Thế giới

Anh dự định thiết lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á để đối phó TQ

Hải quân Anh dự định xây dựng căn cứ ở Singapore hoặc Brunei nhằm đối phó với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Tuy vậy giới phân tích cảnh báo có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Kế hoạch xây dựng căn cứ ở Đông Nam Á được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với The Sunday Telegraph vào đầu tuần. Địa điểm thiết lập căn cứ có thể ở Singapore hoặc Brunei, South China Morning Post cho biết.

Theo Bộ trưởng Williamson, Anh sẽ mở 2 căn cứ quân sự ở nước ngoài trong vài năm tới, gồm một căn cứ ở Caribbe. Nó sẽ giúp Anh trở lại như một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu thực sự sau Brexit: “Đây là thời cơ lớn đối với chúng tôi kể từ khi Thế chiến II kết thúc, khi chúng tôi có thể tự phục hồi theo cách khác. Chúng tôi thực sự có thể đóng vai trò trên toàn thế giới mà quốc tế mong đợi ở chúng tôi”, Bộ trưởng Williamson nói.

Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách quân sự, kể từ khi Anh rút khỏi các căn cứ ở Đông Nam Á và Vịnh Ba Tư vào những năm 1960.

Bắt tay với Mỹ chống Trung Quốc

Theo các nhà phân tích, động thái này có thể phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á. Đồng thời làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh, sau khi một tàu chiến Anh đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Anh dự định thiết lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á để đối phó TQ
Một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Xu Liping, giáo sư tại Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “Đây rõ ràng là động thái tăng cường sức mạnh nhắm vào Trung Quốc”.

Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết kế hoạch này là bằng chứng rõ ràng hơn về việc Anh và các đồng minh khác của Mỹ ngày càng gắn kết trong cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc.

Đây là bước bổ sung quan trọng cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Điều này sẽ khiến Washington hài lòng, ông Ni cho biết khi đề cập đến kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng cường an ninh và cam kết kinh tế ở khu vực vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Bắc Kinh từ lâu xem hoạt động quân sự ngày càng tăng của Washington trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp là mối đe dọa. Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan ngại đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu của Trung Quốc.

Ông Xu tin rằng Washington đứng sau London trong kế hoạch mở căn cứ quân sự tại Đông Nam Á. Vương quốc Anh ngày càng hoạt động mạnh ở Biển Đông, vào thời điểm Mỹ có thể lo ngại về việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong khu vực.

Mối quan hệ Anh – Trung được mô tả đang ở thời kỳ hoàng kim cách đây vài năm đã trở nên nguội lạnh, khi London bắt đầu thách thức các yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông, như cách Washington đã làm.

Bắc Kinh cáo buộc London khiêu khích khi một tàu chiến của Anh đi qua gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1974, trong một hoạt động tự do hàng hải vào tháng 8/2018.

Tín hiệu kiểm tra mối quan hệ TQ - ASEAN

Kế hoạch xây dựng căn cứ của Anh có thể là tin tốt cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Những quốc gia đang lo ngại về sự miễn cưỡng của Washington trong vai trò lãnh đạo nhằm thách thức sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng đối với Trung Quốc, nó báo hiệu những thách thức nghiêm trọng hơn ở phía trước trong việc đối phó với sự cân bằng an ninh trong khu vực nhạy cảm, làm gia tăng căng thẳng và thậm chí là đối đầu quân sự, chuyên gia Ni cảnh báo.

Anh dự định thiết lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á để đối phó TQ - 1
Thời gian gần đây Hải quân Hoàng gia Anh đã tăng cường hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia Xu cho biết kế hoạch của Anh vẫn ở giai đoạn đầu nhưng nó sẽ là tín hiệu để kiểm tra mối quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore và Brunei, hai quốc gia này đều là thuộc địa cũ của Anh.

Bắc Kinh đang cố gắng để lôi kéo Brunei, quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, thông qua hợp tác kinh tế trong dự án "Vành đai, Con đường". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Brunei trong tháng 11/2018 để củng cố mối quan hệ. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng vọt trong những tháng qua.

Trong khi đó, Bắc Kinh từng cáo buộc Singapore đứng về phía Washington trong vấn đề Biển Đông. Trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ - Trung và có thể buộc họ phải chọn phe.

Tuy vậy, các chuyên gia Trung Quốc hoài nghi tính khả thi của kế hoạch mở căn cứ quân sự ở nước ngoài. Dù Anh có tham vọng khôi phục vinh quang trong quá khứ với tư cách là quốc gia toàn cầu. Ông Ni đặt câu hỏi về tiền để mở căn cứ nước ngoài, khi Anh phải vật lộn với sự thiếu hụt ngân sách trong nhiều năm để duy trì sức mạnh răn đe quân sự.

Dù có sự tăng nhẹ chi tiêu quốc phòng trong năm 2018, quy mô quân đội Anh đã giảm gần một nửa kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Động thái này cũng bị chỉ trích ở Anh, Luke Pollard, nghị sĩ Công đảng đã thách thức kế hoạch của Bộ trưởng Williamson trên Twitter rằng: “Ngân sách ở đâu dành cho việc này. Ngân sách nào sẽ bị cắt giảm để chi trả cho việc mở rộng này”.

Theo Trung Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)