Pháp luật

Vụ ông Nguyễn Thanh Hóa: Lộ diện 2 ông 'trùm' cờ bạc

Video: Hành trình phá ổ đánh bạc nghìn tỷ liên quan cựu Cục trưởng C50

Lần đầu tiên hình ảnh về hai ông “trùm” trong đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam có liên quan đến cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa được công bố.

Như đã đưa tin, liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam có liên quan đến cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố tổng cộng 83 bị can.

Trong số này, CQĐT xác định Phan Sào Nam (chủ tịch công ty VTC online) và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC).

Quá trình phạm tội, Nam và Dương còn được sự giúp sức của nhiều đối tượng khác, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục C50 (Bộ Công an).

Vụ ông Nguyễn Thanh Hóa: Lộ diện 2 ông 'trùm' cờ bạc
Cựu cục trưởng Cục C50 Nguyễn Thanh Hóa cùng một số bị can trong đường dây đánh bạc trực tuyến

Đến thời điểm hiện tại, tài liệu điều tra cho thấy tổng số tiền tham gia đánh bạc qua đường dây này đã lên tới hơn 9.500 tỉ đồng. Qua đó, nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng.

Sau khi chiếm hưởng, những người tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore),…

Cho đến sáng 17-3, khi Bộ Công an đăng tải thông tin ban đầu về vụ án nói trên cũng là lần đầu tiên những hình ảnh của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam chính thức được phía công an tiết lộ.

Ông “trùm” cờ bạc kiêm “trùm” BOT?

Theo kết quả điều tra, Nguyễn Văn Dương (43 tuổi), chủ tịch công ty CNC, một công ty được thành lập vào năm 2011 tại Hà Nội với số vốn 20 tỉ đồng.

Dương cùng Phan Sào Nam thành lập chung một công ty với danh nghĩa nhập khẩu thiết bị công nghệ, nhưng thực chất tổ chức đánh bạc trá hình.

Vụ ông Nguyễn Thanh Hóa: Lộ diện 2 ông 'trùm' cờ bạc - 1
Nguyễn Văn Dương, chủ tịch công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao. Ảnh: Bộ Công an

Ban đầu, cổ phần CNC do Nguyễn Văn Dương góp 18 tỉ đồng và bà V.K.H góp 2 tỉ đồng còn lại. Tuy nhiên, đến tháng 3-2016, bà V.K.H đã nhượng lại toàn bộ cổ phần tại CNC cho Lưu Thị Hồng (tổng giám đốc CNC, một trong số 83 bị can).

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của CNC, Nguyễn Văn Dương sinh ngày 4-3-1975, có HKTT tại số 190, đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) với số CMND là 011830339.

Các thông tin cá nhân này hoàn toàn trùng khớp với “đại gia” Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư UDIC, đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng vốn lên tới hơn 12.000 tỉ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ gần 1.300 tỉ, còn lại đi vay ngân hàng.

Theo bố cáo đăng ký thay đổi doanh nghiệp từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty CP UDIC là doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Dương cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội và một số pháp nhân khác, sáng lập.

Hiện tại, công ty CP UDIC đã thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu Hùng.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Công an, một chi tiết cũng khẳng định Nguyễn Văn Dương chính là vị “đại gia” đến từ công ty CP UDIC. Đó là một trong số 83 bị can có vai trò giúp sức tích cực cho ông “trùm” này - Hoàng Đại Dương, nhân viên công ty UDIC của Nguyễn Văn Dương.

“Ngôi sao” công nghệ

Phan Sào Nam (39 tuổi) tốt nghiệp Cử nhân quản trị kinh doanh - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, lấy bằng Thạc sỹ Quản trị doanh nghiệp Công nghệ thông tin (IT Business Management) của Trường đại học Thông tin liên lạc Hàn Quốc.

Vụ ông Nguyễn Thanh Hóa: Lộ diện 2 ông 'trùm' cờ bạc - 2
Phan Sào Nam, chủ tịch công ty VTC online. Ảnh: Bộ Công an

Sau khi về nước, Phan Sào Nam làm Phó giám đốc Trung tâm Internet FPT HCM (tiền thân của FPT Telecom bây giờ). Ít lâu sau, Nam ra Hà Nội đầu quân cho Công ty Phần mềm & Truyền thông VASC.

Năm 2006, khi VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, Phan Sào Nam chuyển về công ty này với vị trí Phó Giám đốc VTC Intecom. Năm 2008, Nam lập ra Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online), giữ chức giám đốc, rồi chủ tịch hội đồng quản trị; được giới công nghệ nhắc đến là một doanh nhân trẻ nhiệt huyết, sáng tạo, tiên phong và có nét lãng tử rất riêng.

Phan Sào Nam cũng chính là nhân vật đã đàm phán với Quỹ đầu tư DWS Việt Nam rót 10 triệu USD cho VTC Online, giúp công ty này trở thành một trong những đơn vị phát hành game hàng đầu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo được công bố trên trang chủ của DWS thì khoản đầu tư vào VTC Online của quỹ hiện có giá trị ở thời điểm hiện tại rơi vào khoảng 2,1 triệu USD. Doanh thu giảm liên tục là nguyên nhân chính khiến DWS phải định giá giảm gần 80% giá trị khoản đầu tư vào công ty game này (tương đương gần 8 triệu USD).

Trong lần trả lời báo chí năm 2012 trên cương vị của mình, Phan Sào Nam từng khẳng định: “Tôi vẫn liều nhưng bây giờ là liều một cách tinh tế để có thể kiểm soát rủi ro tốt nhất”.

Theo Phúc Bình (Pháp Luật TPHCM)