Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Ấn Độ không phải là nơi duy nhất bùng dịch nghiêm trọng: 3 nước khác đang đối mặt với 'sóng thần' Covid-19 mới

Ấn Độ hiện được coi là tâm dịch Covid-19 của thế giới, nhưng không phải nơi duy nhất chứng kiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng.

Từ Argentina ở Nam Mỹ tới Nepal ở châu Á, nhiều nơi khác đã chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục trong những tuần qua, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp.

Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi đầu tháng đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng y tế vẫn đang diễn biến tồi tệ ở nhiều nơi trên thế giới.

"Ấn Độ vẫn hết sức đáng lo ngại... nhưng không chỉ Ấn Độ có nhu cần khẩn cấp," ông Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo hồi đầu tháng.

Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine được thực hiện không đồng đều, số ca nhiễm vẫn tăng cao tại nhiều nơi. Các nước phát triển như Anh, Mỹ đã thực hiện tốt chương trình tiêm chủng, tuy vậy nhiều quốc gia ở châu Phi hay châu Á đang tụt hậu do không có đủ lượng vaccine cần thiết.

Argentina

Argentina hiện đã ghi nhận hơn 3,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 74.000 trường hợp tử vong, theo số liệu chính thức. Nước này đã triển khai tiêm chủng ít nhất một liều cho 19,25% dân số trên tổng số 45 triệu người.

Ấn Độ không phải là nơi duy nhất bùng dịch nghiêm trọng: 3 nước khác đang đối mặt với 'sóng thần' Covid-19 mới
Bệnh nhân Covid-19 được đưa vào cơ sở y tế điều trị ở Argentina (Ảnh: AP)

Trong những tuần vừa qua, Argentina liên tục báo cáo số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục, khiến giới chức phải áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa mới có hiệu lực tới cuối tháng 05.

Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trường học và cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, cấm các sự kiện xã hội, tôn giáo và thể thao, theo Reuters.

Số ca nhiễm tăng chóng mặt từ dưới 5.000/ngày hồi đầu tháng 03 lên tới 39.000 hôm 19/05, dữ liệu của Đại học Hopkins cho thấy. Ca tử vong cũng tăng từ 112 hôm 01/03 lên 744 hôm 18/05.

Đợt bùng phát nghiêm trọng khiến hệ thống y tế của Argentina quá tải. Tổng thống nước này Alberto Fernandez hôm 20/05 nói rằng "chúng ta đang sống trong thời điểm tồi tệ nhất từ khi đại dịch khởi phát".

Nepal

Nepal đã ghi nhận hơn 513.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 6.300 trường hợp tử vong. Nước này đã tiêm chủng ít nhất một liều cho 7,3% dân số.

Đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng gần đây đã khiến hệ thống y tế có phần lạc hậu của Nepal nhanh chóng quá tải.

Ấn Độ không phải là nơi duy nhất bùng dịch nghiêm trọng: 3 nước khác đang đối mặt với 'sóng thần' Covid-19 mới - 1
Nhân viên y tế đưa thi thể bệnh nhân chết vì Covid-19 đi hỏa táng (Ảnh: Reuters)

"Cơ sở hạ tầng y tế của chúng tôi đang gặp khủng hoảng. Khoảng cách cung-cầu oxy là rất cao. Chúng tôi cũng không còn vaccine," tiến sĩ Samir Kumar Adhikari, phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal cho biết.

Nepal, dân số 29 triệu người, có biên giới với Ấn Độ, nơi đang ghi nhận làn sóng Covid-19 thứ hai hết sức tàn khốc.

Nhiều người ở Nepal đổ lỗi cho người lao động nhập cư trở về từ Ấn Độ gây ra tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, theo NBC News. Trước đó, nhiều khu vực ở Ấn Độ áp dụng phong tỏa khiến người lao động nhập cư Nepal mất việc làm và không có thu nhập, buộc họ phải hồi hương.

Điều này được cho là đã khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày của Nepal tăng từ dưới 200 hồi đầu tháng 04 lên tới 9.300 vào giữa tháng 05, theo dữ liệu của Đại học Hopkins.

Nepal cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vaccine. Nước này đã triển khai tiêm chủng từ tháng 01, sử dụng vaccine do AstraZeneca sản xuất được cung cấp bởi Ấn Độ và chương trình Covax, theo Reuters.

Tuy vậy, từ khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát dữ dội tại Ấn Độ, nước này đã tạm dừng xuất khẩu vaccine, khiến Nepal hiện vẫn chưa nhận được lượng vaccine mà họ đã đặt mua.

Bahrain

Bahrain hiện đã ghi nhận hơn 218.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có ít nhất 820 trường hợp tử vong. Nước này đã tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 51,8% dân số.

Ấn Độ không phải là nơi duy nhất bùng dịch nghiêm trọng: 3 nước khác đang đối mặt với 'sóng thần' Covid-19 mới - 2
Nhân viên y tế tại một cơ sở điều trị Covid-19 ở Bahrain (Ảnh: Reuters)

Giới chuyên gia nước này lo ngại khi chứng kiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng từ 600 hồi đầu tháng 03 lên tới hơn 2.000 vào tuần trước.

Bahrain đã phê duyệt một số loại vaccine để sử dụng khẩn cấp, bao gồm các sản phẩm của Pfizer-BioNTech, Sinopharm và vaccine Sputnik của Nga.

Đợt bùng phát ở Bahrain làm dấy lên lo ngại về mức độ hiệu quả của vaccine Sinopharm và Sputnik, đặc biệt là khi các nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao, chẳng hạn như Israel và Anh, chủ yếu dùng các sản phẩm do các công ty phương Tây phát triển và sản xuất, đang báo cáo số ca nhiễm giảm mạnh.

Một quan chức Trung Quốc tháng trước dường như bình luận rằng vaccine của nước này "không có tỷ lệ bảo vệ rất cao", nhưng sau đó đính chính lại và khẳng định ông bị hiểu lầm.

Tuy vậy, số ca tử vong ở Bahrain dù đã tăng nhưng vẫn ở mức tương đối thấp, bất chấp việc số ca nhiễm tăng chóng mặt.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)