Thế giới

Bất chấp biểu tình phản đối, hàng loạt người gốc Á vẫn bị hành hung vô cớ tại Mỹ

Giới chức New York cho biết đang điều tra ít nhất bốn vụ tấn công theo chiều hướng phạm tội thù ghét, trong đó có một vụ khiến một nạn nhân nguy kịch.

Một người đàn ông Sri Lanka 68 tuổi bị lăng mạ bằng lời lẽ phân biệt chủng tộc và bị đấm vào đầu khi đi tàu điện ngầm ở khu vực Hạ Manhattan hôm 19/03, khiến ông này chảy máu và nguy kịch.

Sáng 20/03, một người đàn ông gốc Á 66 tuổi bị đấm vào mặt ở khu vực Lower East Side của New York.

Ba vụ tấn công khác xảy ra hôm 21/03, theo cảnh sát. Một người phụ nữ gốc Á bị xô ngã xuống đất ở Midtown, một người khác bị đập ống sắt vào mặt ở Lower East Side và người thứ ba bị đấm hai lần vào mặt khi cùng con gái tham gia biểu tình ủng hộ các nạn nhân người Mỹ gốc Á ở Quảng trường Union.

Các vụ tấn công xảy ra ở thành phố New York bất chấp hàng trăm người biểu tình xuống đường kêu gọi chấm dứt bạo lực, cho thấy những ví dụ rõ ràng nhất của tình trạng hành hung người gốc Á trong bối cảnh tinh thần bài ngoại lên cao giữa đại dịch Covid-19.

Các vụ tấn công làm tăng thêm cảm giác lo lắng, dễ bị làm hại trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, ngay cả trước vụ xả súng ở thành phố Atlanta hồi tuần trước khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.

Bất chấp biểu tình phản đối, hàng loạt người gốc Á vẫn bị hành hung vô cớ tại Mỹ
Một vụ hành hung người gốc Á ở New York hồi tháng 02 (Ảnh: NBC News)

Katie Hou, 37 tuổi, người bị tấn công chiều 21/03 khi tham gia biểu tình ở Quảng trường Union cùng con gái, cho biết cô đã bình phục, và hy vọng vụ việc không khiến những người Mỹ gốc Á sợ hãi trong im lặng.

"Mọi người cần cảnh giác về sự an toàn của họ, nhưng đồng thời chúng ta phải làm điều gì đó ngăn chặn những điều này lặp lại," Hou nói.

Hou, hiện làm nghề kế toán, cho biết hôm 21/03 cô đưa con gái 7 tuổi tới cuộc biểu tình ở Quảng trường Union để tìm hiểu về sự căng thẳng trong vấn đề chủng tộc tại Mỹ, đặc biệt sau vụ xả súng ở thành phố Atlanta. Cô cho biết đã cùng con rời đi lúc 11 giờ 30, và bắt gặp một người đàn ông hỏi về biểu ngữ chống phân biệt chủng tộc cô đang cầm trên tay.

Cô đưa cho hắn ta, bởi cô nghĩ hắn ta là người biểu tình. Tuy vậy, hắn ném biểu ngữ xuống mặt đường. Khi cô phản đối, hắn đấm cô hai lần vào mặt, nhưng cả hay không nói gì với nhau.

DeVonn Francis, 27 tuổi, nhân chứng vụ tấn công, cho biết hung thủ la hét với mọi người, nói rằng họ sắp đi tù. Francis và nhiều người khác bám theo hung thủ tới trạm tàu điện ngầm, sau đó hắn lên tàu bỏ đi.

Cảnh sát New York cho biết họ đang điều tra 5 vụ hành hung kể trên, diễn ra từ 19-21/03, và ít nhất 3 người đã bị bắt vì liên quan tới 3 trong số các vụ việc.

Tuy vậy vẫn còn chưa có nhiều thông tin về các nạn nhân và thủ phạm. New York Times cho biết ít nhất hai nghi phạm có biểu hiện bất thường trước các vụ tấn công.

Trong vụ tấn công trên tàu điện ngầm, nghi phạm bị giới chức tạm giữ, Marc Mathieu, sáng cùng ngày đăng video phàn nàn về nhiều vấn đề bao gồm lực lượng an ninh quá bạo lực, và các chủ đề khác.

Mathieu bị bắt hôm 22/03 với cáo buộc tấn công cấp độ hai, theo cơ quan công tố. Hắn đang bị điều tra theo hướng phạm tội có tính chất thù ghét.

Hung thủ tấn công Katie Hou sau cuộc buổi tình hôm 21/03 tự tụt quần, la hét người đi đường, nói rằng họ sắp phải đi tù, theo nhân chứng.

Cũng trong ngày 21/03, một phụ nữ gốc Á 41 tuổi đang đị bộ tại Đường 31 Phía Tây thì bị túm từ đằng sau và ném xuống mặt đất, theo cảnh sát.

Liên quan tới vụ việc này, Patricia Melendez, 37 tuổi, bị bắt với các cáo buộc tấn công và hành vi gây rối. Chưa rõ nạn nhân bị thương mức độ ra sao.

Chiều cùng ngày, một người đàn bà gốc Á đi bộ tại Lower East Side bị một người đàn ông cầm gậy kim loại tấn công. Cảnh sát không tiết lộ danh tính nạn nhân, tuy vậy cho biết bà bị rách ở mũi, và được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Liên quan tới vụ việc này, cảnh sát đã bắt giữ Elias Guerrero, 38 tuổi, với các cáo buộc bao gồm tấn công thù ghét và chống đối lực lượng chức năng.

Các vụ việc đang được điều tra theo hướng phạm tội thù ghét, theo cảnh sát. Tuy vậy hệ thống luật pháp tội phạm đang đối mặt nhiều thử thách khi xác định chính xác động cơ phân biệt chủng tộc trong các vụ hành hung người gốc Á. Một số nhà hoạt động đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong các đạo luận về tội phạm thù ghét.

Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 22/03 cam kết tăng cường hiện diện cảnh sát trong khu vực các cộng đồng người gốc Á, đồng thời khuyến khích người dân báo cáo các hành vi phạm pháp.

Dù khó đánh giá mức độ của các vụ tấn công nhắm vào người gốc Á gần đây, một phần do các nạn nhân không báo cáo với nhà chức trách, số vụ điều tra tội phạm thù ghét của cảnh sát New York đã tăng trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảnh sát trưởng thành phố New York Dermot F. Shea, trong một cuộc phỏng vấn với Pix11 hôm 18/03, cho biết sở cảnh sát thành phố đang điều tra 10 vụ tội phạm thù ghét nhắm vào người châu Á tính tới giữa tháng 03, so với không vụ nào hồi đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát ở New York.

Sở cảnh sát New York ghi nhận 29 vụ tấn công nhắm vào người châu Á hồi năm ngoái, trong đó có 25 vụ cơ quan điều tra tin rằng có động cơ thù ghét người gốc Á và nhiềm tin nạn nhân nhiễm virus corona.

Sở cảnh sát New York năm ngoái đã thành lập đơn vị đặc biệt tập trung giải quyết vấn đề tội phạm chống lại người gốc Á.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)