Thế giới

Bàn cờ Syria: Vì lợi ích, Nga không dễ gì buông bỏ

Mâu thuẫn giữa Israel và Iran cũng giúp Nga có vị thế hơn dưới vai trò kênh trung gian . Theo truyền thông, Nga đã đồng ý can thiệp để các đơn vị Iran và lực lượng thân Iran rời biên giới Syria - Israel 40km hoặc xa hơn.

Bàn cờ Syria: Vì lợi ích, Nga không dễ gì buông bỏ

Hôm thứ 6, 7/9, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Erdogan và Tổng thống Iran Rouhani đã gặp nhau tại Tehran, thủ đô Iran, nhằm thương lượng về khả năng mở cuộc tấn công quy mô lớn nhằm tiêu diệt các nhóm quân Hồi giáo nổi dậy ở tỉnh Idlib.

Quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran đã lần lượt chiếm được Homs, Aleppo, Đông Ghouta và Daraa. Nếu chỉ tính riêng các khu vực do các nhóm nổi dậy Hồi giáo kiểm soát thì Idlib là khu vực quan trọng cuối cùng. Có thể thấy chiến lược của Nga, Iran và chính phủ Bashar al-Assad là gần như “bỏ qua” khu vực cát cứ của lực lượng người Kurd ở khu vực Đông Bắc để tập trung tấn công các nhóm nổi dậy Hồi giáo.

Gần đây, quan điểm của Mỹ và châu Âu thay đổi, khi không dứt khoát đòi Bashar al-Assad phải ra đi, do đó, không can thiệp sâu bằng quân sự tại Syria mà chỉ hành động khi chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Có nhiều tranh cãi trong việc chứng minh, nhưng giới hạn này cho thấy tại thời điểm hiện tại Mỹ và châu Âu không quyết tâm thay thế chính quyền al-Assad bằng một chính quyền khác. Lí do của việc này có thể là do phe nổi dậy chưa chứng minh được năng lực tập hợp lực lượng và quản lí quốc gia. Kinh nghiệm ở Lybia, Iraq và Afghanistan cho thấy điều này.

Từ khi thành lập nhà nước Israel, nước này và các quốc gia Arab lân cận đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống lẫn nhau.

Những năm 1948, 1967, 1973 và 1982 xảy ra các cuộc chiến lớn của Israel với các nước Arab mà Syria tham gia. Năm 1948, sau cuộc chiến với các nước Arab xung quanh, Israel giữ nguyên lãnh thổ được Nghị quyết 181 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận và chiếm giữ hơn 50% lãnh thổ thuộc các nước Arab. Đến 1967, trong “cuộc chiến 6 ngày”, Israel chiếm được bán đảo Sinai, dải Gaza trước đó do Ai Cập quản lí, chiếm được Đông Jerusalem và khu Bờ Tây thuộc Jordan, cũng như cao nguyên Golan từ Syria.

Cuộc chiến năm 1973 được xem như là một nỗ lực bị thất bại của các nước Arab nhằm giành lại các khu vực lãnh thổ đã mất. Biên giới Israel vẫn giữ nguyên như sau cuộc chiến năm 1967. Năm 1982, trong cuộc chiến có Syria tham gia, Israel tuy đẩy lùi được phong trào giải phóng Palestine khỏi khu vực Lebanon nhưng bị coi là thất bại chiến lược do không thể đè bẹp được tinh thần phản kháng từ phía các nhà nước Arab. Cho đến nay Israel đã trao trả Sinai, ấn định biên giới với Ai Cập (1979) và Jordan (1994) nhưng vẫn kiểm soát cao nguyên Golan của Syria. Đối với Syria, việc mất cao nguyên Golan vẫn là một “vết thương chưa lành”.

Ngoài các cuộc chiến lớn với Syria, Israel tiến hành nhiều cuộc tấn công không quy ước vào lãnh thổ của đối phương. Các cuộc tấn công kiểu này hoặc không được thừa nhận, hoặc được thừa nhận rất lâu sau đó. Ví dụ như cuộc tấn công phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Syria năm 2007 chỉ được chính thức thừa nhận vào 2018  tuy trước đó đã có những bài báo mô tả chi tiết kế hoạch và kết quả cuộc tấn công.

Israel cũng chưa bao giờ thừa nhận vụ ám sát tướng Mohammed Suleiman từ một chiếc thuyền đậu ở bờ biển cảng Tartus, khi ông này đang tổ chức ăn tối với bạn bè tại nhà riêng nhìn ra bờ biển vào năm 2008. Tướng Mohammed Suleiman là người thân cận với gia đình Tổng thống Assad và được cho là một trong số rất ít những người biết được kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Syria, cũng như là người tham gia điều hành việc chuyển vũ khí từ Iran qua Syria cho nhóm quân đội Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon.

Israel chính thức tuyên bố không can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria nhưng nước này khẳng định giữ quyền tự do tuyệt đối trong các hoạt động bên ngoài lãnh thổ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Tháng 4, 2016, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tuyên bố tiếp tục tấn công để ngăn chặn việc Hezbollah tiếp nhận vũ khí. Ngày 30/8/2018, Thủ tướng Netanyahu khẳng định sẽ tiếp tục ngăn chặn Iran triển khai lực lượng và vũ khí ở Syria. Ngày 4/9, một quan chức quân đội Israel giấu tên đã cho biết, trong vòng 18 tháng trở lại đây, Israel đã không kích ít nhất 202 lần vào Syria với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Tuy bị mất 1 máy bay F16 do lực lượng phòng không mặt đất tại Syria bắn hạ nhưng các hoạt động không kích vẫn tiếp tục được triển khai.

Hiện nay, cuộc chiến ở Syria đang đi vào hồi kết với sự kiểm soát trở lại của quân đội chính phủ Assad dưới sự trợ giúp của Nga và Iran. Rõ ràng đây không phải là kết cục có lợi cho Israel do chính phủ Assad vẫn là đối thủ của Israel. Ngoài ra, việc chính quyền Syria và Iran hậu thuẫn quân đội Hezbollah sẽ là mối đe dọa lớn đối với Israel về phía Bắc.

Tính toán lợi ích của Israel ở Syria trong bối cảnh các nước lớn tranh giành ảnh hưởng trên nền tảng chia rẽ sâu sắc giữa chính phủ và các phe nhóm

Với tình trạng các nhóm nổi dậy phân tán, thiếu kinh nghiệm quân sự và nhận được hậu thuẫn ngày càng giảm từ Mỹ và các quốc gia khác, chính phủ của Tổng thống Assad với sự hỗ trợ của Nga có nhiều khả năng sẽ kết thúc được cuộc nội chiến kéo dài gần một thập kỉ.

Nga, Iran hay thậm chí Thổ Nhĩ Kì đều có quan hệ tốt với chính quyền Assad, ít nhất là cho đến trước khi nổ ra cuộc nội chiến.Israel thì ở vị thế khác, liên tục ở thế đối đầu. Vì thế nếu phe Assad thắng thì đây không phải là kịch bản mà Israel mong đợi. Tuy vậy, nếu các nhóm nổi dậy người Sunni thắng lợi thì cũng có nhiều nguy cơ đối với Israel vì ảnh hưởng của các nhóm này sẽ có thể làm mất ổn định ở Ai Cập và Jordan. Nếu hai nước này mất ổn định chính trị thì khả năng xung đột với Israel cũng tăng cao. Vì vậy, tính toán lợi ích của Israel tập trung vào các thế lực sẽ có ảnh hưởng nhiều trong tương lai ở Syria là Nga, Iran cùng lực lượng Hezbollah và Thổ Nhĩ Kì.

Hạn chế ảnh hưởng của Nga ở Syria là ưu tiên của Israel.Việc Nga mở rộng ảnh hưởng ở Syria và khu vực lân cận sẽ khiến các nhóm vũ trang Hồi giáo dễ dàng tiếp cận với nguồn vũ khí của Nga nhiều hơn. Giữa Israel và các quốc gia, sắc tộc Hồi giáo có sự chia rẽ sâu sắc và Israel cũng sử dụng vũ lực để răn đe, bẻ gẫy ý định dùng quân sự của các lực lượng này để bảo vệ an ninh hoặc đòi lại các lãnh thổ đã mất.

Thêm nữa, các khu căn cứ quân sự hải quân và không quân của Nga được trang bị vũ khí hiện đại cũng là điều bất an cho Israel vì Nga sẽ giúp Syria phát hiện các cuộc xâm nhập của Israel dễ dàng hơn.

Cả Nga và Iran đều là đồng minh của chính quyền Assad, nhưng Nga không muốn Iran có ảnh hưởng lớn hơn tại đây và khu vực Caucasus lân cận. Israel không nhiều lợi ích khi Nga mở rộng ảnh hưởng nhưng Israel vẫn phải hợp tác với Nga tại Syria. Về phía Nga, mâu thuẫn giữa Israel và Iran cũng giúp Nga có vị thế hơn dưới vai trò kênh trung gian giữa hai nước này. Vì vậy, hợp tác với Nga để hạn chế các ảnh hưởng xấu vẫn là lựa chọn ngoại giao của Israel. Theo truyền thông Israel, Nga đã đồng ý can thiệp để các đơn vị Iran và lực lượng thân Iran rời xa cách biên giới Syria - Israel 40km hoặc xa hơn.

Hạn chế ảnh hưởng của Iran là mục tiêu quan trọng của Israel. Mặc dù Israel được cho là sở hữu hơn 200 đầu đạn hạt nhân, nước này luôn phủ nhận điều này và cho rằng không thể chấp nhận các nước khác trong khu vực sở hữu năng lực hạt nhân. Bên cạnh đó việc Iran tận dụng mối quan hệ tốt với chính quyền Assad và thông qua đó cung cấp vũ khí cho quân đội Hezbollah sẽ khiến nguy cơ hình thành một mặt trận tại cao nguyên Golan cao hơn. Trước khi nổ ra cuộc nội chiến, Iran đã có khoảng 3000 quân tại Syria để giúp huấn luyện quân đội và đảm bảo việc chuyển vũ khí, tài chính cho lực lượng Hezbollah. Là đồng minh của Mỹ, Israel cũng càng có lí do để chống một Iran hùng mạnh và có ảnh hưởng rộng trong khu vực.

Hạn chế việc chuyển vũ khí cho Hezbollahlà một trong những mối quan tâm thường trực của Israel. Syria và Iran là hai nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho lực lượng này. Gần đây, Hezbollah đã nhận được tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và phiên bản nội địa của Syria là M600. Với tầm bắn 200km, đầu đạn 500-600kg và độ chính xác tương đối cao, loại vũ khí như vậy có khả năng đe dọa mọi vị trí của Israel.

Hợp tác với Thổ Nhĩ Kì sẽ giúp Israel kiểm soát tình hình tại Syria tốt hơn. Thổ Nhĩ Kì có chung đường biên giới với Syria, lại hậu thuẫn các nhóm nổi dậy gốc Thổ tại phía bắc Syria. Tuy nhiên, lực lượng người Kurd với mong muốn độc lập lại là mối nguy hiểm do vấn đề li khai của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kì đã kéo dài rất nhiều năm mà không giải quyết được. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kì can thiệp ở Syria sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. 

Theo Trần Bình (VietNamNet)