Thế giới

4 lý do sắc lệnh di trú mới của ông Trump không còn kẽ hở

Ngoài việc loại Iraq ra khỏi danh sách, sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Trump được đánh giá là chi tiết, toàn diện hơn và bớt quan liêu so với bản cũ.

Ngoài việc loại Iraq ra khỏi danh sách, sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Trump được đánh giá là chi tiết, toàn diện hơn và bớt quan liêu so với bản cũ.

Hình ảnh nội các của ông Trump khi đó bị các phương tiện truyền thông mô tả như một chính quyền non nớt, thiếu kinh nghiệm và “không biết điều gì đúng cần phải làm”.

Sắc lệnh di trú mới của ông Trump không để lọt một kẽ hở nào cho những "kẻ ganh ghét" bắt bẻ.

Các thẩm phán chặn sắc lệnh cho rằng mối đe dọa an ninh khiến ông Trump thấy cần thiết phải hạn chế nhập cảnh công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo là không có thật.

Dù đã có những tuyên bố đáp trả lại phán quyết của tòa án, Nhà Trắng cuối cùng vẫn phải quay lại phòng họp để tìm kiếm một sắc lệnh phù hợp hơn với lời hứa trong chiến dịch trước đó rằng: Sẽ có một hệ thống "rà soát cực đoan" để phân loại những cá nhân nhập cảnh vào Mỹ với mục đích xấu.

Theo bình luận viên Daniel R. DePetris của National Interest, sắc lệnh di trú mới mà Tổng thống Trump công bố ngày 6/3 đã được hoàn thiện một cách kỹ càng, trong đó ông đã tập trung làm rõ các vấn đề vốn gây khúc mắc với nền tư pháp Mỹ trong sắc lệnh cũ.

Thứ nhất, sắc lệnh lần này được thêm rất nhiều nội dung để giải thích tại sao một quyết định ngừng cấp thị thực đối với công dân Iran, Somalia, Syria, Sudan, Yemen và Libya là cần thiết. Trong đó nêu rõ mục đích của quyết định là để bảo vệ đất nước khỏi những kẻ có "mưu đồ bất chính", lợi dụng việc nhập cảnh vào Mỹ quá dễ dàng.

Một số đoạn trong sắc lệnh được lập luận để giải thích lý do tại sao tuyên bố hạn chế như vậy là cần thiết đối với 6 quốc gia có trong danh sách và lý giải nguyên nhân vì sao lại chọn 6 quốc gia này đưa vào danh sách.

Ngoài ra, Nhà Trắng còn cung cấp thêm dữ liệu về khủng bố từ Bộ Ngoại giao để làm vững chắc thêm lập luận của mình rằng đây là các quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng bố thực sự, chứ không phải chỉ là phỏng đoán hoặc nghi ngờ không có căn cứ.

Điều thứ 2, điểm đáng chú ý nhất trong sắc lệnh mới là việc Iraq không còn nằm trong danh sách các nước bị hạn chế nhập cảnh trong 90 ngày tới đây. Bên cạnh việc tránh khỏi phản ứng từ tòa án, nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền Trump trên góc độ ngoại giao.

Cây bút Daniel R. DePetris cho rằng việc đưa Iraq vào diện giám sát đặc biệt của chính quyền Trump là một “sự phản bội” và khiến nhiều người dân nước này cảm nhận như một “cái tát” vào nỗ lực, hy sinh của Iraq đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trong ba năm qua.

Việc đặt Iraq vào danh sách bảy quốc gia trong sắc lệnh cũ cũng khiến Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi rơi vào tình thế khó khăn; chưa đầy một tuần sau khi sắc lệnh của Mỹ đưa ra, quốc hội Iraq đã thông qua cuộc bỏ phiếu yêu cầu ông al-Abadi đáp trả lại Washington bằng sắc lệnh cấm người Mỹ nhập cảnh vào Iraq. Căng thẳng giữa hai nước nổ ra trùng với thời điểm lực lượng Iraq đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào các cứ điểm tập trung IS ở phía Tây Mosul.

Iraq là một đối tác chống khủng bố cần được coi trọng đặc biệt đối với Washington. Mỹ đã cam kết hỗ trợ nguồn lực quân sự và tài chính khổng lồ cho Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố. "Bằng cách thể hiện sự tôn trọng với lực lượng an ninh Iraq lần này, Nhà Trắng đã tránh được cơn đau đầu về ngoại giao", Daniel R. DePetris đánh giá.

Theo National Interest, sắc lệnh đầu tiên của ông Trump vốn mang nhiều âm hưởng của cố vấn chính sách cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller. Tuy nhiên việc cái tên Iraq bị xóa khỏi lệnh cấm mới là kết quả của sự can thiệp trực tiếp từ Ngoại trưởng Rex Tillerson và động thái vận động hành lang từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Thứ ba, nội dung sắc lệnh di trú mới nêu rõ, những người nước ngoài đã có visa hợp lệ của Mỹ vào thời điểm sắc lệnh được ký kết vẫn sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ. Trong khi người có "thẻ xanh" thì ngược lại.

Cá nhân nào là công dân hai quốc tịch mà có hộ chiếu thuộc một trong sáu quốc gia Hồi giáo trong danh sách sẽ chỉ được cho phép nhập cảnh vào Mỹ nếu dùng hộ chiếu của quốc gia còn lại.

Bất cứ người tị nạn nào đã được cấp cơ chế tị nạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế mới.

Thứ tư, Bộ trưởng An ninh Nội địa cũng có quyền chấp nhận nhập cảnh đối với một số trường hợp cụ thể, đặc biệt ưu tiên với các cá nhân từng nhập cảnh vào Mỹ trong quá khứ; có công việc mang tính chất đặc biệt như giáo dục; có gia đình ở Mỹ hoặc chịu ràng buộc bởi các yêu cầu kinh doanh đòi hỏi phải qua lại Mỹ nhiều lần; các cá nhân cần chăm sóc y tế chuyên khoa.

Theo đánh giá của cây bút Daniel R. DePetris, phiên bản thứ hai của "Sắc lệnh bảo vệ đất nước khỏi khủng bố” đã được đưa lên tầm cao mới và tốt hơn nhiều so với trước. Quyết định mới của ông Trump chi tiết hơn, toàn diện và bớt quan liêu hơn so với bản gốc.

“Chính quyền Trump đã có được bài học đắt giá trong việc đưa ra sắc lệnh và biết cách triển khai nó một cách tinh tế hơn về mặt chính trị”, Daniel R. DePetris kết luận.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)