Thế giới

Ai thực sự đứng sau vụ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha?

Ông Kim Jong Un chào tạm biệt tại ga Đồng Đăng

Dù rất ít thông tin được đưa ra hay xác nhận, dường như các cơ quan tình báo nước ngoài, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc, có dính dáng đến vụ việc.

Ngày 22/2, Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha, vốn nằm tại một khu phố tương đối yên tĩnh ở Madrid, bị đột nhập. Bằng cách nào đó, 10 kẻ tấn công đã vào được sứ quán, bắt trói và bịt miệng 8 người Triều Tiên đang có mặt bên trong.

Theo một số bản tin, những người Triều Tiên đã bị thẩm vấn đồng thời bị đánh, đến nỗi hai người trong họ sau đó phải nhờ sự trợ giúp y tế.

Những kẻ đột nhập đã lấy đi máy tính, giấy và nhiều tài liệu khác. Họ kiểm soát tòa nhà sứ quán trong 4 giờ.

Sau đó, một trong những người Triều Tiên bị trói đã trốn thoát được qua cửa sổ ở tầng hai. Cô lập tức báo động cho những người ở xung quanh và những người này đã gọi cảnh sát.

Khi cảnh sát đến trước cổng sứ quán, một người đàn ông châu Á ra đón và nói với họ rằng mọi chuyện đều ổn. Rõ ràng, cảnh sát không thể xông vào sứ quán, nhưng một vài phút sau, cổng mở và hai chiếc xe trông có vẻ đắt tiền mang biển ngoại giao chạy ra.

Cảnh sát không đuổi theo hai chiếc xe, song không lâu sau họ phát hiện chúng đã bị bỏ lại gần đó. Dường như, những kẻ tấn công đã trốn thoát nhờ các phương tiện này.

Đại sứ quán Triều Tiên được cho là đã không khiếu nại chính thức, song cảnh sát Tây Ban Nha đang điều tra.

Ai thực sự đứng sau vụ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha?
Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Ảnh: El Pais.

Những điểm bất thường

Có một số điểm quan trọng trong sự việc. Thứ nhất, một sứ quán bị đột nhập và khống chế là chuyện hiếm khi xảy ra. Dù chẳng ai nghi ngờ việc giới tình báo trên toàn cầu luôn rất nỗ lực để có được thông tin tuyệt mật từ sứ quán nước ngoài, tấn công giữa thanh thiên bạch nhật như vậy vẫn rất bất thường.

Hai trong những vụ nổi tiếng nhất là vụ phiến quân ủng hộ chính phủ tấn công sứ quán Mỹ ở Iran vào tháng 2/1979 và vụ sứ quán Nhật Bản ở Peru bị tấn công tháng 12/1996.

Cũng có những vụ khác, mà phần lớn rơi vào quên lãng, chẳng hạn như vụ khống chế sứ quán Ai Cập ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1979 (bởi phiến quân Palestine) hay vụ khống chế sứ quán Tây Đức ở Thụy Điển năm 1975 (bởi những kẻ quá khích Đức). Dù vậy, những việc như thế vẫn là rất hiếm, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây.

Hai là vụ việc xảy ra chỉ một vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại Hà Nội.

Ba là cho đến cuối năm 2017, sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha vẫn do ông Kim Hyok Chol đứng đầu. Từ đầu năm 2019, ông Kim đã phụ trách các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên với Mỹ, giữ vai trò là người đồng cấp với đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun.

Có thể phỏng đoán rằng một số máy tính và tài liệu bị lấy đi từ sứ quán thực sự chứa đựng thông tin liên quan đến nhà ngoại giao này, người mà thân thế và tính cách của ông cho đến gần đây vẫn không được biết đến rộng rãi.

Ban đầu, vụ việc không được chú ý, thậm chí cả tại Hàn Quốc, nơi mọi tin tức liên quan đến Triều Tiên thường được tường thuật rất chi tiết. Tuy nhiên, tin tức bắt đầu được tiết lộ, không rõ là cố tình hay vô ý, trên truyền thông Tây Ban Nha những tuần qua.

Theo hai báo El Pais và El Confidential, cảnh sát địa phương đã nghi ngờ rằng vụ tấn công sứ quán Triều Tiên có liên quan đến Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Theo các bài viết, hai trong số những kẻ tấn công được cơ quan phản gián Tây Ban Nha xác định là người có liên hệ với CIA.

Ai thực sự đứng sau vụ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha? - 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Ảnh: Pool.

Mặt khác, hôm 15/3, báo Washington Post nói một số nguồn tin cho họ biết rằng vụ tấn công thực tế được tiến hành bởi một nhóm phiến quân, được cho là gồm những người đào tẩu khỏi Triều Tiên, tự xưng là "Cheollima Civil Defense", chống đối chính quyền hiện tại ở Bình Nhưỡng.

Nhóm này cũng tuyên bố rằng họ đã dàn xếp vụ bỏ trốn của Kim Han Sol, con trai của ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Kim Jong Nam được cho là đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur ở Malaysia hồi năm 2017, trong vụ việc mà công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương đang bị buộc tội giết người.

Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về nhóm này, ngoại trừ thực tế gây tò mò là giờ họ đang bán visa cho "Free Choseon" (Triều Tiên Tự do), một chính thể vẫn chưa xuất hiện. Đây rõ là một là chiêu gây quỹ bất thường.

Vậy thì ai đứng sau vụ việc ở Madrid?

CIA, NIS hay người đào tẩu?

Trước tiên hãy giả sử vụ tấn công được khởi xướng, lên kế hoạch và thực hiện bởi nhóm "Cheollima Civil Defense", hay bất cứ nhóm độc lập hoặc một nhân vật nào.

Đây là một ý tưởng nghe có vẻ thu hút sự quan tâm, song không hề có lý. Chỉ khoảng một chục người đào tẩu từ Triều Tiên có khả năng sử dụng súng ống và khuynh hướng quân sự để tiến hành một cuộc tấn công như vậy. Hầu hết người tị nạn là phụ nữ trung niên có trình độ học vấn thấp.

Một số ít người đào tẩu có ý chí và kỹ năng chiến đấu có thể đã được cơ quan tình báo biết đến và theo dõi sát sao. Chắc chắn là nếu những người đó thực sự bắt đầu nói về chuyện thành lập một nhóm bí mật, họ thậm chí sẽ bị theo dõi gắt gao hơn.

Một điều cũng đáng lưu ý là những chiến binh Triều Tiên này thông thường không nói tiếng Anh hoặc nói rất kém, cũng như có rất ít kinh nghiệm hoạt động bên ngoài Đông Á.

Hơn nữa, các chiến dịch bí mật thường sẽ tốn tương đối nhiều tiền, trong khi nhìn chung người đào tẩu từ Triều Tiên thường nghèo và gần như không có cá nhân có ảnh hưởng nào ủng hộ họ.

Thật không thể tưởng tượng được làm thế nào một chiến dịch như vậy có thể được lên kế hoạch và thực hiện thành công mà các cơ quan tình báo chính phủ có công việc là theo dõi chính xác các hoạt động kiểu này lại không hề hay biết gì từ trước.

Mặc dù có thể cho rằng cuộc tấn công ở Tây Ban Nha được thực hiện bởi một số chiến binh Triều Tiên, kế hoạch của những người này ít nhất phải được biết trước bởi các cơ quan tình báo đang theo dõi hoặc hỗ trợ họ.

Tất nhiên, cũng có khả năng không kém là nhóm "Cheollima Civil Defense" chỉ là bình phong cho một lực lượng khác, một tổ chức hoàn toàn hư cấu, được tạo ra bởi một số cơ quan tình báo chính phủ.

Vì vậy, nếu "Cheollima Civil Defense" là bình phong cho một số cơ quan tình báo hoặc, ít nhất, hành động dưới sự kiểm soát của họ, chúng ta đang nói về cơ quan nào?

Hai cơ quan tình báo khả nghi nhất là CIA của Mỹ và Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc. Cả hai đều theo dõi phe chống đối Triều Tiên một cách cẩn thận cũng như có nhiều đầu mối cung cấp thông tin và cộng tác viên trong các nhóm người tị nạn Triều Tiên. Cả hai cũng rất quan tâm đến các bí mật của Bình Nhưỡng.

Ai thực sự đứng sau vụ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha? - 2
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ bị tình nghi liên quan đến vụ tấn công. Ảnh: Wikimedia Commons.

Trong số hai cơ quan tình báo này, CIA dường như đáng ngờ hơn. Chính phủ Hàn Quốc có những lý do hợp lý để đối xử tốt với Bình Nhưỡng, và làm mọi cách có thể để duy trì các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Người ta không thể tưởng tượng được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người đang nỗ lực vạch ra một tầm nhìn lạc quan về ý định của Triều Tiên, sẽ cho phép bất cứ điều gì thậm chí từ xa như thế này.

Mặt khác, phe chống đối Triều Tiên trong môi trường chính trị hiện tại có thể sẽ không tin tưởng vào NIS, và có lẽ sẽ thích tương tác với CIA.

Có một số chỉ dấu khác về sự liên hệ có thể có giữa CIA (hoặc, ít nhất là, một lực lượng nói tiếng Anh) và nhóm "Cheollima Civil Defense".

Tác giả bài viết từng đưa những phát ngôn chính thức của nhóm cho hai người bản ngữ Triều Tiên có trình độ học vấn cao. Một cách độc lập, họ đưa ra kết luận giống nhau: Các tài liệu này ban đầu được viết bằng tiếng Anh và đọc giống như một bản dịch.

Trên hết, họ tin rằng những người dịch văn bản không hoàn toàn thoải mái về ngôn ngữ - như một trong những chuyên gia đã nói: "Văn bản này dường như được viết bởi một người nước ngoài rất sõi tiếng Triều Tiên".

Văn bản có các cụm từ mà dù vẫn có thể hiểu được ý nghĩa, lại được sử dụng không đúng cách và sẽ không bao giờ được sử dụng bởi người bản ngữ.

Nếu ý kiến này chính xác, thì có lẽ một nhóm người Mỹ gốc Triều Tiên có khả năng ngôn ngữ tốt, nhưng vì chưa bao giờ học đại học ở Hàn Quốc, họ không thể diễn đạt những ý tưởng phức tạp theo cách thức phù hợp. Người ta có thể dễ dàng đoán được cơ quan nào có thể có nhiều người như vậy trong số các nhân viên của mình.

Mâu thuẫn nội bộ?

Tất nhiên, cũng có vấn đề với giả thiết về CIA. Các đặc vụ thường cố gắng đột nhập vào các sứ quán nước ngoài vào ban đêm.

Tuy nhiên, một cuộc tấn công bạo lực vào một sứ quán nước ngoài ở thủ đô của một quốc gia thân thiện, được khởi xướng hoặc được chấp thuận bởi CIA, là ngoài sức tưởng tượng.

Vậy thì có ba thế lực có thể đứng sau vụ việc ở Madrid: CIA (ít có khả năng nhất), NIS (gần như không thể) hoặc một số nhóm kháng chiến nội bộ (không thể nếu không có sự chấp thuận của một số "tay chơi" khác).

Chúng ta có bất kỳ ứng viên hoặc kịch bản hợp lý nào khác?

Có lẽ chỉ có một khả năng khác, và không thể tưởng tượng được, là vụ tấn công ở Madrid đã được thúc đẩy bởi một số xung đột trong nội bộ chính phủ Triều Tiên.

Cuộc tấn công có thể được khởi xướng bởi một phe phái nào đó trong giới tinh hoa Triều Tiên, những người có lẽ muốn có được tài liệu liên quan đến ông Kim Hyok Chol hoặc đang tìm kiếm một số lợi ích chính trị khác.

Với sự bí ẩn của nền chính trị Triều Tiên, thật khó để suy đoán chính xác những gì họ muốn có được.

Ai thực sự đứng sau vụ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha? - 3
Cũng có khả năng vụ tấn công được khởi xướng bởi một phe phái trong tầng lớp tinh hoa Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Mặt khác, việc website sử dụng tiếng Triều Tiên đầy lỗi của "Cheollima Civil Defense" cũng cho thấy ít có khả năng tầng lớp tinh hoa Triều Tiên liên quan. Những người này chắc chắn biết cách viết đúng tiếng Triều, và sẽ không bao giờ soạn văn bản gốc bằng tiếng Anh.

Vì vậy, có thể có bốn nghi phạm tiềm năng. CIA đáng ngờ nhất, tiếp theo là một số người nổi dậy (hoạt động dưới sự kiểm soát của bên thứ ba, rất có thể là CIA), sau đó là NIS và cuối cùng và, rất có thể, là một phe phái trong đội ngũ tinh hoa Triều Tiên.

Dù ai đã làm điều đó, nó vẫn để lại cho chúng ta câu hỏi "tại sao". Rõ ràng, máy tính và giấy tờ đã được lấy đi và đây hẳn phải là món hời tình báo cho những kẻ tấn công và/hoặc người trả công cho họ - bất kể họ là ai.

Tuy nhiên, thời điểm của cuộc tấn công có vẻ rất đáng ngờ khi diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Bất cứ ai đã làm điều đó có thể đã muốn hủy hoại hội nghị thượng đỉnh - nơi mà nhiều người trong giới chính phủ Mỹ lo sợ sẽ nhìn thấy Tổng thống Trump đồng ý một thỏa thuận tồi tệ với Triều Tiên.

Không nghi ngờ gì khi những lo lắng như vậy đã được chia sẻ bởi các quan chức bảo thủ trong NIS. Hầu như tất cả các nhóm được liệt kê ở trên đều có thể có lý do để kích động một vụ bê bối vào đúng thời điểm.

Tuy nhiên, kế hoạch đã không thành: Cuộc đột kích Madrid gần như không được chú ý lúc đầu, và hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào, dù là tốt hay xấu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Thông thường, những sự cố như vậy sẽ là bí ẩn trong nhiều thập kỷ. Song lần này, nếu những rò rỉ gần đây là chính xác, cảnh sát Tây Ban Nha có thể sẽ sớm đưa ra một số kết quả - và nếu những tin đồn được xác nhận, chúng có thể sẽ gây ra tác động tàn phá.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)