Thế giới

4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng sau cuộc giao tranh với Ấn Độ

Trung Quốc hôm 19/2 đã lần đầu thừa nhận có 4 binh sĩ thiệt mạng sau cuộc đụng độ với quân đội Ấn Độ ở biên giới hai nước hồi tháng 6/2020.

Căng thẳng biên giới gay gắt giữa hàng chục ngàn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc (TQ) ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya vừa cho thấy thêm dấu hiệu hạ nhiệt. Sau chín tháng căng thẳng, tình hình biên giới hai nước có chuyển biến. Sau cuộc gặp giữa quan chức quân đội hai bên ngày 10-2, từ tuần trước, hai bên đã bắt đầu rút quân và xe tăng đóng ở khu vực hồ Pangong ở dãy Himalaya. Quá trình rút quân có thể kéo dài vài tuần tới vài tháng, theo báo South China Morning Post.

Theo hãng thông tấn Reuters, 4 binh sĩ có tên Chen Hongjun, Chen Xiangrong, Xiao Siyuan và Wang Zhuoran được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố đã hy sinh trong một "trận chiến khốc liệt" chống lại "quân đội nước ngoài" vi phạm thỏa thuận và xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng sau cuộc giao tranh với Ấn Độ
Xe tăng hai bên rút khỏi khu vực hồ Pangong ngày 10-2. Ảnh: AP

Chen được truy tặng danh hiệu "Anh hùng Bảo vệ biên cương", trong khi 3 binh sĩ còn lại cũng được truy tặng bằng khen hạng Nhất.

Trung Quốc và Ấn Độ đã đổ lỗi cho nhau châm ngòi cuộc đụng độ tại vùng biên giới hai nước ở phía tây dãy Himalaya, trong đó những binh sĩ được cho là đã giao tranh với nhau bằng đá và gậy đính đinh. Trước đó, Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ của họ đã hy sinh sau cuộc đụng độ, trong khi phía Bắc Kinh thừa nhận có thương vong nhưng không tiết lộ chi tiết.

Các sự kiện vừa diễn ra cũng có thể đã định hình những gì Bắc Kinh chờ đợi từ chính sách của Mỹ. Hôm 8-1, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kenneth Juster tiết lộ New Delhi đang cùng Mỹ "phối hợp chặt chẽ" với nhau về vấn đề biên giới. Theo đó, Mỹ sẽ giúp Ấn Độ chống lại những gì ông Juster gọi là “hành vi hung hăng của TQ ở biên giới”. Nhiều hãng truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin New Delhi đang hợp tác với chính quyền Washington để được cung cấp hình ảnh vệ tinh, cũng như mua sắm các thiết bị chống rét của Mỹ cho binh lính trên dãy Himalaya.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)