Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến lần 2, dân Châu Âu vẫn biểu tình phản đối lệnh phong tỏa và cách ly xã hội

Người biểu tình tại các quốc gia châu Âu đã xuống đường phản đối lệnh phong tỏa và hạn chế của chính quyền để ngăn Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trở lại tại nhiều nước.

Theo AFP, cuối tuần qua, phong trào biểu tình chống phong tỏa bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu trong bối cảnh chính quyền các nước tái áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển ngăn Covid-19.

Châu Âu đang là tâm Covid-19 của thế giới khi ghi nhận 10.082.006 ca nhiễm và 266.822 ca tử vong do nCoV. Hàng loạt quốc gia châu Âu đã áp phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn chống dịch, khiến nhiều người đổ xuống đường phản đối.

Châu Âu chiếm 10% dân số thế giới nhưng đang ghi nhận 22% tổng số ca Covid-19 toàn cầu (46,3 triệu). Châu lục này cũng chiếm 23% tổng số người chết vì dịch trên thế giới.

Tuy nhiên, nỗ lực của các chính phủ tái ban hành lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển tại vùng dịch châu Âu đã gây ra làn sóng phản đối từ người dân và làm bùng phát biểu tình tại nhiều nơi.

Bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến lần 2, dân Châu Âu vẫn biểu tình phản đối lệnh phong tỏa và cách ly xã hội
Biểu tình chống lệnh phong tỏa tại Anh

Pháp ghi nhận thêm 35.641 ca nhiễm và 223 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.367.625 và 36.788. Pháp cấm người dân tự ý rời khỏi nhà từ ngày 30/10. Các quán bar, nhà hàng cũng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất tháng 12 và việc đi lại giữa các khu vực sẽ bị hạn chế.

Tây Ban Nha chưa công bố số liệu mới, hiện vẫn ghi nhận 1.264.517 ca nhiễm và 35.878 ca tử vong. Quốc hội Tây Ban Nha hôm 29/10 thông qua quyết định gia hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp.

Việc gia hạn các biện pháp hạn chế đã khiến người dân khắp Tây Ban Nha đổ xuống đường biểu tình phản đối, trong đó nhiều cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực. Thủ tướng Sanchez đã lên án các cuộc biểu tình và yêu cầu người dân "đoàn kết, trách nhiệm" để cùng ngăn Covid-19.

Đức báo cáo tổng cộng 531.790 ca nhiễm và 10.583 ca tử vong, tăng lần lượt 14.070 và 60 so với một ngày trước đó. Quốc gia này từng xử lý tốt làn sóng Covid-19 đầu tiên, song ca nhiễm bất ngờ tăng vọt trong những tuần gần đây, giống như các nước châu Âu khác.

Bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến lần 2, dân Châu Âu vẫn biểu tình phản đối lệnh phong tỏa và cách ly xã hội - 1
Biểu tình chống lệnh giãn cách xã hội tại Đức

Người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch"  từ ngày 2/11 đến 30/11.

Tại Đức, biểu tình được tổ chức ở Munich, Berlin phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ. Dù chính quyền cảnh báo tình thế hiện tại rất nguy hiểm và ẩn chứa rủi ro dịch bệnh sẽ bùng phát nghiêm trọng hơn, nhưng nhiều người cho rằng các biện pháp này vi phạm quyền được quy định trong hiến pháp của họ.

Anh báo cáo thêm 21.915 ca nhiễm và 326 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.011.660 và 46.555. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 31/10 thông báo tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV vượt một triệu và nguy cơ hệ thống y tế vỡ trận.

Bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến lần 2, dân Châu Âu vẫn biểu tình phản đối lệnh phong tỏa và cách ly xã hội - 2
Phong trào biểu tình phản đối lệnh hạn chế nhằm ngăn Covid-19 lây lan ở Ý đang leo thang căng thẳng

Đây là một trong những lệnh giới hạn nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường vì những lý do nhất định như đi học, đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men, cũng như chăm sóc những người dễ tổn thương trong xã hội.

Thụy Sĩ, một trong những quốc gia đang chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất châu Âu, hiện ghi nhận 154.251 ca nhiễm và 2.298 ca tử vong. Chính phủ Thuỵ Sĩ tuần này đã công bố loạt biện pháp nghiêm ngặt mới nhằm ngăn chặn đại dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang.

Người dân Thụy Sĩ cuối tuần qua kéo xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế mới, trong khi các nhân viên y tế nước này cũng yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn.

Italia cũng chứng kiến các cuộc biểu tình căng thẳng tuần qua. Euro News hôm 1/11 đưa tin, người dân đã xuống đường sau khi chính phủ ban hành các biện pháp cứng rắn mới để ngăn Covid-19.

Một số cuộc biểu tình đã bùng phát ở Rome với hàng nghìn người tham gia bất chấp mối đe dọa dịch bệnh có thể lây lan. Cảnh xô xát đã xảy ra khi người biểu tình ném chai lọ, gạch đá vào lực lượng hành pháp.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)