Thế giới

Bác sĩ nghẹn ngào kể lại khoảnh khắc sơ cứu cho ông Shinzo Abe

Bác sĩ Shingo Nakaoka, người cấp cứu cho ông Shinzo Abe tại hiện trường, biết rằng mọi nỗ lực cứu sống cố thủ tướng đều có thể vô ích khi nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của ông ấy.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters vài ngày sau vụ ám sát cố Thủ tướng Shinzo Abe ở TP Nara hôm 8/7, bác sĩ Shingo Nakaoka nhớ lại khoảnh khắc nhìn vào khuôn mặt của ông Abe tái nhợt do vết thương sâu ở cổ. "Thứ đập vào mắt tôi là khuôn mặt của ngài ấy. Khi chúng tôi xoa bóp tim, cơ thể của ngài ấy không có phản ứng. Ngài ấy gần như không còn ý thức và tôi biết đó là tình huống cực kỳ nghiêm trọng", vị bác sĩ 64 tuổi kể.

Trả lời Reuters, ông Nakaoka cho biết bản thân đã lao đi thật nhanh khi một người dân tại hiện trường hét lên gọi ông đến giúp đỡ. Cùng với các y tá, ông Nakaoka chạy thật nhanh đến hiện trường vụ ám sát gần đó.

Một người dường như thuộc đoàn tùy tùng của ông Abe đưa cho bác sĩ Nakaoka chiếc máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) nhưng nó không hoạt động. Một trong 3 y tá phải chạy trở lại phòng khám để lấy chiếc máy khác.

Tuy nhiên, lúc đặt nó lên người của ông Abe, chiếc máy thông báo "không thể kết nối". Điều đó có nghĩa là hoặc tim đang hoạt động bình thường hoặc đã ngừng đập. Những người phản ứng đầu tiên sau vụ ám sát cho rằng ông Abe đã bị ngừng tim trong vòng vài phút.

Bác sĩ nghẹn ngào kể lại khoảnh khắc sơ cứu cho ông Shinzo Abe
Ông Abe nằm tại hiện trường hôm 8/7. Ảnh: Ảnh: Mainichi.

Bác sĩ Nakaoka cùng các y tá sau đó thay nhau xoa bóp tim bằng tay cho ông Abe. Nhưng do mất quá nhiều máu nên có rất ít cơ hội hồi sức cho ông Abe ngay tại chỗ. "Vào thời điểm đó, tôi rất tuyệt vọng", bác sĩ Nakaoka nhớ lại.

Khoảng 11/41 phút hôm 8/7, 11 phút sau khi ông Abe bị bắn gục, một chiếc xe cứu thương xuất hiện. Theo bác sĩ Nakaoka, chừng đó thời gian là quá lâu bởi ông Abe cần đến trung tâm y tế nhanh chóng để cầm máu. Một chiếc trực thăng chở ông Abe - trong tình trạng mất ý thức, đến bệnh viện Đại học Y Nara, cách hiện trường khoảng 20 km lúc 12h20.

"Có lúc tôi không nhớ nổi khi đó mình như thế nào", bác sĩ Nakaoka nói. "Điều tôi nhớ rất rõ là điên cuồng cầu nguyện một phép màu xảy ra để có thể được cứu được ông Abe".

Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra. Ông Abe được tuyên bố tử vong lúc 17h03 hôm 8/7.

Trong khi đó, các chuyên gia an ninh khi xem lại đoạn video quay cảnh ông Abe bị bắn nói rằng nhóm vệ sĩ của vị cố Thủ tướng Nhật Bản có thể đã cứu sống được ông nếu họ kịp che chắn hoặc giúp ông tránh đạn.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami bắn 2 phát súng từ phía sau ông Abe, mỗi lần cách nhau 2,5 giây. Phát súng đầu tiên được bắn ở khoảng cách 7 m và bị hụt, theo báo Yomiuri. Yamagami liền tiến lại gần hơn ở khoảng cách 5 m rồi bắn lần thứ hai trúng ông Abe.

GS Mitsuru Fukuda, chuyên gia về quản lý khủng hoảng và khủng bố tại Trường ĐH Nihon (Nhật Bản), cho biết đội an ninh đã phản ứng sai bởi lẽ ra họ phải tìm cách bảo vệ ông Abe sau phát súng thứ nhất thay vì khống chế nghi phạm.

Các nhà chức trách Nhật Bản, bao gồm cả Thủ tướng Kishida Fumio, đã thừa nhận những sơ hở về an ninh. Trong khi đó cảnh sát cho biết họ vẫn đang điều tra.

Bộ phận an ninh đã bỏ qua khoảng không phía sau ông Abe, khi ông đứng nói chuyện ở góc đường. Điều này đã cho phép kẻ tấn công đến cách ông Abe chỉ vài mét, mang theo súng mà không hề bị kiểm tra.

Theo một thành viên của Cơ quan an ninh ngoại giao Mỹ, nếu họ là nhóm vệ sĩ, họ sẽ túm lấy thắt lưng hoặc cổ áo của ông Abe, che chắn cho ông bằng cơ thể của họ và hộ tống ông rời khỏi hiện trường.

Theo Thảo Nguyên (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/the-gioi/bac-si-nghen-ngao-ke-lai-khoanh-khac-so-cuu-cho-ong-shinzo-abe-1726489.html