Thế giới

Ám ảnh kinh hoàng với gần 100.000 con đập, Trung Quốc 'hối không kịp'?

Trung Quốc có tổng cộng khoảng 98.000 con đập, phần lớn là quy mô nhỏ và được xây dựng trước những năm 1970.

Trung Quốc muốn đóng cửa 40.000 đập thủy điện

Trung Quốc đang tìm cách hướng nền kinh tế khổng lồ của mình khỏi các nhiên liệu hóa thạch và than đá để vươn tới mục tiêu tham vọng là đạt trung hòa carbon vào năm 2060. Vậy vì sao nước này lại tìm cách đóng cửa tới 40.000 đập thủy điện?

Câu trả lời nằm ở lịch sử kiểm soát sông ngòi nhiều trắc trở của Trung Quốc. Những năm 1950, nuôi nỗ lực "chinh phục tự nhiên", Trung Quốc đã ồ ạt xây hàng loạt đập lớn, nhỏ để sản xuất điện, "thuần hóa" lũ lụt, phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, cấp nước uống cho đô thị. Tác động dài hạn của chính sách đã quay lại "ám" Trung Quốc.

Nhiều đập quá nhỏ để sản xuất lượng điện năng đáng kể. Số khác thì đơn giản là vô dụng khi các con sông cạn khô, hồ chứa nghẽn bùn hoặc bị thay thế bởi các con đập ở thượng nguồn..

"Suốt một thời gian dài, người ta cứ nghĩ: thật là lãng phí khi để sông chảy trôi ngay trước mắt mà không làm gì", nhà sáng lập của tổ chức phi chính phủ Green Earth Volunteer Wang Yongchen nói.

Ở làng Weizishui có con đập cao 68m, xây mất 6 năm nhưng chưa bao giờ cần dùng tới. "Quy hoạch kém", ông Gao - dân địa phương chia sẻ, "Một ngày nào đó có thể nó sẽ sập nên tôi chả bao giờ tới gần".

Ám ảnh kinh hoàng với gần 100.000 con đập, Trung Quốc 'hối không kịp'?
Đập ở làng Weizishui. Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg

Từ kỳ vọng đến nỗi lo ngại

Khó mà mường tượng được mức độ của cơn sốt xây đập ở Trung Quốc. Tới cuối năm 2017, đã có hơn 24.000 đập thủy điện được xây trên con sông dài nhất Trung Quốc - sông Dương Tử - và các nhánh của nó.

Lũ lụt thường kỳ trên sông Dương Tử là một trong những lý do khiến Trung Quốc xây dựng đập Tam Hiệp, hệ thống lớn nhất trong mạng lưới hàng chục nghìn đập của nước này.

Với đập Tam Hiệp, Trung Quốc mong muốn rằng, bằng cách trữ nước và xả lũ cẩn trọng, nước này có thể tránh được thảm họa như những trận ngập lụt năm 1931 - khi hàng triệu người sinh sống dọc bờ sông bị thiệt mạng, hoặc những cơn lũ năm 1998 khiến hàng triệu người mất nhà. 

"Đập Tam Hiệp là phương tiện trong nỗ lực kiểm soát lũ lụt của chúng tôi", một quan chức thủy lợi của Trung Quốc tuyên bố ngay sau khi dự án gây tranh cãi hoàn thành. 

Thế nhưng, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc vừa đăng tải trên Hoàn Cầu, Trung Quốc đã phát hiện được 8.450 nguy cơ gây thảm họa địa chất tại nhiều tỉnh thành nhờ vệ tinh viễn thám. Và khu vực đập Tam Hiệp là một trong số đó.

Ám ảnh kinh hoàng với gần 100.000 con đập, Trung Quốc 'hối không kịp'? - 1
Đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: Quartz

Theo Quartz, Trung Quốc có tổng cộng khoảng 98.000 con đập, phần lớn là quy mô nhỏ và được xây dựng trước những năm 1970. 

Ngoài kiểm soát dòng lũ, những con đập này còn có vai trò quan trọng về thủy điện và đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên lũ lụt trong những năm gần đây do mưa lớn bất thường đã khiến người ta để ý tới thách thức quản lý đập trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, khi tình trạng mưa lớn tạo nên nguy cơ mới cho các cộng đồng xung quanh. 

Cuối tháng trước, đập Yihetan, con đập chính ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã bị vỡ và hư hại nghiêm trọng sau khi tỉnh này hứng chịu những cơn mưa xối xả. Hai đập khác ở khu Nội Mông cũng bị vỡ và sập sau khi tràn lũ, gây ảnh hưởng tới 16.000 người. Mưa lớn trong năm qua thậm chí còn làm nảy sinh lo ngại về mức độ ổn định của đập Tam Hiệp. 

"Vì biến đổi khí hậu nên lượng mưa ngày càng cao, điều đó có lẽ đã không được tính tới trong quá trình thiết kế đập", giáo sư thủy văn tại Đại học Hồ Hải (Nam Kinh) Wen Wang nhận định. 

Hiểm họa khi lũ lụt trở thành "bình thường mới"

Mặc dù khó có thể liên kết bất kỳ hiện tượng cực đoan nào với sự nóng lên của trái đất nhưng báo cáo mới từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) vừa đăng tải đầu tháng này cho rằng mưa và lũ ở mức độ "10 năm có 1" đang trở nên thường xuyên hơn. 

Tại Đông Á, IPCC dự đoán: Mưa lớn sẽ tăng cả về tần suất lẫn cường độ. 

Ví dụ, thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam đã ghi nhận lượng mưa của gần 1 năm chỉ trong vòng 1 ngày. Mưa lớn hôm 20/7 đã gây lũ lụt, khiến hơn 300 người thiệt mạng, nhiều người mắc kẹt trong ô tô hoặc tàu điện ngầm. 

Ám ảnh kinh hoàng với gần 100.000 con đập, Trung Quốc 'hối không kịp'? - 2
Mưa lớn ở Hà Nam, Trung Quốc gây lũ lụt. Ảnh: Stringer / Reuters / CGTN

Johnny Chan, giáo sư về khoa học quyển tại Đại học City University of Hong Kong, cho rằng lượng mưa ở mức độ ấy "chưa từng được biết đến ở khu vực này của Trung Quốc". Tuy nhiên, khi Trái đất trở nên nóng hơn, đẩy nhanh quá trình bốc hơi thì điều này có lẽ sẽ không còn bất thường nữa. "Bạn có thể thấy tần suất mưa lớn ngày càng nhiều", ông Chan nói. 

Theo báo cáo được Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc thông qua, nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc được ghi nhận ở mức trên bình thường vào mọi mùa trong năm 2020. 

Trong khi đó, lượng mưa hàng năm được ghi nhận vào năm 2020 ở Trung Quốc cao thứ tư kể từ năm 1951. Mưa lớn gây ngập lụt khắp miền Nam, miền Đông và miền Trung của Trung Quốc. Kết quả là mực nước ở đập Tam Hiệp tại miền Trung tăng gần 2m trên mức ngăn ngừa lũ. 

Nhiều con đập cũ mang trong mình những mối họa tiềm tàng, đặc biệt vào giai đoạn lũ lụt mùa hè. Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, 3.515 hồ chứa đã vỡ trong 60 năm kể từ 1951, gồm cả đập Banqiao nổi tiếng (Banqiao đã vỡ sau 6 giờ mưa lớn khiến 240.000 người thiệt mạng hồi năm 1975).

Một trong những đập nước bị sập năm nay, đập Xinfa ở Nội Mông, vốn được "xây dựng cẩn thận và chuẩn bị tử tế cho tình huống ngập lụt", phó giáo sư Mohammad Heiderzahad của Đại học Brunel (Anh) cho hay. Theo ông Heiderzahad, mặc dù có hai đập tràn và hệ thống cửa đáy khẩn cấp cho phép xả lũ an toàn khi nguy cơ tràn tăng cao nhưng Xinfa vẫn sập rất chóng vánh. 

Có lẽ nguyên nhân là bởi lượng mưa lớn chưa từng thấy vượt quá chỉ số Lũ Tối đa Có thể mà con đập được thiết kế.

"Nếu lũ lụt chưa từng thấy trở thành tình trạng bình thường mới thì những hồ chứa lớn sẽ khiến các cộng đồng đối mặt với nguy cơ lớn", ông Heiderzahad nói. 

Thậm chí năm ngoái, quan chức Trung Quốc đã buộc phải cho nổ một con đập vì nguy cơ tràn lũ. 

Ông Wang thì cho rằng bản thân kích cỡ đập không phải là nguy cơ, mà là sự kết hợp của nhiều hồ chứa khác nhau cùng cách sử dụng những phương pháp kỹ thuật lẫn phi kỹ thuật để xử lý tràn lũ. 

Nếu ngày càng có nhiều đập xả nước để đề phòng mưa lớn thì động thái này có thể gây ngập lụt ở các khu vực hạ nguồn, đặc biệt là khi trùng thời điểm với mưa. 

"Nhưng ta phải tính toán sao cho cân đối", ông Wang nói, "Nếu hồ chứa không được xả cạn để chuẩn bị cho các trận mưa lớn thì đập có thể sẽ sập, gây thiệt hại lớn hơn về cả người và tài sản". 

Tháo dỡ 40.000 con đập không phải "chuyện nhỏ"

Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các dự án lớn, gồm cả công trình thủy điện Baihetan 16GW vừa mở cửa năm nay. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng bày tỏ mong muốn ngừng phát triển các đập thủy điện nhỏ hơn. 

Năm 2018, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm khu vực sông Dương Tử, núi Tần Lĩnh ở Tây Bắc Trung Quốc và kêu gọi tăng cường bảo vệ môi trường, một chiến dịch toàn quốc đã được khởi động để loại bỏ và cải thiện 40.000 trạm thủy điện nhỏ. 

Tuy nhiên, việc này không dễ dàng khi mà Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, ai sẽ là người trả tiền để loại bỏ những dự án không mong muốn? Đóng cửa trạm thủy điện là một chuyện nhưng dỡ một con đập, đặc biệt là những hệ thống lớn, nguy hiểm tiềm tàng thì lại là chuyện khác. 

Hồi năm 2020, huyện Chu Chí ở tỉnh Thiểm Tây nợ 100 triệu nhân dân tệ cho một công ty chấp nhận phá hủy 3 trạm thủy điện trong địa bàn. Thế nhưng ngân sách của huyện nửa đầu năm chỉ có 135 triệu nhân dân tệ và huyện này vẫn còn 26 công trình thủy điện cần tháo dỡ. Ở nhiều nơi vì chi phí quá cao, người ta chỉ tháo tuốc-bin thủy điện còn đập nước thì để nguyên như cũ. 

Theo Thi Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/am-anh-kinh-hoang-voi-gan-100000-con-dap-trung-quoc-hoi-khong-kip-161212608071321137.htm