Sao 360°

‘Những sắc màu văn hóa Việt Nam’ chào mừng Đại hội ASOSAI 14

Để chào mừng Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) và Hội nghị chuyên đề lần thứ 7, vào tối 18/9, chương trình Gala Dinner với chủ đề “Những sắc màu văn hoá Việt Nam” nhằm giới thiệu nền nghệ thuật đặc sắc của các vùng văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế đã chính thức diễn ra.

‘Những sắc màu văn hóa Việt Nam’ chào mừng Đại hội ASOSAI 14
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chào mừng tại buổi tiệc (Ảnh Tổ quốc)

Tiệc chào mừng có sự hiện diện của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các công ty kiểm toán, hội nghề nghiệp; đại diện một số đại sứ quán tại Việt Nam.

Về phía khách quốc tế có ông Harib Saeed Alameemi - Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) các tiểu vương quốc Ả rập, Chủ tịch Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI); Bà Madinad Binti Mohamad - Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Chủ tịch ASOSAI; ông Choe Jeahyeong - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hàn Quốc, Tổng Thư ký ASOSAI cùng các đại biểu là đại diện lãnh đạo KTNN thành viên ASOSAI, INTOSAI.

Về phía KTNN Việt Nam có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN cùng tham dự tiệc chào mừng.

Đặc biệt, trong chương trình tiệc chào mừng với chủ đề “Những sắc màu văn hóa Việt Nam” các tiết mục của chương trình thể hiện đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam trên cơ sở chọn lọc những tác phẩm độc đáo, xuất sắc đã từng được giải thưởng trong nước và quốc tế, được dàn dựng quy mô với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, kết hợp hài hoà giữa tính dân tộc và hiện đại, nhằm giới thiệu với khách quốc tế những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã đưa các đại biểu tham dự Đại hội qua hành trình di sản văn hóa mang đậm bản sắc Việt. Từ Âm vang tiếng trống đồng mang dấu ấn của thời kỳ hình thành nước Việt với 18 đời Vua của triều đại Hùng Vương, rồi lạc bước đến với bản Mèo mùa xuân với tiếng khèn, tiếng sáo, hòa vào thiên nhiên kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc. Rồi lại say đắm với điệu Xòe duyên dáng của các cô gái Thái.

‘Những sắc màu văn hóa Việt Nam’ chào mừng Đại hội ASOSAI 14 - 1
Lục cúng hoa đăng- điệu múa cổ của cung đình Huế được giới thiệu đến khán giả (Ảnh Tổ quốc)

Sau khi giới thiệu văn hóa miền sơn cước của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Việt Nam, chương trình lại đưa khán giả về với miền đồng bằng Bắc Bộ. Những cô gái Quan họ, tiếng đàn bầu trong Hát ru Bắc bộ và Ba giá Hầu đồng mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ đã được giới thiệu đến các đại biểu tham dự Đại hội.

Sau những giây phút chìm trong không gian ngọt ngào của dân ca Bắc bộ, khán giả của đêm Tiệc chào mừng lại được khám phá văn hóa miền Trung và Tây Nguyên. Hòa tấu Lý hoài Nam mang đậm chất Huế với những giai điệu da diết, nhớ thương nhưng cũng đầy hoài niệm về vẻ đẹp của vùng đất cố đô. Màn múa Lục cúng hoa đăng- điệu múa cổ của cung đình Huế đã có trên 300 năm góp phần giới thiệu về một miền đất với hai di sản được thế giới công nhận đến đại biểu quốc tế.

Ngược lên Tây Nguyên, cảnh đẹp của núi rừng, nương rẫy mùa thu hoạch như được tái hiện trong tiếng hòa tấu tre nứa Mùa hái quả. Khán giả của Chương trình cũng giao hòa với điệu múa Lửa tình Cao Nguyên ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, với những con người chăm chỉ trong lao động, mạnh mẽ, dũng cảm trong bảo vệ buôn làng, nồng nàn tình cảm với bạn bè, say đắm trong yêu thương.

‘Những sắc màu văn hóa Việt Nam’ chào mừng Đại hội ASOSAI 14 - 2
Việt Nam gấm hoa- đất nước bên bờ sóng, đẹp như thơ, từ bao cuộc tử sinh được thêu lên rực rỡ, vươn tới tầm cao bằng sức vóc Rồng bay (Ảnh Tổ quốc)

Rời Tây Nguyên, hành trình di sản văn hóa Việt Nam lại đưa khán giả của Chương trình đến với Đồng bằng Nam bộ. Ở đó, không gian mênh mang của miền sông nước, của vùng châu thổ trù phú như mở ra khoáng đạt trong tiếng đàn Tranh thánh thót, ngọt ngào.

Khép lại hành trình di sản văn hóa Việt Nam, khán giả cảm nhận về một Việt Nam gấm hoa, đất nước bên bờ sóng, đẹp như thơ, từ bao cuộc tử sinh được thêu lên rực rỡ, vươn tới tầm cao bằng sức vóc Rồng bay. Đó cũng là ý nghĩa mà những người làm chương trình gửi gắm đến Đại hội ASOSAI 14 đang được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội- ngàn năm văn hiến.

Theo Hằng Vương (Thuonghieucongluan.com.vn)