Thế giới

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc 'hành quân khiêu khích' ở biên giới

Ấn Độ hôm 31/08 cho biết binh lính nước này đã ngăn chặn việc "hành quân khiêu khích" của quân đội Trung Quốc tại vùng biên giới tranh chấp Ladakh, theo AP.

Các chỉ huy quân sự của hai nước hôm 31/08 đã gặp nhau tại khu vực biên giới  để "giải quyết các vấn đề", Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định cam kết đối thoại, "nhưng cũng cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ".

Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc hôm 29/08 đã "thực hiện các cuộc hành quân khiêu khích nhằm thay đổi nguyên trạng" và "vi phạm các thỏa thuận trước đây được nêu ra trong các cuộc đàm phán ngoại giao, quân sự" nhằm giải quyết cuộc đối đầu trong khu vực.

Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận về thông báo của Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra thông báo sau một ngày, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về vụ xung đột mới.

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc 'hành quân khiêu khích' ở biên giới
Binh lính Ấn Độ ở khu vực tranh chấp tại biên giới với Trung Quốc (Ảnh: AFP/Faisal Khan/Anadolu Agency)

Theo thông báo, binh lính Ấn Độ đã "thực hiện các biện pháp củng cố vị thế của chúng tôi, và ngăn chặn ý đồ đơn phương thay đổi thực địa của Trung Quốc".

Theo thông báo, các hoạt động trên diễn ra tại bờ Nam Hồ Pangong, một hồ nước đóng băng được chia đôi bởi đường biên giới thực tế Trung - Ấn, và cũng là nơi đối đầu giữa hai bên xảy ra hồi đầu tháng 05.

Biên giới tranh chấp kéo dài 3.500km giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu từ khu vực Ladakh ở miền Bắc tới bang Sikkim của Ấn Độ. Hai nước từng xảy ra chiến tranh biên giới vào năm 1962. Từ đầu thập niên 1990, hai nước đã nỗ lực giải quyết tranh chấp biên giới, nhưng chưa đạt nhiều thành công.

Cuộc đối đầu đang diễn ra tại vùng núi Karakoram về tranh chấp vùng đất có cảnh quan nguyên sơ, một sông băng cung cấp nước cho một trong những hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới, và mắt xích quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Các cuộc đối đầu diễn ra tại ba địa điểm. Binh lính tại Hồ Pangong đã bỏ qua những lời cảnh báo miệng, la hét, ném đá và thậm chí ẩu đả. Tới tháng 06, căng thẳng leo thang và lan tới Depsang và thung lũng Galwan, nơi Ấn Độ đã xây dựng một tuyến đường quân sự dọc theo biên giới tranh chấp.

Hôm 15/06, binh lính hai bên ẩu đả tại Galwan, dẫn tới cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong vòng 45 năm.

Quan chức Ấn Độ cho rằng binh lính Trung Quốc đã ném đá, đấm và đẩy lính Ấn Độ rơi xuống sườn núi ở độ cao 4.500 mét, khiến 20 người Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc chưa báo cáo thương vong trong vụ việc.

Hai bên đổ lỗi cho nhau kích động bạo lực, cam kết bảo vệ lãnh thổ nhưng cũng cố gắng chấm dứt cuộc đối đầu. Tuy vậy, các vòng đàm phán ngoại giao và quân sự nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng vẫn chưa thành công.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)