Thế giới

Báo Mỹ: Đặc vụ Israel tiêu diệt thủ lĩnh số 2 của Al-Qaeda ở Iran

Abu Muhammad al-Masri, kẻ bị cáo buộc lên kế hoạch cho vụ đánh bom các đại sứ quán Mỹ tại châu Phi hồi năm 1998, đã bị tiêu diệt trên đường phố ở Tehran (Iran) hồi tháng 08.

Các đặc vụ Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh số 2 của Al-Qaeda trên đường phố Tehran hồi tháng 08 theo chỉ thị từ Mỹ, New York Times đưa tin hôm 13/11.

Abdullah Ahmed Abdullah, sử dụng biệt danh Abu Muhammad al-Masri, bị cáo buộc lên kế hoạch cho các vụ tấn công nhắm vào hai đại sứ quán Mỹ tại châu Phi hồi năm 1998. Hắn bị giết hôm 07/08, New York Times dẫn nguồn tin tình báo cho hay.

Các vụ tấn công nhắm vào Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania hồi năm 1998 khiến 224 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

New York Times cho biết Al-Masri đang lái xe trở về nhà thì bị hai đặc vụ Israel đi môtô áp sát và nổ súng giảm thanh tiêu diệt. Ngoài Al-Masri, con gái hắn là Miriam, vợ của Hamza bin Laden, con trai trùm khủng bố Osama bin Laden, cũng bị giết.

Vụ việc không được Mỹ, Israel, Iran hay Al-Qaeda thừa nhận.

Báo Mỹ: Đặc vụ Israel tiêu diệt thủ lĩnh số 2 của Al-Qaeda ở Iran
Thông báo truy nã Al-Masri của FBI

Mỹ đã theo dõi Al-Masri và các thành viên của Al-Qaeda ẩn náu tại Iran trong nhiều năm, tuy vậy không rõ vai trò của nước này trong các vụ tiêu diệt, nếu có, là như thế nào.

Al-Masri là một trong những thành viên đầu tiên của Al-Qaeda, và được coi là thủ lĩnh số 2 của tổ chức khủng bố này, sau Ayman al-Zawahri.

Sau khi vụ việc xảy ra, truyền thông Iran xác định danh tính nạn nhân là giáo sư sử học Lebanon có tên Habib Daoud và con gái Maryam, theo New York Times. Một hãng tin Lebanon nói nạn nhân là một thành viên nhóm Hezbollah.

Tuy vậy, Daoud và Maryam thực chất không tồn tại. Một nguồn tin tình báo cho biết Daoud là cái tên mà Al-Masri sử dụng khi ở Iran.

New York Times dẫn nguồn tin New York Times cho biết Al-Masri bị Iran "bắt giữ" từ năm 2003 và đã sống tại Tehran từ năm 2015. Khi ở Tehran, Al-Masri được bảo vệ, tuy vậy có thể tự do di chuyển và ra nước ngoài.

Một số chuyên gia cho rằng Iran có thể giữ thành viên Al-Qaeda để đảm bảo tổ chức này không tấn công họ, hoặc để tiến hành các hoạt động chống lại Mỹ.

Iran bác cáo buộc che giấu các thành viên của Al-Qaeda và không trả lời đề nghị bình luận của New York Times. Mỹ và Israel cũng không bình luận.

Vào thời điểm Al-Masri bị tiêu diệt, một số vụ nổ bí ẩn đã xảy ra ở Iran, trong đó có vụ việc tại cơ sở hạt nhân Natanz. Bên cạnh đó, một nhà máy phát điện, một đường ống dẫn dầu và khu vực hợp quân sự Parchin bên ngoài Tehran cũng xảy ra các vụ nổ.

Iran hồi tháng 09 cho biết đã xác định được những đối tượng chịu trách nhiệm về việc phá hoạt cơ sở hạt nhân Natanz, tuy vậy không cung cấp thông tin chi tiết. Truyền thông nước ngoài cho rằng vụ nổ có thể do Israel hoặc Mỹ gây ra.

Các đặc vụ Israel trong quá khứ từng ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran, tương tự như vụ giết Al-Masri, theo truyền thông nước ngoài.

Al-Masri, khoảng 58 tuổi, sinh ra tại Ai Cập. Hắn tham gia Al-Qaeda từ sớm và hoạt động cho tổ chức khủng bố này tại Sudan và Somalia, nơi hắn huấn luyện các nhóm dân quân dùng vũ khí bắn rơi trực thăng Mỹ ở Mogadishu năm 1993, trong sự kiện Black Hawk Down. 19 lính Mỹ thiệt mạng trong trận chiến này.

Bin Laden sau đó giao nhiệm vụ cho Al-Masri tổ chức các vụ tấn công nhắm vào Mỹ tại châu Phi, dẫn tới hai vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania hồi năm 1998.

FBI sau đó đã treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin về Al-Masri.

Năm 2002, Al-Masri tổ chức vụ tấn công tại Kenya khiến 13 người Kenya và 3 người Israel thiệt mạng.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)