Thế giới

Băng đảng da trắng từng khuấy đảo nước Mỹ (Kỳ 2)

Aryan Brotherhood ngày càng mở rộng và bám rễ sâu vào thế giới tội phạm, trở thành một trong những băng đảng khét tiếng nước Mỹ.

Aryan Brotherhood ngày càng mở rộng và bám rễ sâu vào thế giới tội phạm, trở thành một trong những băng đảng khét tiếng nước Mỹ.

Hoạt động ngầm sau phía song sắt

Nếu như trước đây, AB hoạt động với tư tưởng “người da trắng thượng đẳng” và tìm cách tiêu diệt các băng đảng da màu và nhập cư thì với sự phát triển mới, băng đảng sẵn sàng bắt tay với bất kì một nhóm nào có chung lợi ích.

Một trong những đồng minh thân cận của AB trong thời kì này là các băng nhóm tới từ Mexico. Các băng nhóm này có vai trò tìm kiếm nguồn hàng từ các quốc gia Nam - Trung Mỹ, từ đó đưa vào Mỹ qua tuyến đường ở bang Texas.

Bang dang da trang tung khuay dao nuoc My (ky 2) hinh anh 1
Thành viên băng đảng Aryan Brotherhood trong nhà tù. Ảnh: National Geography.

Từ đây, AB sẽ đóng vai trò trung gian, bảo kê cho các chuyến hàng và phân phối theo các đường dây ở khắp các bang. Theo ghi nhận của cảnh sát, chỉ trong một tháng tại khu vực trung tâm Texas, AB có thể tiêu thụ tới 4 kg ma túy, trị giá hàng chục nghìn USD.

Một nguồn thu nhập không nhỏ của tổ chức này còn đến từ hoạt động bảo kê mại dâm trong các nhà tù trên khắp nước Mỹ. Hơn ai hết, AB hiểu rõ mọi cơ chế hoạt động ngầm phía sau song sắt.

Kết hợp giữa các biện pháp bạo lực và hối lộ những cai ngục biến chất, các thành viên của AB gây dựng các đường dây mại dâm đồng tính vốn rất phổ biến trong các nhà tù.

Với các hoạt động ma túy, mại dâm, kết hợp với buôn lậu và giết thuê, tới nay AB đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm hoạt động mạnh nhất nước Mỹ với số tiền kiếm được lên tới hàng triệu USD mỗi năm.

Cuộc truy quét hơn một thập kỷ

Năm 2002, Cảnh sát Tư pháp Mỹ đã đột kích các nhà tù trên toàn quốc, bắt giữ 40 người bị nghi ngờ là “lãnh đạo” băng đảng AB.

Ngày 19/10/2002, 40 kẻ tình nghi được đưa ra xét xử với tội giết người, tống tiền, buôn bán ma túy và cướp tài sản. Các viên chức Liên bang hy vọng với những quy định của Đạo luật chống lại tổ chức có hành vi tống tiền và lừa đảo (RICO) có thể kết án tử hình cho 21 tên.

Tuy nhiên, bản án cuối cùng được đưa ra vào ngày 14/3/2006, chỉ có 3 tên “đầu sỏ” nguy hiểm nhất của AB là Barry Mills, Tyler Bingham, Christopher Gibson phải nhận án tử hình.

Sau 20 tháng điều tra và truy lùng ráo riết, tháng 6/2005, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiến hành đột kích 6 nhà tù ở đông bắc Ohio, mạng lưới tội phạm nằm dưới sự kiểm soát của AB, bắt giữ 34 kẻ tình nghi.

Năm 2005, một thành viên khác của AB là Pete Van Winkle đã bị bắt sau khi đoạn video ghi lại cảnh hắn giết tên Robert Leroy trong nhà tù Maricopa County (Phoenix, Arizona) bị rò rỉ trên mạng.

Mặc dù đã có nhiều thành viên của AB sa lưới pháp luật nhưng các công tố viên Liên bang rất khó khăn trong việc khởi tố, vì hầu hết chúng là những kẻ đã bị kết án chung thân. Mọi cáo buộc liên quan đến tội phạm bị bắt đều phải dựa vào Đạo luật RICO, vì vậy có rất ít tên phải nhận bản án tử hình.

Bang dang da trang tung khuay dao nuoc My (ky 2) hinh anh 2
Một thành viên của Aryan Brotherhood luyện tập trong nhà tù. Ảnh: Real Crime Daily.

Kể từ năm 2006, FBI triển khai các hoạt động truy nã thành viên của AB trên toàn quốc và treo phần thưởng 10.000 USD cho bất cứ người nào cung cấp thông tin giúp bắt được tội phạm.

Năm 2012, FBI triệt phá đường dây buôn bán ma túy đá của AB và các băng đảng Mexico, tóm gọn được 4 “lão tướng” bao gồm: Terry Ross Blake, Charles Lee Roberts, Larry Max Bryan và William David Maynard. Cuộc truy quét này được triển khai với quy mô lớn tại các thành phố Dallas, Lubbock, San Antonio, Houston, Beaumont, Brownsville, Corpus Christi và thậm chí cả Bắc Carolina.

Sau 8 năm kể từ khi FBI phát động cuộc điều tra Liên bang, 75 thành viên của AB đã bị bắt giữ.

"Mầm mống của AB còn rất nhiều"

“Bọn chúng đang trong tình trạng hỗn loạn tuyệt đối. Cuộc truy bắt sâu rộng khiến sức mạnh và niềm tin của chúng bị lung lay”, David Karpel, công tố viên phát biểu trong cuộc họp báo của FBI vào tháng 8/2016.

Tuy nhiên theo một báo cáo gần đây của FBI, vẫn còn khoảng 2.000 tên đang hoạt động dưới danh nghĩa băng đảng AB. Chúng phải vật lộn để gây dựng lại tổ chức.

“Mầm mống của AB còn rất nhiều, chúng không dễ lụi tàn”, Mark Pitcavage, nhà nghiên cứu cấp cao của ADL - một tổ chức hoạt động về nhân quyền, nhận định.

Larry Bryan, một trong 75 kẻ bị kết án, thừa nhận hắn từng hối lộ cai ngục để sử dụng điện thoại lậu, nhằm dẫn dắt một nhóm AB hoạt động từ sau song sắt nhà tù.

Kể từ sau cuộc truy quét, Bộ Tư pháp Mỹ cũng chưa có nhiều hành động quyết liệt trong việc tiêu diệt băng đảng AB.

Theo Minh Tuấn (Zing.vn)