Pháp luật

Thiên Sơn dọa kiện BV Hòa Bình, nhất quyết không bồi thường các nạn nhân chạy thận

Chia sẻ của BS Hoàng Công Lương khi nhận được sự ủng hộ từ phía người nhà nạn nhân

Đại diện Cty cho biết không đồng ý với các quyết định hành chính của bệnh viện tỉnh Hòa Bình và sẽ xác định thiệt hại để khởi kiện trong một vụ án khác.

Thiên Sơn dọa kiện BV Hòa Bình, nhất quyết không bồi thường các nạn nhân chạy thận
Đại diện Cty Thiên Sơn (người cầm micro) tại tòa.

Không đấu thầu vẫn có hợp đồng

Ngày 22/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án vô ý làm chết người khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).

Tại tòa, các thẩm phán tiến hành xét hỏi đại diện Cty Thiên Sơn về nguồn gốc máy chạy thận và các hợp đồng liên quan. Theo cáo trạng, ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước dùng cho chạy thận.

Cty Thiên Sơn đã không trực tiếp sửa chữa, ký lại hợp đồng với Cty xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Bi cáo Quốc sau đó sửa chữa nhưng để tồn dư axit trong hệ thống, khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Tại tòa, đại diện Cty Thiên Sơn thừa nhận có ký hợp đồng với bệnh viện vào ngày 25/5/2017 và đã thực hiện đúng các quy định pháp luật về đảm bảo hợp đồng này. Căn cứ hợp đồng dựa trên Bộ luật dân sự, luật kinh doanh thương mại và trên thực tế, Cty Thiên Sơn chỉ nhận báo giá của BV Hòa Bình, không tham gia đấu thầu.

Thẩm phán đặt câu hỏi, tại sao lại ghi trong hợp đồng là căn cứ luật đấu thầu? Phía Thiên Sơn cho rằng, bệnh viện có cơ chế, phụ thuộc vào vốn ngân sách hay vốn ngoài nên phải căn cứ vào đấu thầu.

Về các vấn đề liên quan, hậu quả của các bên khi thực hiện hợp đồng, phía Thiên Sơn nói: “Chúng tôi chấp nhận điều khoản, mọi phát sinh từ hợp đồng này. Đây là giao dịch dân sự có phát sinh quan hệ kinh tế. Nội dung hợp đồng trọn gói, nghĩa là giá trị không thay đổi về giá, khối lượng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng”.

Thẩm phán hỏi: “Loại hợp đồng này là cơ bản trong luật đấu thầu?” Đại diện Cty Thiên Sơn đáp: “Vâng ạ”.

Thiên Sơn dọa kiện BV Hòa Bình, nhất quyết không bồi thường các nạn nhân chạy thận - 1
Các bị cáo trong vụ án.

Sẽ kiện bệnh viện Hòa Bình

Về nội dung hợp đồng ngày 25/5/2017, đại diện Thiên Sơn cho biết gồm cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước cho BV Hòa Bình trong đó có tiệt trùng màng RO, hệ thống nước, xét nghiệm AAMI.

“Để thực hiện hợp đồng, Cty Thiên Sơn có liên lạc bị cáo Quốc, yêu cầu Quốc cung cấp dịch vụ như nội dung hợp đồng. Lý do, việc khảo sát, sửa chữa, Quốc đã làm với Thiên Sơn nhiều lần và báo giá cũng là Quốc đưa ra… Thiên Sơn vẫn giới thiệu Quốc là người của mình” - đại diện Thiên Sơn nói.

Được hỏi về mục đích giao kết hợp đồng với Trâm Anh, phía Thiên Sơn cho biết: “Để có dịch vụ hoàn thiện hợp đồng ký với BV Hòa Bình…  Thiên Sơn đàm phán với Quốc từ lâu nhưng giao kết chính thức vào ngày 25/5/2017. Sau khi có hợp đồng với bệnh viện, Thiên Sơn gọi điện cho Quốc và chuyển hợp đồng còn Quốc ký bao giờ tôi không biết, sau Quốc nộp lại hợp đồng cho Thiên Sơn”.

Chủ tọa tiếp tục, Thiên Sơn có bao giờ bi xử lý về các hợp đồng trên? Đại diện Cty đáp: “Ngày 29/5/2017 và đầu năm 2018, chúng tôi có nhận 2 quyết định của BV Hòa Bình về xử lý hành chính và không trả tiền cho Thiên Sơn theo hợp đồng. Chúng tôi không đồng ý với BV Hòa Bình nhưng chúng tôi thấy đây là quyết định hành chính. Chúng tôi sẽ xác định thiệt hại sau phiên tòa này, khởi kiện ở vụ án khác”.

Đại diện Thiên Sơn cho biết thêm, tại BV Hòa Bình, có 13 trong số 19 máy chạy thận được Thiên Sơn lắp đặt hình thức xã hội hóa theo 4 hợp đồng. Hiện tại, Cty Thiên Sơn đã bàn giao 2 hợp đồng tương đương 8 máy chạy thận cho bệnh viện, chỉ còn 5 máy thuộc sở hữu của Thiên Sơn.

Vị này tiếp lời: “Thiên Sơn đặt máy xã hội hóa ở bệnh viện, khi đủ ca chạy ví dụ 4.500 ca chạy thận và bệnh viện trả 1 khoản tiền nhất định thì máy thuộc sở hữu của bệnh viện”.

Được hỏi về quá trình lắp máy,phía Thiên Sơn đáp: “Năm 2009, Cty Thiên Sơn bắt đầu khảo sát ở Hòa Bình và thấy có 150 bệnh nhân đang chạy thận tại các địa phương khác nên nhận thấy đây là thị trường của Cty… Thiên Sơn lựa chọn Hòa Bình để đầu tư đặt máy. Đầu tiền, chúng tôi bán máy nhưng tỉnh Hòa Bình không có tiền. Bệnh viện nói, Bộ y tế có thông tư 15 về đặt máy xã hội hóa và Thiên Sơn đã đồng ý”.

Theo các hợp đồng này, Cty Thiên Sơn được hưởng 90%, bệnh viện hưởng 10% và không phải đầu tư. “Những hợp đồng sau, BV Hòa Bình đã có kinh nghiệm nên yêu cầu Thiên Sơn cho thuê máy” - đại diện BV Hòa Bình nói.

Theo Xuân Ân (Tiền Phong)