Sao 360°

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli?

Sự ra đi của Sulli mang đến rất nhiều nỗi đau và tranh cãi, cũng như một câu hỏi ngổn ngang: Tại sao một người con gái xinh đẹp đến thế, rực rỡ đến thế lại có một đoạn kết quá đỗi bi thương? Là do Sulli, hay do nền công nghiệp giải trí của Hàn quá khắc nghiệt?

Chiều ngày 14/10, mọi người bàng hoàng khi tin tức Sulli - cựu thành viên nhóm f(x), nghệ sĩ trực thuộc SM Entertainment tự tử tại nhà riêng được báo chí Hàn Quốc đồng loạt đăng tải. Là một nàng công chúa xinh đẹp trong mắt người hâm mộ, Sulli chưa bao giờ ngừng được quan tâm và tranh cãi về nhan sắc cũng như những hành vi thách thức chuẩn mực thần tượng của mình trên mạng xã hội.

Cái chết của cô phủ một màu u ám lên showbiz Hàn lẫn giới trẻ Châu Á. Người ta không ngừng tiếc thương cho một nhan sắc từng rực rỡ thơ ngây lại có một cái chết quá đột ngột. Người ta chỉ trích sự khắc nghiệt của dư luận và báo chí, sự ngột ngạt của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã giết chết gián tiếp một cô gái trẻ. Ai cũng ám ảnh câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với Sulli, tại sao cô ấy lại có một đoạn kết đáng buồn đến nhường ấy?

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli?

Trở thành thần tượng Kpop - giấc mơ hay cơn ác mộng?

Gần đúng 2 năm trước, cái chết của đàn anh cùng nhà SM với Sulli - nam ca sĩ Jonghyun đã từng khiến cả châu Á bàng hoàng và bắt đầu đặt dấu chấm hỏi về sự bình ổn tâm lý của những thần tượng Hàn Quốc. 

Những năm gần đây giới trẻ châu Á phát cuồng với series những chương trình kiểu Produce 101: 101 thực tập sinh nam hoặc 101 thực tập sinh nữ cùng tham gia nỗ lực để có suất được debut trong một nhóm nhạc dự án. Điều đáng nói, chương trình đã trải qua 4 mùa: Produce 101, Produce 101 season 2, Produce 48, Produce X 101... mà chẳng hề giảm độ hot, và quan trọng hơn số lượng những thực tập sinh xinh đẹp, tài năng đang "đói khát" cơ hội nổi tiếng vẫn đầy ắp bất tận, chen chúc giành giật cơ hội để được biết đến và ra mắt.

Có bao nhiêu chàng trai cô gái đang xếp hàng chầu chực để có cơ hội trở thành idol?

Trở thành idol là một giấc mơ, hay là một cơn ác mộng?

Công việc của một Idol không chỉ dừng lại ở ca hát, vũ đạo hay diễn xuất. Nhiệm vụ lớn nhất của họ là truyền cảm hứng, bán giấc mơ

90 triệu fan Kpop toàn cầu (bằng dân số của cả Việt Nam) theo dõi nền âm nhạc Hàn Quốc vì ở đó là thế giới của những thần tượng đẹp không tì vết, hát hay nhảy đẹp, tính cách thú vị và luôn mang đến cảm giác tích cực trong từng khoảnh khắc họ xuất hiện.

Điều đó có nghĩa các Idol thực chất rất khó có cuộc sống riêng. Sau 10 năm, 12 năm dành 12 đến 16 tiếng mỗi ngày và trải qua muôn vàn áp lực để được ra mắt công chúng, thì công việc của họ là phải luôn đẹp đẽ và tươi cười hoàn hảo, bất chấp mọi chế độ ăn ngủ điên rồ cũng như lịch trình không thể tưởng tượng. Không chỉ hoạt động âm nhạc, họ phải tham gia nhiều mảng khác nhau để duy trì sức nóng, từ đóng phim, tham gia những show truyền hình thực tế, các buổi phát sóng trực tiếp đến tổ chức concert, fan-meeting…

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 1

Bản chất cạnh tranh khắc nghiệt của Kpop khiến cho kể cả công ty không bóc lột, các nghệ sĩ cũng khó mà nghỉ ngơi nếu họ không muốn bị tụt lại.

Tháng 8 vừa qua, nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS được công ty quản lý thông báo cho phép có kỳ nghỉ đầu tiên sau 6 năm hoạt động. Kém may mắn hơn, EXO được nghỉ lần đầu sau 7 năm, còn SNSD thì lần đầu có được kỳ nghỉ 20 ngày sau 3 năm ra mắt.

Bị vắt kiệt sức cho chính giấc mơ của mình nhưng trái lại, họ không được phép mệt mỏi, than vãn hay có biểu hiện thiếu-hoàn-hảo. Park Kyung của Block B từng chia sẻ: “Nghệ sĩ bọn em rất khó khăn để đối diện với cảm xúc thật của mình, có quá ít cơ hội để bọn em thể hiện cảm xúc thật khi mà công việc của bọn em đòi hỏi phải che giấu cảm xúc”.

Mỗi lần Sulli, hay Irene (Red Velvet), Jennie (BLACKPINK) biểu lộ động tác nhảy hời hợt, trình diễn không tập trung, ngay lập tức họ vấp phải làn sóng chỉ trích từ khán giả. Điều này đơn giản là vì “hoàn hảo” trong từng phút giây đã trở thành chuẩn mực của các Idol, tất cả các Idol khác đều đáp ứng được thì những kẻ ngoại lệ đều là kém cỏi, lười biếng và thiếu cố gắng. Sự tồn tại của nghệ sĩ lẫn công ty chủ quản đều dựa trên sự trả tiền và ủng hộ từ khán giả, nên việc giữ gìn hình ảnh lý tưởng là một áp lực sống còn.

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 2

Tất cả mọi lời than vãn đều chỉ thu hút thêm công kích. Vào năm 2015, Yuri của SNSD chia sẻ trên truyền hình: “Làm một thần tượng thực sự quá bận rộn. Em nghĩ em không hợp làm người của công chúng". Ngay lập tức cô bị công chúng chỉ trích nặng nề: “Cô đang kiếm được rất nhiều tiền hơn người bình thường, vậy mà cô ta lại đi nói những lời lẽ vớ vẩn thế sao?”; “Có bao nhiêu người đi làm trong môi trường thích hợp với họ vậy? Nếu cô ấy có vấn đề hoặc căng thẳng, có thể đi mua sắm để bớt stress”; “Lại là trò gây chú ý"...

Và thực tế, với những bản hợp đồng kéo dài 7 năm, hầu như không có lối thoát nào cho các thần tượng.

Khi các công ty quản lý đầu tư cả triệu đô để ra mắt các nhóm nhạc, họ sẽ đảm bảo chắc chắn rằng để các Idol sẽ dốc hết mình đến kiệt sức tương xứng với nỗ lực và tiền bạc của công ty bỏ ra. Áp lực thành công của công ty và cả ê-kip hàng ngàn con người hoàn toàn nằm trong sự rực rỡ tỏa sáng của những thần tượng.

Dongwan - thành viên nhóm Shinhwa cũng đã lên tiếng về những góc khuất đầy bế tắc trong cuộc sống của người nổi tiếng: "Tôi biết nhiều hậu bối đang phải tham gia cuộc chiến ngay trong nội tâm mình với chính bản thân mình. Rằng bệnh cỡ nào thì trái tim họ còn có thể cố gồng gánh được và tiếp tục làm việc. Tất cả cũng chỉ vì sự thơm ngọt của danh tiếng và tiền tài đem lại. Dù trong điều kiện khó khăn khi các hậu bối trẻ không thể ăn uống tử tế hay ngủ đủ giấc, nhưng lúc nào họ cũng phải chịu áp lực phải luôn nở nụ cười rạng rỡ và trông tươi tắn, khoẻ mạnh".

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 3

Một vẻ đẹp quá rực rỡ, một tâm hồn quá nổi loạn - Ngoại lệ Sulli tồn tại ngỡ là may mắn mà lại là bất hạnh

Vào năm 2014, SM đưa ra tuyên bố gây sốc rằng Sulli sẽ rời khỏi f(x) vì vấn đề áp lực tâm lý. Công ty vẫn sẽ tiếp tục quản lý Sulli với vai trò nghệ sĩ hoạt động độc lập. Đây có thể là một ngoại lệ hiếm hoi của Kpop khi một nghệ sĩ được cho phép rời khỏi hoạt động nhóm, vẫn được công ty quản lý ủng hộ hoạt động và gia hạn hợp đồng sau đó. Việc này cũng kéo theo nhiều chỉ trích và trách móc, rằng SM quá nuông chiều Sulli, cũng như Sulli đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến 4 thành viên còn lại của f(x), biến mọi nỗ lực của 4 người kia thành công cốc.

Sulli nổi tiếng ở độ tuổi mà có thể bản thân cô ấy còn chưa ý thức được những áp lực, khó khăn khi trở thành một thần tượng Kpop.

Sau khi rời f(x), chính Sulli đã từng chia sẻ về nhiều ngày tháng làm việc không mục đích: "Họ yêu cầu tôi làm gì, tôi sẽ làm điều đó nhưng, tôi thậm chí không biết lý do mình phải làm những công việc ấy. Tôi không nghĩ những việc đó phù hợp với bản thân chút nào".

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 4

Vừa đẹp, vừa điên - đó là những gì người ta vẫn nói khi nhắc đến cái tên Sulli.

Sulli sẵn sàng để mặt mộc, tuỳ tiện thể hiện hành vi đầy bản năng trên mạng xã hội hay không ngại khoe những khoảnh khắc tình cảm nhất với người đàn ông mình từng yêu say đắm. Cũng chỉ có Sulli mới dám lên truyền hình, không nói theo kịch bản được chuẩn bị sẵn mà thẳng thắn thừa nhận đang giả vờ hạnh phúc trước mặt mọi người.

Tính cách đó rõ ràng không thể vừa vặn với nền công nghiệp Kpop. Với một tên tuổi khác khi làm những điều thách thức chuẩn mực như Sulli, họ sẽ nhanh chóng bị phản đối, thậm chí là tẩy chay và rơi vào quên lãng. Nhưng kể cả những người nặng lời nhất với Sulli cũng chẳng thể phủ nhận: Sulli quá đẹp. Một vẻ đẹp đủ để cứu vãn sự nổi tiếng của cô, đủ để dù bị phản ứng tiêu cực đến đâu, Sulli vẫn nghiễm nhiên yên vị ở Top những nữ thần nhan sắc của Hàn Quốc.

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 5

Được đào tạo bài bản để trở thành một thần tượng từ khi còn rất nhỏ, nhan sắc lại rực rỡ, Sulli có đầy đủ mọi yếu tố để đứng trên đỉnh cao của Kpop. Nhưng rồi cô không trở thành một ngôi sao rực rỡ như kỳ vọng; cũng chẳng bị đào thải biến mất, mà cứ thế tồn tại cùng phẫn nộ và bàn tán xung quanh mình, trong một thế giới chẳng thể nào mang đến hạnh phúc và yên bình cho tâm hồn nổi loạn của cô.

Mặc dù Sulli cố gắng bảo vệ sức khoẻ và tâm lý của chính mình khi quyết định rời nhóm f(x) nhưng làm người nổi tiếng không chỉ là một cái nghề mà còn là một cái "nghiệp". Dù đã từng cố gắng thể hiện khía cạnh hồn nhiên nhất trong con người mình và tận hưởng cuộc sống thì Choi Jin-ri vẫn luôn là Sulli, một nghệ sĩ bị công chúng "ép" trở lại với cái khuôn vốn có của nền công nghiệp giải trí khắc nghiệt.

Có người lý giải, căn bệnh trầm cảm của Sulli rất có thể đã khiến cô càng thêm hỗn độn. Dù phải chịu tổn thương khi đối diện với áp lực từ công chúng nhưng vẫn rất thèm khát sự quan tâm của khán giả để khỏa lấp sự cô đơn của mình.

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 6

Tất cả đều chỉ là suy đoán. Nhưng không khó để thấy từ sự nổi loạn khó chấp nhận đối với một thần tượng Kpop đến cả đôi lần bật livestream trên mạng xã hội chỉ để im lặng khóc lóc suốt 10 phút đồng hồ, hay trả lời báo chí - truyền thông về những bất ổn bên trong mình... Sulli đã cố gắng giãy giụa, kêu cứu bằng mọi cách. Ngay cả SM Entertainment cũng "mắt nhắm mắt mở" bao che cho Sulli mặc sức làm những gì cô ấy muốn như một sự quan tâm và bao dung. Nhưng cuối cùng, Sulli vẫn tự kết liễu cuộc sống của mình sau chuỗi ngày kêu cứu không thành.

"Thật khó khăn khi phải cố gắng tỏ ra vui vẻ mọi lúc" - Arthur Fleck đã nói như thế trước khi trở thành Joker. Những thần tượng của hàng triệu người cũng đang ngày ngày phải đối mặt với khó khăn ấy - phải tỏ ra vui vẻ, phải khoe ra hình ảnh không tì vết để níu chân khán giả. Họ lựa chọn trở thành một ngôi sao nhưng không lựa chọn gánh chịu những áp lực khi phải duy trì một phiên bản hoàn hảo khác xa với con người thật của mình. Họ cũng là những người bình thường cần nhận được sự thông cảm cho những khiếm khuyết, những nhu cầu riêng tư..., bên cạnh niềm tin và tình yêu vô bờ bến từ người hâm mộ.

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 7

Ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Sulli?

Sự ra đi đột ngột của Sulli mang đến cả một hố sâu u ám với đông đảo nhiều người. Cảnh sát vẫn đang ráo riết điều tra, thậm chí khám nghiệm tử thi để tìm câu trả lời. Một người hôm qua ráo hoảnh trước cái chết của Sulli cũng phải thốt lên rằng khi hình dung Sulli "được" khám nghiệm tử thi, họ đã bật khóc không dừng lại được. 

Không riêng gì Sulli, tất cả những vụ tự sát đều mang đến những người xung quanh sự ám ảnh khôn nguôi, những câu hỏi mà giải đáp đến đâu cũng không thể thỏa mãn.

Là lỗi ở nền công nghiệp giải trí Hàn quá khắc nghiệt?

Là do sự độc ác vô tình của truyền thông và netizen xứ Hàn?

Là SM đã yêu thương sai cách mà không giải quyết vấn đề?

Việc thiếu điểm tựa của gia đình đã khiến Sulli không thể vững vàng và vượt qua?

Là do xã hội Hàn Quốc mỗi ngày có 40 người tự tử với tỷ lệ cao nhất thế giới và một người nổi tiếng thành công cũng chẳng thoát nổi tỷ lệ này?

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 8

Tất cả đều chỉ là suy đoán. Vì người duy nhất nắm giữ câu trả lời chính xác đã vội vàng rời đi mãi mãi, chẳng buồn quan tâm thế giới sẽ thế nào sau mất mát ấy.

Như những đoạn kết bi kịch khác, của cả những người bình thường và những người nổi tiếng trong lịch sử. Để lại ám ảnh và bàng hoàng khôn nguôi.

Thay vì câu hỏi "Ai là người phải chịu trách nhiệm về cài chết của Sulli?" để trút hết oán trách, bất bình, chúng ta có thể hỏi nhau "Làm thế nào để không có một bi kịch Sulli bất kỳ một lần nào nữa?"

Sulli đã mãi mãi ra đi, nhưng sự bàng hoàng mà Sulli để lại có thể là một bắt đầu cho thay đổi. Như cách Hàn Quốc đang đề xuất một “Đạo luật Sulli” để kiểm soát tình trạng tấn công ác ý trên mạng. Hay việc cựu thành viên SM lên tiếng để các công ty lớn cần có những hỗ trợ tốt hơn về tâm lý cho guồng quay ngày một khắc nghiệt của các idol.

Có lẽ, thay vì trách móc SM, mỉa mai cư dân mạng, soi mói hay oán thán những IU, Taeyeon...; chúng ta cần nhớ rằng bi kịch của Sulli là một lời nhắc đừng làm cuộc sống của người khác thêm khó khăn, tuyệt vọng. Danh sách những thần tượng đang chiến đấu với áp lực và chứng trầm cảm rất dài. 

Là Taeyeon, người thừa nhận bị trầm cảm và liên tiếp mất đi 2 người em yêu quý. Là Mina (TWICE) mắc chứng sợ lên sân khấu, bật khóc khi bị chụp ảnh nhưng vẫn nỗ lực hoàn thành MV mới nhất cùng nhóm nhạc. Là IU, người bạn thân thiết sáng tác rất nhiều về Sulli, người bị oán trách và ném đá một cách tàn nhẫn trong khi bản thân cô đang đối diện với nỗi đau và mất mát. Và đó chỉ là số rất ít trong phần nổi của một tảng băng trôi.

Sau tất cả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sulli? - 9

Như các fan Kpop vẫn truyền tai nhau: "Flop cũng được, tách nhóm cũng được, lập gia đình cũng được, thậm chí scandal bị ghét bỏ cũng được, còn khỏe mạnh là tốt rồi".

Giảm đi những kỳ vọng, áp lực lên người thân và thần tượng của mình là cần thiết. Quan tâm họ, lắng nghe họ không bao giờ là thừa. Vì đằng sau những khuôn mặt vui vẻ ấy, biết đâu lại là những lời kêu cứu mà chúng ta vô tình bỏ qua.

Chúng ta có thể không có câu trả lời để kết tội cho cái chết của Sulli. Nhưng chúng ta biết rõ, thế giới sẽ thay đổi chỉ với một chút bao dung, một chút cảm thông được thêm vào mỗi ngày.

Theo Hạnh Moon - Trang Trim (Trí Thức Trẻ)