Thế giới

Áo cưới 15 kg của Hoàng hậu Nhật Bản

Trong lễ cưới cách đây gần 6 thập kỷ, Hoàng hậu Michiko được mẹ chồng mặc cho bộ trang phục truyền thống rực rỡ gồm 12 lớp cầu kỳ.

Trong lễ cưới cách đây gần 6 thập kỷ, Hoàng hậu Michiko được mẹ chồng mặc cho bộ trang phục truyền thống rực rỡ gồm 12 lớp cầu kỳ.

Nhật hoàng Akihito kết hôn với bà Michiko Shoda vào ngày 10/4/1959 sau hai năm quen biết, khi ông đang là thái tử. Ông đã phá vỡ truyền thống để trở thành người đầu tiên trong hoàng gia Nhật Bản kết hôn với một dân thường. 

Giữa tiết trời mùa xuân trong xanh, hoa anh đào nở rộ, bà Michiko được mẹ chồng tương lai là Hoàng hậu Nagako mặc cho bộ kimono truyền thống màu đỏ và tím gồm 12 lớp để cử hành các nghi lễ kéo dài suốt một ngày tại hoàng cung.

Bà Michiko đã mất đến 3 giờ mới mặc xong bộ trang phục nặng khoảng 15 kg này. 

Nó có tên là junihitoe, nghĩa là "áo choàng 12 lớp", một loại kimono sang trọng và cầu kỳ chỉ dành cho các phụ nữ quyền quý ở Nhật Bản. Màu sắc và cách sắp xếp các lớp áo rất quan trọng bởi đây là dấu hiệu để người ngoài biết được vai vế của người phụ nữ đang mặc junihitoe. 

Thái tử Akihito mặc sokutai và công nương Michiko mặc junihitoe trong hôn lễ. Ảnh: 
Thái tử Akihito mặc sokutai và công nương Michiko mặc junihitoe trong hôn lễ. Ảnh: The Asia mag

Các lớp của nó đều được may từ vải lụa, trong đó lớp dưới cùng được làm từ lụa trắng và lớp ngoài cùng là một chiếc áo choàng. Tổng khối lượng của junihitoe có thể lên tới 20 kg.

Phụ kiện không thể thiếu đi kèm junihitoe đó chính là một chiếc quạt được thiết kế tinh xảo, buộc bằng những sợi dây thừng màu sắc khi gấp lại. Chiếc quạt không chỉ xoa dịu cái nóng cho người mặc junihitoe mà còn là phương tiện giao tiếp quan trọng của họ. 

Các phụ nữ có thể đưa cao tay áo junihitoe hoặc xòe quạt để che mặt khi trò chuyện trực tiếp với nam giới. Tuy nhiên, việc cử động có phần khó khăn do sức nặng của bộ trang phục.

Trong lễ cưới, ông Akihito cũng mặc bộ trang phục truyền thống dành cho các chức sắc, triều thần của Nhật Bản được gọi là sokutai. Màu sắc và thiết kế của sokutai có nhiều dạng khác nhau, tùy thuộc vào vai vế và công việc của người mặc nó.

Các quan chức quân sự mặc sokutai có lớp ngoài cùng xẻ tà để tiện di chuyển, trong khi sokutai của các quan chức dân sự được khâu liền. Màu vàng sẫm là màu được dành riêng cho nhà vua.

Ngoài các lớp áo, người mặc sokutai có hai phụ kiện quan trọng là một chiếc quyền trượng phẳng gọi là shaku và một chiếc mũ gọi là kanmuri.

Thái tử Akihito và công nương Michiko cũng mặc hai bộ sokutai và junihitoe khác trong lễ lên ngôi năm 1990. Buổi lễ kéo dài 30 phút, với chi phí khoảng 80 triệu USD và có 2.500 quan chức từ 158 quốc gia tham dự, theo CNN.

Lễ lên ngôi vua năm 1990 của Thái tử Akihito

Hiện sokutai không còn được sử dụng nhiều nhưng các thành viên nam giới của hoàng gia và các quan chức chính phủ như thủ tướng Nhật Bản đôi khi vẫn mặc trang phục này trong các dịp như đám cưới, lễ lên ngôi. 

Junihitoe hầu như cũng chỉ được nhìn thấy trong các bảo tàng, các bộ phim, những buổi biểu diễn trang phục, các lễ hội hoặc những điểm tham quan. Tuy nhiên, các phụ nữ trong hoàng gia Nhật Bản như hoàng hậu, công chúa đôi khi vẫn mặc bộ kimono này ở những buổi lễ trọng đại.

Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)