Thế giới

11 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Ám ảnh vẫn chưa nguôi

11 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima, những tác động tiêu cực và hệ lụy của nó đối với môi trường và xã hội Nhật Bản vẫn rất lớn, trong khi người dân Nhật Bản vẫn luôn bị ám ảnh về thảm họa này.

Ngày 11/3/2011, thảm họa kép thiên nhiên động đất - sóng thần đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, gây ra sự cố tan chảy của ba lò phản ứng và giải phóng một lượng lớn phóng xạ. 

11 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima: Ám ảnh vẫn chưa nguôi
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima ngày 13/2/2021. Ảnh: Reuters

Nhật Bản hiện đang tranh cãi về vai trò của năng lượng hạt nhân trong các nguồn năng lượng hỗn hợp của nước này, khi đất nước nghèo tài nguyên này đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 để hạn chế sự ấm lên toàn cầu.

Tuy nhiên, rất nhiều người dân Nhật Bản vẫn ám ảnh với “nhân tai” từ sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của tỉnh Fukushima, khiến hơn 160.000 người phải đi định cư nơi khác. Nhiều người dân Nhật Bản cũng bày tỏ sự lo lắng trong vấn đề năng lượng hạt nhân, nhất là đối với kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra đại dương, bất chấp những nỗ lực của Nhật Bản trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), để đảm bảo việc xả thải này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, cũng như để có được sự hiểu biết của các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong khi đó, tại tỉnh Fukushima, nhiều khu vực của tỉnh này vẫn được coi là không thể sống được. Một bộ phận lớn cư dân địa phương không muốn quay trở lại sau thảm họa hạt nhân và họ đã bắt đầu cuộc sống mới ở nhiều nơi khác nhau.

Một số cư dân ở Fukushima cho biết:

“Chúng tôi hy vọng IAEA sẽ kiểm tra một cách cẩn trọng tình trạng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, vì trước đó đã có những vấn đề như rò rỉ nước nhiễm xạ. Sau đó, họ cần đánh giá chặt chẽ tính khả thi của kế hoạch xả thải ra biển rồi tiến hành trưng cầu ý kiến của người dân. Nếu kế hoạch xả thải là khả thi thì họ phải có những dân chứng thuyết phục đối với chúng tôi”.

“Tất cả chúng tôi đều thuộc nhóm dễ bị tổn thương và là nạn nhân của sự cố hạt nhân. Thậm chí, có rất nhiều động vật cũng bị tổn thương như chúng tôi vậy. Và thực sự đó chính là thảm họa. Một khi vấn đề nước nhiễm xạ được xả ra biển, tôi e ngại nhiều người sẽ tiếp tục bị tổn thương”.

Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỉ USD để tái thiết vùng Tohoku bị thảm họa động đất - sóng thần tàn phá, nhưng các khu vực xung quanh nhà máy Fukushima vẫn nằm ngoài giới hạn tái thiết do những lo lắng về mức độ phóng xạ vẫn còn cao.

Năm ngoái, Nhật Bản cho biết sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước bị nhiễm xạ đã qua xử lý và pha loãng ra đại dương, bắt đầu từ khoảng mùa xuân năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây ra nhiều lo ngại từ người dân địa phương cũng như sự phản đối từ các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc./.

Theo Ngọc Huân (VOV.vn)




https://vov.vn/the-gioi/11-nam-sau-tham-hoa-hat-nhan-fukushima-am-anh-van-chua-nguoi-post929473.vov