Pháp luật

Xử vụ 8 người chết do chạy thận: Vì sao nguyên Giám đốc BV vắng mặt?

Phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa dẫn đến 8 người chết ở bệnh viện Đa khoa Hòa Bình dự kiến được mở lại vào ngày 15/5 tới. Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 7/5, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình không có mặt. Vậy sự vắng mặt này do đâu?

Thông tin với PV báo Người Đưa Tin, một số luật sư tham gia phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa khiến 8 bệnh nhân tử vong cho biết, trong phiên khai mạc phiên tòa ngày 7/5, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người liên quan đến vụ án, đã vắng mặt và cũng có đơn đề nghị xử vắng mặt. Vậy nguyên nhân nào khiến ông Dương vắng mặt?

Xử vụ 8 người chết do chạy thận: Vì sao nguyên Giám đốc BV vắng mặt?
Ông Dương, nguyên Giám đốc BV ĐK Hòa Bình.

Trao đổi thông tin với PV, một lãnh đạo phòng Tổ chức Hành chính (bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) cho biết, ông Trương Quý Dương đã nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10/2017. Ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc sở Y tế kiêm nhiệm chức danh Giám đốc bệnh viện.

Chia sẻ về thông tin ông Trương Quý Dương đi nước ngoài đúng ngày TAND TP.Hòa Bình đưa vụ án 8 người chết trong sự cố ý khoa xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ra xét xử, vị này cho biết, ông Dương sang nước ngoài để lo việc cho con gái. "Anh Dương sang nước ngoài từ tháng 4, con gái anh ấy đang bảo vệ luận văn Thạc sỹ", nguồn tin này chia sẻ.

Cũng theo vị này, ông Dương xuất ngoại trước khi tòa án có lịch xét xử. Vợ ông Dương có hỏi phía bệnh viện khi nào thì vụ án được đưa ra xét xử, vì chưa biết nên phía bệnh viện cũng không thể nói cụ thể được.

"Việc ông Dương xuất ngoại đúng thời điểm một số cán bộ bác sĩ của bệnh viện bị đưa ra xét xử khiến nhiều người bàn tán. Tuy nhiên ông Dương đã xuất ngoại trước đó và không biết lịch xét xử của TAND chứ không phải trốn tránh...", vị này cho biết thêm.

Xử vụ 8 người chết do chạy thận: Vì sao nguyên Giám đốc BV vắng mặt? - 1
Bác sĩ Lương cùng đồng phạm tại phiên tòa ngày 7/5.

Cũng liên quan đến vụ án này, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BS Hoàng Công Lương cho rằng, theo những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ông Dương phải bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để cho công ty Trâm Anh là công ty chuyên xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tham gia sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. “Việc này chẳng khác gì công ty giết mổ gia súc thuê thợ mổ lợn đến BV phẫu thuật tim, gan, thận”, luật sư Thiệp bức xúc.

Trong phiên xét xử ngày 7/5, một số nhân chứng là người nhà nạn nhân đã cung cấp thêm cho các luật sư một số hình ảnh, clip ghi lại cảnh các bác sĩ bệnh viện cố gắng cấp cứu cho các nạn nhân gặp sự cố, trong đó có hình ảnh BS Hoàng Công Lương.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, con gái nạn nhân Nguyễn Thị M. (1 trong 8 người đã tử vong trong ngày định mệnh 29/5/2017), cho biết, chị đã phải cân nhắc, thậm chí day dứt, trằn trọc rất nhiều lần trước khi gửi đoạn clip có BS Lương cùng đồng nghiệp đang cố gắng nỗ lực hết sức mình để cứu các bệnh nhân bị tai biến chạy thận hôm đó. Bởi trong đoạn clip này ghi hình ảnh người nhà chị và một bệnh nhân khác đã mất.

"Chúng tôi không muốn đưa hình ảnh cho mọi người biết, nhưng suy nghĩ kỹ, thì chúng tôi thấy không thể để bác sĩ Lương bị hàm oan nên chúng tôi mới gửi clip cho luật sư", chị Tuyết Anh bày tỏ.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh). Bị cáo Quốc bị VKSND TP.Hòa Bình truy tố về tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, BLHS năm 1999.

Bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình); Bác sĩ Hoàng Công Lương (SN 1986, Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2, Điều 285, BLHS năm 1999.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình xác định Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên Thận nhân tạo - BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình đó, Quốc đã sử dụng hỗn hợp acid flohydric (HF) và acid clohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc, do cẩu thả đã để tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.

Đồng thời, khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, Quốc đã bỏ mặc cho việc đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng dẫn đến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.

Bị can Trần Văn Sơn được giao kiểm tra, giám sát việc thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sơn đã không trực tiếp có mặt, không theo dõi, giám sát theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng đã giao lại qua điện thoại cho điều dưỡng viên của đơn nguyên Thận nhân tạo; không báo cáo cụ thể với lãnh đạo phòng. Sáng 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố), dù có mặt nhưng Sơn lại để mặc cho đơn nguyên Thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Về phía bị can Hoàng Công Lương, cơ quan tố tụng cho rằng với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của trưởng khoa.

Tuy nhiên, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thoại thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can này đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.

Theo Xuân Hòa (Người Đưa Tin)