Pháp luật

Vụ vali thiếu 8 kg ở Nội Bài: "Có dấu hiệu trộm cắp"

Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, hành lý của hành khách đi trên chuyến VJ902 bị bung khóa, có dấu hiệu của hành vi Trộm cắp tài sản.

Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, hành lý của hành khách đi trên chuyến VJ902 bị bung khóa, có dấu hiệu của hành vi Trộm cắp tài sản.

 
Túi đồ của chị được dán nham nhở một lớp băng dính mới. Mở vali kiểm tra, chị phát hiện một số quần áo, vật dụng mới mua khi đi du lịch bị mất, đồ đạc còn lại bị xáo trộn.

Trao đổi với PV, luật sư Tạ Anh Tuấn, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, căn cứ vào Bộ luật dân sự và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, phía vận chuyển hàng hóa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm thất thoát hành lý của khách hàng.

Cụ thể, tại Điều 144, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: "Hợp đồng vận chuyển hàng khách, hành lý bằng đường hàng không là sự thỏa thuận giữa người vận chuyển và hành khách. Theo đó, người vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đến và hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.

Vé hành khách, điều lệ vận chuyển, bảng giá cước vận chuyển và các thỏa thuận khác bằng văn bản giữa hai bên là tài liệu của hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý".

Hành khách bất bình khi hành lý về tới sân bay Nội Bài bị thiếu hụt. Ảnh: Phương Anh.


Luật sư Tuấn cho biết, trước khi lên máy bay, hành khách làm thủ tục ký gửi hành lý, hàng hóa và nộp phí vận chuyển. Do đó, giữa khách hàng và phía vận chuyển của hãng hàng không đã nảy sinh hợp đồng dân sự tài sản. Hành khách giao phó tài sản, phía vận chuyển phải có trách nhiệm đối với tài sản được ký gửi.

Tuy nhiên, hiện nay, một số hãng hàng không chỉ đưa ra mức hỗ trợ nhất định cho khách hàng khi làm mất đồ, thất lạc hành lý đối với khách hàng không kê khai tài sản. Trong trường hợp này, nếu hành khách không chấp nhận mức bồi thường trên, họ có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự.

Bàn về vấn đề này, luật sư Tuấn giải thích tại khoản 2, Điều 162 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nêu: "Trong trường hợp hàng hoá, hành lý ký gửi không kê khai giá trị mà bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng và không xác định được giá trị thiệt hại thực tế thì mức bồi thường của người vận chuyển được tính đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại".

Theo ông Tuấn, đó chính là cơ sở các hãng hàng không đưa ra “mức trần” bồi thường thiệt hại. Ví dụ, theo quy định, hãng hàng không Vietjet Air hỗ trợ hành khách 20 USD/kg đồ bị mất trên chuyến bay quốc tế, 200.000 đồng/kg với chuyến nội địa.

Luật sư nhấn mạnh quy định trên là “kẽ hở pháp luật” dẫn đến việc xảy ra tình trạng thất lạc, mất đồ trên nhiều chuyến bay.

Ngoài ra, luật sư Tuấn nói thêm để bảo đảm quyền lợi, khách hàng cần phải chứng minh thiệt hại như cung cấp chứng cứ, hóa đơn, sử dụng đoạn camera an ninh ghi hình kiểm tra hành lý...

Vị này nhận định, trong vụ việc hành khách trên chuyến VJ902 của Vietjet Air bị bung cạy khóa, phá vali có dấu hiệu của hành vi Trộm cắp tài sản.

Chiều 23/5, chị Trần Phương Anh (30 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng người thân đi từ Bangkok về Hà Nội trên chuyến VJ 902 của Vietjet Air. 90 phút sau, máy bay đáp xuống nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài, chị ra băng chuyền lấy đồ thì phát hiện vali hành lý bật bung khóa, đồ đạc lộ ra ngoài.

Điều 170. Khiếu nại và khởi kiện người vận chuyển:

1. Hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại, khởi kiện người vận chuyển để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại.

2. Trước khi khởi kiện về mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, vận chuyển chậm hàng hoá, hành lý ký gửi, người có quyền khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải khiếu nại bằng văn bản đến người vận chuyển trong thời hạn sau đây:

a) Bảy ngày, kể từ ngày nhận hành lý trong trường hợp mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hành lý;

b) Mười bốn ngày, kể từ ngày nhận hàng trong trường hợp thiếu hụt, hư hỏng hàng hoá; hai mươi mốt ngày, kể từ ngày phải trả hàng trong trường hợp mất mát hàng hoá;

c) Hai mươi mốt ngày, kể từ ngày người có quyền nhận đã nhận được hành lý hoặc hàng hoá trong trường hợp vận chuyển chậm.

3. Người vận chuyển phải thông báo cho người khiếu nại biết việc chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp khiếu nại không được chấp nhận hoặc quá thời hạn trên mà không nhận được thông báo trả lời thì người khiếu nại có quyền khởi kiện.

4. Việc khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người vận chuyển chỉ được thực hiện theo các điều kiện và mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Luật này.

5. Trường hợp việc khiếu nại không được thực hiện trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này thì việc khởi kiện không có giá trị, trừ trường hợp có sự lừa dối từ phía người vận chuyển hoặc người có quyền khiếu nại có lý do chính đáng.

>> Mở chuyên án chống trộm cắp tài sản qua đường hàng không
>> Hành khách VietJet Air bức xúc vì bị lục tung đồ, mất nhiều hành lí có giá trị trong vali
>> VietJet lên tiếng về việc hành khách bị phá khóa, mất đồ

Theo Đỗ Mến (Zing.vn)