Thế giới

23 quan chức Indonesia có mặt trên chuyến bay gặp nạn của Lion Air

Nhóm quan chức cùng gia đình đang trở về nhà ở Pangkal Pinang sau khi trải qua kỳ nghỉ cuối tuần ở Jakarta.

23 quan chức Indonesia có mặt trên chuyến bay gặp nạn của Lion Air
Người thân hành khách trên chuyến bay JT610 bật khóc khi tới sân bay quốc tế Soekarno Hatta, Jakarta hôm nay. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết 23 quan chức của bộ này có mặt trên chuyến bay JT610 của hãng Lion Air đâm xuống biển sáng nay, theo Reuters. Nhóm quan chức này đang trở về nhà ở Pangkal Pinang, thủ phủ tỉnh Bangka-Belitung trên đảo Sumatra sau khi cùng gia đình trải qua kỳ nghỉ cuối tuần tại thủ đô Jakarta.

Chuyến bay số hiệu JT610 của hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, tới Pangkal Pinang, mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 6h33 hôm nay, chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Giới chức Indonesia xác nhận máy bay không phát tín hiệu khẩn cấp trước khi rơi.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia sau đó xác nhận máy bay đã đâm xuống vịnh Karawang. Có 189 người trên khoang, trong đó có hai trẻ sơ sinh, một trẻ nhỏ, hai phi công và 6 tiếp viên. 

"Chúng tôi không biết liệu có ai còn sống hay không. Chúng tôi chỉ biết hy vọng và cầu nguyện cho họ nhưng không thể xác nhận", người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Muhmmad Syaugi phát biểu tại buổi họp báo.

Điện thoại, áo phao cùng nhiều giấy tờ tùy thân đã được tìm thấy ở vùng biển có độ sâu 30-35 m, nơi máy bay Boeing 737 MAX 8 mất liên lạc. "Trực thăng và các tàu của chúng tôi đang ở hiện trường để tham gia tìm kiếm. Các thợ lặn đang cố gắng xác định vị trí xác máy bay", Syaugi nói thêm.

Mảnh vỡ máy bay Indonesia trôi nổi trên biển. 

Edward Sirait, giám đốc điều hành hãng Lion Air, cho biết máy bay trục trặc kỹ thuật trong chuyến bay đêm hôm trước nhưng các kỹ sư đã kiểm tra theo đúng quy trình và khẳng định máy bay đủ điều kiện an toàn khi cất cánh sáng nay.

Soerjanto Tjahjon, quan chức tại Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia cho biết nguyên nhân máy bay rơi chỉ được xác định khi nhà chức trách thu thập đầy đủ hộp đen, thiết bị ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay.

Đây là tai nạn đầu tiên của dòng máy bay Boeing 737 MAX, phiên bản nâng cấp và tiết kiệm nhiên liệu của dòng Boeing 737 ra đời năm 1968. Chiếc 737 MAX đầu tiên được đưa vào vận hành năm 2017. Hãng Boeing cho biết đã nhận được thông tin về vụ tai nạn và "đang theo dõi sát sao" tình hình.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)