Pháp luật

Vụ xử lãnh đạo NaviBank: 8/10 bị cáo kêu oan

Các bị cáo cho rằng, việc Huyền Như thay thế 14 hồ sơ mở tài khoản bằng chữ ký giả, phía NaviBank không hề hay biết và không có trách nhiệm thẩm tra, kiểm tra.

Việc kiểm tra, thẩm tra thuộc về VietinBank khi mở tài khoản cho khách. Tiền thất thoát là do Huyền Như tạo dựng chứng từ, qua mặt VietinBank rút tiền chiếm đoạt nên không phải trách nhiệm của các bị cáo.

Chiều 28.2, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm với 10 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

10 bị cáo gồm: Nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí, các nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và 6 người nguyên là trưởng các phòng ban của Navibank.

8/10 bị cáo kêu oan

Tại tòa, 8/10 bị cáo khẳng định bị truy tố oan, không phạm tội “Cố ý làm trái...” như nội dung cáo trạng cáo buộc. Các bị cáo giải thích việc kêu oan từ những nội dung, tình tiết.

Việc Huyền Như thay thế 14 hồ sơ mở tài khoản bằng chữ ký giả, phía NaviBank không hề hay biết và không có trách nhiệm thẩm tra, kiểm tra. Việc kiểm tra, thẩm tra thuộc về VietinBank khi mở tài khoản cho khách.

Mặc dù Như tự ý rút tiền từ 14 tài khoản mở ở VietinBank nhưng đến thời hạn tất toán Như đều chuyển đủ tiền vào tài khoản của 14 nhân viên nói trên. Và 14 nhân viên này tiếp tục thực hiện các hợp đồng khác gửi tiền vào VietinBank. Lãi suất ngoài được Như thanh toán ngay khi ký hợp đồng gửi tiền.

Vụ xử lãnh đạo NaviBank: 8/10 bị cáo kêu oan
8/10 bị cáo kêu oan tại tòa . Ảnh: Lý Tín.

Tại chi nhánh Nhà Bè, NaviBank thông qua 14 nhân viên đã gửi cho VietinBank tổng cộng 1.543 tỷ đồng. Tất cả tiền gửi, lãi suất trong hợp đồng và lãi ngoài đều được chuyển đủ cho NaviBank. Các bị cáo không hưởng lợi nào từ việc phê duyệt cho 14 nhân viên và gửi tiền.

Tiếp đó, tháng 7.2011, Võ Anh Tuấn chuyển từ chi nhánh Nhà Bè về chi nhánh TP.HCM. Để huy động vốn, Tuấn yêu cầu 4 nhân viên NaviBank rút 500 tỷ chưa đến hạn tất toán từ chi nhánh Nhà Bè chuyển sang gửi vào chi nhánh TP.HCM.

Số tiền 500 tỷ này trước đó đã được Như trả tiền lãi ngoài nên khi chuyển sang gửi vào chi nhánh TP.HCM hợp đồng chỉ ghi lãi suất 14%/năm, không có lãi ngoài và thời gian tất toán bằng thời gian còn lại ở chi nhánh Nhà Bè.

Theo các bị cáo, ở chi nhánh Nhà Bè, NaviBank không bị thiệt hại. Còn hành vi làm giả chứng từ, hồ sơ của Như thì Như phải chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm đó đã được xử lý bằng những vụ án hình sự trước đây.

4 nhân viên NaviBank trực tiếp đến VietinBank chi nhánh TP.HCM để ký tên, lập hồ sơ mở tài khoản và thực hiện 18 hợp đồng gửi tiền. Tuy nhiên, Như tiếp tục làm giả hồ sơ, chữ ký, ký lệnh chi tiền gửi của 4 nhân viên này cho các đơn vị khác. Theo bị cáo, việc Như làm giả hồ sơ rút tiền là do VietinBank chi nhánh TP.HCM thiếu giám sát, kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về việc này. Tiền đã gửi vào VietinBank thì VietinBank chịu trách nhiệm giữ và phê duyệt rút tiền đúng quy trình.

LS Huỳnh Phước Hiệp còn phát hiện người mang lệnh đến bộ phận chuyển tiền phải có chứng minh nhân dân, nhưng không hiểu tại sao chỉ có lệnh chuyển tiền mà phía VietinBank vẫn thực hiện lệnh chuyển tiền cho người khác là trái quy định.

Ngày 7.9.2011, đến hạn tất toán 12 hợp đồng gửi tiền của NaviBank, Như đã chuyển 300 tỷ đồng vào tài khoản của 4 nhân viên NaviBank, số tiền còn lại 200 tỷ đồng đến tháng 11.2011 mới đến hạn tất toán. Tuy nhiên, cuối tháng 9.2011, Như bị khởi tố, bị bắt giam nên không tất toán số tiền này cho NaviBank. Các bị cáo nói rằng do Như bị bắt nên NaviBank mới thiệt hại 200 tỷ đồng.

Về quy kết của cáo trạng cho rằng các bị cáo: Vi phạm quy định cho vay khi cho nhân viên vay mà hồ sơ không có phương án trả nợ, duyệt hạn mức tín dụng quá cao; Vi phạm Thông tư 02/2011 vì lãi suất huy động mức trần chỉ quy định 14%, các bị cáo phản bác.

“Tuy có vi phạm về quy định khi cho các nhân viên vay nhưng hành vi này không phải là nguyên nhân dẫn đến mất tiền trong tài khoản tiền gửi tại VietinBank chi nhánh TP.HCM. Các nhân viên đều không ai chiếm đoạt và đã gửi đúng hạn nên không thể cho rằng hành vi làm trái trên dẫn tới hậu quả mất tiền trong tài khoản. Nguyên nhân mất tiền trong tài khoản là do hành vi dùng thủ đoạn của Như và trách nhiệm của VietinBank", LS Hiệp cho biết.

Thủ đoạn của siêu lừa Huyền Như

Theo cáo trạng, tháng 11.2010, thông qua Võ Anh Tuấn – Nguyên Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, Như thỏa thuận được với Đoàn Đăng Luật – Trưởng phòng nguồn vốn NaviBank về việc ngân hàng này gửi tiền nhàn rỗi cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất cao từ 16,5% - 22,5%/năm. Lãi suất ghi trên hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% - 8,5%/năm được chi trả ngay sau khi NaviBank chuyển tiền vào VietinBank.

Vụ xử lãnh đạo NaviBank: 8/10 bị cáo kêu oan - 1
Huyền Như và Võ Anh Tuấn được trích xuất đến tòa. Ảnh: Lý Tín.

Trong cuộc họp lãnh đạo NaviBank, Luật báo cáo nội dung trao đổi với Tuấn và được Trí giao cho bị cáo Nguyễn Giang Nam thực hiện. Từ chủ trương này, Trí và 9 thuộc cấp đã phê duyệt giải ngân 1.543 tỷ đồng cho 14 nhân viên đứng tên vay tiền từ NaviBank và sau đó gửi sang VietinBank để lấy lãi suất cao. Tài sản đảm bảo để vay tiền của 14 nhân viên là tiền gửi vào VietinBank.

Đến 7.9.2011, NaviBank nhận lại 1.353 tỷ đồng, 200 tỷ còn lại bị Như dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt mất.

Theo đó, từ ngày 19.11.2010 đến ngày 27.5.2011, 14 nhân viên NaviBank đã thực hiện 47 hợp đồng vay tiền từ NaviBank sau đó gửi sang VietinBank. 14 người này không trực tiếp đến VietinBank chi nhánh Nhà Bè ký mở tài khoản tiền gửi mà được Như cho người mang đến NaviBank. Khi giao lại cho Như, Như thay thế 14 hồ sơ mở tài khoản bằng hồ sơ do Như giả chữ ký rồi mới mang đến VietinBank để mở tài khoản. Sau đó, Như tiếp tục giả chứng từ, chữ ký nhằm rút tiền từ 14 tài khoản trên ra sử dụng cá nhân.

Thông tư 02 chỉ điều chỉnh đối tượng huy động vốn, không điều chỉnh đối tượng gửi tiền nên phía NaviBank có thoả thuận với VietinBank và nhận đến 20% lãi cũng không vi phạm, một bị cáo trình bày trong giờ nghỉ giải lao.

Chiều qua, HĐXX thực hiện việc xét hỏi đối với 3 bị cáo Lê Quang Trí, Võ Anh Tuấn, Đoàn Đăng Luật. Tòa tạm nghỉ và tiếp tục vào sáng nay ngày (1/3).

Theo Lý Tín (Dân Việt)