Thế giới

Ấn Độ đòi các nước giàu bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu

Ấn Độ muốn các nước giàu bồi thường thiệt hại gây ra bởi các thảm họa khí hậu, Bộ Môi trường nước này cho biết trong khi bày tỏ quan điểm của Ấn Độ về các vấn đề quan trọng sẽ được đàm phán tại hội nghị khí hậu COP 26 của Liên Hợp Quốc.

Ấn Độ đòi các nước giàu bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu
Ảnh minh họa: Getty Images

"Yêu cầu của chúng tôi là: Cần phải có bồi thường cho những thiệt hại đã xảy ra, và các nước phát triển nên chi trả bồi thường," Rameshwar Prasad Gupta, quan chức Bộ Môi trường Ấn Độ nói hôm 22/10.

Ông bổ sung thêm rằng Ấn Độ sẽ ủng hộ các nước thu nhập thấp và các nước đang phát triển trong vấn đề này.

Các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao các nước sẽ nhóm họp tại hội nghị COP ở Glasgow, Scotland, được coi là hội nghị quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu các tác động ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu.

Bồi thường thiệt hại do các thảm họa khí hậu được coi là một trong những chủ đề quan trọng trong hội nghị năm nay. Ấn Độ đã nêu vấn đề này với phái viên khí hậu của Mỹ ở Liên Hợp Quốc John Kerry, theo ông Gupta.

Các nước giàu thải ra phần lớn khí nhà kính, khiến trái đất nóng lên trên mức trước thời kỳ công nghiệp.

Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 đưa ra vấn đề "thiệt hại và mất mát", nhưng chưa trả lời những câu hỏi về trách nhiệm và đền bù, theo Bloomberg.

Thảo luận về việc đền bù thiệt hại khí hậu được đưa ra từ năm 2013 trong một cuộc hội nghị ở Warsaw, nhưng chi tiết về việc số tiền đền bù sẽ được chi trả như thế nào vẫn chưa được quyết định.

Ý tưởng chung được đưa ra là dựa trên lượng khí thải nhà kính trong quá khứ, các nước sẽ chi trả đền bù cho thiệt hại mà ô nhiễm gây ra.

Các nước chịu tác động khí hậu sẽ có thể nhận tiền đền bù thiệt hại sau các thảm họa do khí hậu gây ra như bão hay lũ lụt.

Tuy vậy, không phải thảm họa nào cũng xảy ra do biến đổi khí hậu. Giới khoa học mãi tới gần đây mới có thể tính toán trái đất ấm lên sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như thế nào.

Ấn Độ hiện là nước thải khí nhà kính mỗi năm lớn thứ ba thế giới và nằm trong số 10 nước thải khí nhà kính nhiều nhất trong quá khứ, đồng nghĩa với việc họ cũng có thể sẽ phải chi trả tiền đền bù.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/an-do-doi-cac-nuoc-giau-boi-thuong-thiet-hai-do-bien-doi-khi-hau-tintuc793056