Thế giới

13 tỉ USD chỉ như 'muối bỏ biển': Khủng hoảng 'bóp nát' Haiti từ đâu mà tới?

Kể từ trận động đất kinh hoàng ở Haiti năm 2010, các nguồn trợ cấp nước ngoài dường như lại chỉ làm cho những bất ổn của quốc gia này thêm sâu sắc.

New York Times đưa tin, trước vụ ám sát tổng thống, đường phố Haiti đã bị lấp đầy bởi những người biểu tình giận dữ, họ đốt lốp xe xông vào các ngân hàng, cướp phá các cửa hàng. Các băng nhóm đôi khi được sự cho phép ngầm của cảnh sát, đã gây hại tới những người dân thường, như những nữ tu, những người bán hoa quả, những nữ sinh,...

TỔNG THỐNG JOVENEL MOISE BỊ ÁM SÁT

Và rồi, sự kiện 7/7 gây chấn động lại càng làm sâu sắc thêm những bất ổn ở quốc gia nghèo nhất châu Mỹ này khi một nhóm sát thủ đã bắn chết Tổng thống Jovenel Moise tại tư gia của ông vào giữa đêm.

Hầu như mỗi khi người dân Haiti nghĩ rằng tình cảnh của họ không thể tệ hơn được nữa, thì họ lại phải đối mặt với những khó khăn vô cùng đáng ngại khác. Giờ đây, quốc gia này đang phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc khủng hoảng chính trị, không có tổng thống, Quốc hội hay Tòa án tối cao hoạt động.

Tại sao những điều này lại xảy ra với Haiti?

Lịch sử bất ổn của Haiti bắt nguồn từ nguồn gốc của nó là một nước thuộc địa của Pháp, giành được độc lập vào năm 1804 nhưng sau đó lại chịu sự lãnh đạo nhiều tranh cãi của Tổng thống nước này cho tới năm 1986.

Sau đó, một trận động đất khủng khiếp vào năm 2010, một dòng viện trợ và các lực lượng gìn giữ hòa bình đổ vào đất nước lại càng làm sâu sắc hơn những bất ổn trong nội bộ.

Những thất bại của Haiti không xảy ra một cách cô lập, đất nước này đã nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Khoản tiền quốc tế đổ vào quốc gia châu Mỹ này là khoảng 13 tỉ USD trong thập kỉ qua. Tuy nhiên, thay vì xây dựng đất nước bằng nguồn tiền ấy, Haiti lại trở nên nghèo khó hơn trong những năm gần đây.

Tổng thống Moise đã để Quốc hội của nước này hết nhiệm kì vào năm ngoái. Tại thượng viện chỉ có 10/30 ghế có người nắm giữ. Trong một năm rưỡi trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise ngày càng thường xuyên lãnh đạo đất nước bằng các sắc lệnh.

13 tỉ USD chỉ như 'muối bỏ biển': Khủng hoảng 'bóp nát' Haiti từ đâu mà tới?
Tổng thống Haiti bị ám sát hôm 7/7 Jovenel Moise

TIỀN LÀM VẤN ĐỀ PHỨC TẠP

New York Times cho rằng, Haiti không phải là một "quốc gia viện trợ" - tồn tại nhờ vào hàng tỷ USD hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Nhưng tiền đã đóng một vai trò phức tạp - khiến chính phủ không có nhiều động lực để thực hiện các cải cách hiến pháp cần thiết nhằm xây dựng lại đất nước, bởi có lẽ người ta tin rằng, mỗi khi tình hình xấu đi, các chính phủ quốc tế sẽ mở kho bạc của họ để hỗ trợ Haiti, các nhà phân tích và các nhà hoạt động xã hội ở Haiti nhận xét.

Viện trợ đã hỗ trợ đất nước này và các nhà lãnh đạo của nó, cung cấp các dịch vụ và vật tư thiết yếu ở một đất nước đang rất cần sự hỗ trợ nhân đạo, nhưng nó cũng cho phép tham nhũng, bạo lực và những tê liệt trong chính trị không kiểm soát được.

Mặc dù họ phủ nhận điều đó, nhưng các chính trị gia Haiti, với truyền thống dựa vào các băng nhóm để thực hiện các mục tiêu chính trị đã cho phép sự bất ổn trong xã hội xảy ra trên diện rộng.

Trong ba năm cuối cùng của nhiệm kì ông Moise, hơn một chục vụ thảm sát do các băng nhóm có liên hệ với chính phủ và các lực lượng cảnh sát đã làm thiệt mạng hơn 400 người và khiến 1.5 triệu người phải di tản, nhưng chưa ai phải chịu trách nhiệm về tội ác này.

Khi một sự việc bê bối chính trị hoặc nhân đạo nổ ra, những lời lên án của Mỹ lại xuất hiện giống như những "con hổ giấy". Nhiều người dân Haiti đã liên tục tố cáo sự ủng hộ của Mỹ đối với Tổng thống Moise.

"Kể từ năm 2018, chúng tôi đã yêu cầu các trách nhiệm giải trình," chuyên gia về chính sách của Haiti, bà Emmanuela Douyon cho biết rằng bà đã trình lên Quốc hội, thúc giục Washington thay đổi các chính sách đối ngoại và cách tiếp cận hỗ trợ đối với Haiti. "Chúng tôi cần cộng đồng quốc tế dừng làm những việc mà họ cho là đúng và thay vào đó là hãy suy nghĩ về sự ổn định lâu dài."

Bà Douyon và các nhà phân tích cho rằng, Mỹ cần viện trợ cho Haiti trong việc giúp các nhà lãnh đạo của nước này cải tổ đất nước. Và những nhân vật quyền lực cần phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực và tham nhũng tràn lan trong mọi khía cạnh.

HAITI CẦN HỖ TRỢ DÀI HƠI VÀ SÂU SẮC

Nhà nghiên cứu Jake Johnson của Trung tâm Kinh tế và Chính sách cho biết: "Sẽ có rất nhiều lời kêu gọi quốc tế can thiệp và gửi quân đội tới, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải lùi lại một bước và xem sự can thiệp của quốc tế đã góp phần như thế nào vào tình trạng này."

Ông Johnson bổ sung: "Đã có hàng tỷ USD được chi cho cái gọi là xây dựng quốc gia ở Haiti, điều này chỉ góp phần làm xói mòn nhà nước và chính trị hóa các thể chế này."

Vụ ám sát Tổng thống Moise đã đánh dấu một chương khác trong thập kỉ bạo lực của Haiti. Những kẻ ám sát đã đột kích vào tư gia và sát hại ông. Ông là tổng thống từ năm 2016, chiến thắng trong cuộc bầu cử chỉ với khoảng 600.000 phiếu bầu và có nhiều cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên Mỹ đã ủng hộ nhà lãnh đạo gây tranh cãi này giữa những lời kêu gọi lật đổ vào năm 2019 khi người ta phát hiện ra rằng khoản viện trợ quốc tế dành cho chính phủ đã "mất tích".

Vào tháng 2/2021, ông Moise cho biết sẽ làm tổng thống thêm 1 năm nữa, điều này khiến thủ đô Port-au-Prince của Haiti rơi vào bất ổn do những sự phản đối. Với sự hậu thuẫn liên tục của Mỹ, Tổng thống Moise ngày càng có những quyết định táo bạo. Đầu năm nay, ông tuyên bố sẽ viết Hiến pháp mới, trao quyền hạn rộng rãi cho quân đội và cho phép các tổng thống tranh cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp. Ông đã lên lịch trưng cầu dân ý về Hiến pháp và bầu cử quốc gia vào tháng 9, bất chấp những cảnh báo rằng tổ chức một cuộc bầu cử trong bối cảnh quá nhiều bạo lực sẽ ngăn chặn số cử tri đi bỏ phiếu và những nhân vật chưa phù hợp sẽ lại lên nắm quyền.

Alexandra Filippova, luật sư cấp cao của Viện Công lý & Dân chủ ở Haiti - tổ chức cung cấp đại diện pháp lý cho các nạn nhân của quyền con người, cho biết: "Nếu Mỹ và các đối tác quốc tế khác nghiêm túc trong việc giúp đỡ Haiti, họ cần phải lắng nghe xã hội dân sự của nước này và hỗ trợ thực hiện một con đường khó khăn hơn: xây dựng một nền tảng thực sự cho nền dân chủ."

Theo Thúy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/13-ti-usd-chi-nhu-muoi-bo-bien-khung-hoang-bop-nat-haiti-tu-dau-ma-toi-16121100713192606.htm