ánh trăng' và lối sống gây nhiều tranh cãi
Nghiên cứu cho thấy giới trẻ Trung Quốc sẵn lòng vung tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân bất chấp việc sẵn lòng đi vay. Ảnh minh họa: EPA.

Cụm từ “treat yo' self” (tạm dịch: chiều chuộng bản thân - PV) đã trở thành một thuật ngữ tiếng lóng toàn cầu đối với thế hệ thiên niên kỷ để biện minh cho việc chi tiêu quá nhiều cho một bữa ăn, mua một món hàng đơn lẻ làm tiêu tốn ngân sách hoặc thậm chí là mất cả một ngày công, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết.

Ở Trung Quốc, thế hệ này được biết đến với cái tên Moonlight clan (Gia tộc Ánh Trăng), ám chỉ những người trẻ tuổi, thường là những vẫn còn độc thân chọn cách chi tiêu toàn bộ số tiền lương của họ kiếm được, hoặc thậm chí vay nợ để trang trải những nhu cầu xa hoa của bản thân.

Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, gia tộc Moonlight đang trở thành một thế lực mạnh mẽ trong nền kinh tế Trung Quốc, với ước tính 40% người thành thị độc thân sống ở các thành phố lớn cấp 1 được xếp vào hàng gia tộc Moonlight. Báo cáo cho biết thêm rằng 76% người độc thân ở các thành phố cấp 4 hoặc cấp 5 chi tiêu bằng thanh toán qua thẻ tín dụng.

Bí ẩn đằng sau những thành viên của 'Gia tộc ánh trăng' và lối sống gây nhiều tranh cãi - 1
Báo cáo mới cũng tiết lộ thanh niên Trung Quốc ngày càng không trông chờ cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai bằng việc tiết kiệm. Ảnh: Getty.

Một cuộc khảo sát từ Kantar, công ty phân tích dữ liệu và tư vấn thương hiệu, có tên China MONITOR 2020, cho thấy 56% thanh niên Trung Quốc độc thân trong độ tuổi từ 18 đến 34 cảm thấy đủ tự tin vào tình hình tài chính cá nhân của mình để vay nợ ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu cá nhân và các cuộc chi tiêu.

Trong khi đó, một đối tác của Kantar, cô Ye Han chia sẻ trên SCMP rằng 70% trong số nhóm người này tin rằng việc mua sắm có thể cải thiện vấn đề sức khỏe của họ.

"Sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, họ đòi hỏi sự tiện lợi và sẵn sàng không ngại móc hầu bao cho các dịch vụ liên quan miễn có thể giúp cuộc sống của họ được dễ dàng hơn." Cô Han nói.

Trên thực tế, truyền thống tiết kiệm tiền rất phổ biến trong văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh nỗi sợ không thể chu cấp cho bản thân và gia đình, tiết kiệm còn được coi là một đức tính tốt. Một văn bản cổ của Trung Quốc thậm chí còn nhận định rằng "ba kho báu lớn nhất mà một người có thể có được là tình yêu thương, tiết kiệm và sự hào phóng".

Tuy nhiên, tiết kiệm không phải là thứ mà những người trẻ thuộc "Gia tộc Ánh Trăng" hướng đến. Theo một cuộc khảo sát gần đây do Mass Mutual Asia thực hiện, cứ sáu người trong độ tuổi từ 18 đến 35 tại Hồng Kông (Trung Quốc), sẽ có một người không tiết kiệm được một đồng nào mỗi tháng.

Vào năm 2018, SCMP từng đưa ra một bài viết về một số thành viên của gia tộc Moonlight đã phải vật lộn để tiết kiệm tiền vì họ đang chi tiêu mọi thứ có thể để duy trì lối sống mà họ đã quen khi còn sống chung với cha mẹ. Tuy nhiên, những lời chỉ trích gay gắt nhất về chi tiêu của họ lại thường đến từ chính từ phía gia đình.

Theo SCMP, các thành viên của gia tộc Moonlight có thể đem lại lợi nhuận lớn cho một số nhà hàng bán lẻ, tuy nhiên về tổng thể với nền kinh tế Trung Quốc, họ cũng đem lại một số nỗi lo ngại.

Kwok Yun-kwong, giảng viên cao cấp về kinh tế ứng dụng tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với SCMP rằng xu hướng này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vì nó sẽ làm giảm tỷ lệ đầu tư.

“Bên cạnh lòng hiếu thảo, hành vi này cũng phản ánh gia tộc Moonlight vô trách nhiệm với cuộc sống hưu trí trong tương lai của chính họ. Điều này sẽ tạo áp lực lên chế độ hưu trí xã hội của chính phủ và gây bất ổn xã hội.” ông Kwok cho biết.

Khi ngày càng có nhiều người trẻ không mong muốn kết hôn sớm và nỗi lo về tỷ lệ sinh giảm sắp xảy ra ở Trung Quốc ngày càng trở nên cấp bách, người ta sẽ lo ngại rất nhiều về tương lai của quỹ hưu trí của đất nước.

Bí ẩn đằng sau những thành viên của 'Gia tộc ánh trăng' và lối sống gây nhiều tranh cãi - 2
Báo cáo cũng cho thấy giới trẻ Trung Quốc sẵn sàng vung số tiền lớn để chi tiêu cho các thương hiệu cao cấp. Ảnh minh họa: Getty

Chloe Chen (24 tuổi), nhân viên marketing, cho biết cô thường đến một spa nổi tiếng để chăm sóc da mặt và nối mi hàng tháng. Nếu có nhiều thời gian hơn, cô gái này sẽ dùng thêm những dịch vụ chăm sóc nữa.

Được biết, thông thường, các loại dịch vụ này có giá không hề rẻ, thậm chí lên đến 240 USD (khoảng 5,6 triệu đồng)/liệu trình. Con số này thực chất có phần xa xỉ hơn rất nhiều so với mức lương hàng tháng khoảng 1.500 USD (khoảng 35 triệu)/tháng của cô. Tuy nhiên, Chloe cảm thấy không có vấn đề gì với việc này.

"Thật ra, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng chi tiêu như vậy. Sống ở Đài Bắc không hề rẻ và chúng tôi không kiếm được nhiều tiền, vì vậy thật khó để tiết kiệm. Thế nên tôi tiêu tiền vào những gì mình thích" - cô chia sẻ với The Straits Times.

Vào cuối tháng 3/2021, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu ở nước này nhằm giảm áp lực lên quỹ hưu trí đã gây ra nhiều mối lo ngại cho những người nghèo và những công dân thuộc tầng lớp lao động, những người có thể phải làm việc lâu hơn so với dự kiến.

Số ca sinh con được báo cáo năm 2020 đã giảm 15% do những tác động của đại dịch Covid-19 và tỷ lệ kết hôn của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua.

Lý giải về lối sống này, nhiều người cho rằng vấn đề chính là do tiền lương của họ không tăng qua từng năm nhưng giá sinh hoạt tại những thành phố lớn tại Trung Quốc lại không hề dễ chịu. Ngay cả với những người có thu nhập ổn định, họ cũng chỉ có thể đủ chi trả cho những nhu cầu bản thân, trả hóa đơn và chu cấp cho gia đình.

Ngoài ra nhiều thanh niên độc thân ở Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, lo lắng rằng không thể vừa có gia đình vừa có sự nghiệp. Họ lo ngại rằng, vì việc chăm sóc con cái được coi là trách nhiệm của phụ nữ, họ sẽ là những người phải hy sinh cuộc sống nghề nghiệp của mình nếu họ quyết định kết hôn hoặc sinh con. 

Do vậy, thay vì tiết kiệm và hy vọng đạt được những mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe, những người này lựa chọn chiều chuộng bản thân với dịch vụ thư giãn, đồ hiệu hay những chuyến du lịch dài ngày.

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bi-an-ang-sau-nhung-thanh-vien-cua-gia-toc-anh-trang-va-loi-song-gay-nhieu-tranh-cai-a367908.html