Thế giới

Bằng giả từ 'lò' ở Ấn Độ tỏa đi nhiều nước

Hàng trăm cựu sinh viên tốt nghiệp một đại học tư ở Ấn Độ đang bị các nhà tuyển dụng ở hàng loạt quốc gia như Singapore, Malaysia, Nam Phi, Mỹ và Canada yêu cầu phải chứng minh bằng của họ được cấp là thật.

Bằng giả từ 'lò' ở Ấn Độ tỏa đi nhiều nước
Trước cổng MBU ảnh: SCMP

Đại học Manav Bharti (MBU) ở bang Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ, bị cáo buộc đã bán 36.000 bằng giả kể từ khi được thành lập vào năm 2009, với giá dao động từ 100.000 - 300.000 rupee (31- 95 triệu đồng), theo thông tin điều tra mà chính phủ Ấn Độ công bố tháng trước. Trong 41.000 bằng tốt nghiệp mà trường này cấp, chỉ có 5.000 bằng là thật, báo Times of India đưa tin.
Bộ Nhân lực Singapore thông báo hôm 17/2 rằng họ đang điều tra 15 người được nước này cấp visa làm việc và có bằng của MBU, làm tăng thêm những chỉ trích của dư luận Singapore rằng chính quyền cho phép người nước ngoài vào làm những công việc mà dân địa phương có thể đảm trách.

MBU cung cấp các khoá đào tạo về công nghệ và kỹ thuật, khoa học máy tính, quản lý, dược, luật... Trên trang web, trường này liệt kê hàng loạt công ty tư vấn và công nghệ nổi tiếng đã tuyển dụng sinh viên của họ, với người học đến từ nhiều quốc gia xa xôi như Afghanistan, Sri Lanka và châu Phi.

Tại Ấn Độ, hơn 110 sinh viên MBU đã cùng nộp đơn lên toà để xin xác nhận bảng điểm của họ. Các luật sư cho biết những người này đã gặp rắc rối với công ty tuyển dụng từ khi lò bằng giả vỡ lở. Họ có thể mất việc nếu không được xác nhận bảng điểm.

Kamesh Kiran, giám đốc công ty sàng lọc IBC ở Bangalore, cho biết ông đã nhận được đề nghị từ các nhà tuyển dụng ở Ấn Độ, Canada, Mỹ và Úc về việc xác minh bằng cấp của nhân viên mà họ đang sử dụng. Tuy nhiên, ông Kiran cho biết công ty ông từ chối vì không có cách nào xác minh bằng do đại học này cấp.

Năm 2012, MBU bị Ủy ban quản lý các cơ sở giáo dục tư của bang Himachal Pradesh phạt 10 triệu rupee vì không đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu.

Tháng 9 năm ngoái, khoảng 1 năm sau khi xuất hiện cáo buộc MBU bán bằng giả, cơ quan quản lý đã bổ nhiệm một người mới để điều hành trường này.

Quản lý mới được chính quyền bổ nhiệm đang làm thủ tục xin tiếp cận các hồ sơ học tập để từ đó có thể xác nhận bảng điểm của các sinh viên, nhưng toà án bác bỏ yêu cầu này.

Raj Kumar Rana, chủ tịch MBU, bị bắt từ tháng 6 năm ngoái vì liên quan đến vụ việc, nhưng sau đó lại được tại ngoại. Nareshwar Singh Chandel, một luật sư được MBU thuê, nói rằng vụ việc do những kẻ xấu khác gây ra.

“Từ năm 2016-2019, trường này phàn nàn với cảnh sát rằng một số kẻ xấu đã làm khoảng 4.000 bằng giả dưới tên của trường”, ông Chandel nói.

Những tranh cãi xung quanh MBU gây chú ý trở lại đối với vấn đề bằng cấp giả ở Ấn Độ, nơi nhiều trường đại học từng bị buộc tội bán bằng giả cho những “sinh viên” không bao giờ đăng ký học hay dự bất kỳ bài giảng nào, chưa nói đến chuyện tham dự một cuộc thi.

Những kẻ lừa đảo cũng bán bằng giả dưới tên của các trường đại học đã được công nhận. Đại học Mumbai nhận được hơn 900 thư phàn nàn trong thời gian từ năm 2012-2016 về những bằng tốt nghiệp mà họ không cấp.

Theo Thu Loan (Tiền Phong)




https://www.tienphong.vn/the-gioi/bang-gia-tu-lo-o-an-do-toa-di-nhieu-nuoc-1801435.tpo