Pháp luật

Vụ Navibank: Bị cáo đòi phóng viên trình văn bản cho phép tác nghiệp

Trong phiên xét xử sơ thẩm 10 nguyên cán bộ Navibank, các bị cáo đòi phóng viên xuất trình văn bản của chủ tọa đồng ý cho phép tác nghiệp tại tòa, luật sư đề xuất cấm báo chí tác nghiệp vì cho rằng có một số báo không đồng hành kêu oan cho bị cáo.

Chủ tọa nói rằng báo chí được quyền tác nghiệp theo Luật Báo chí và tuân thủ sự điều khiển của chủ tọa.

Sáng nay (2.3), TAND TP. HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) ra xét xử về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hôm nay, đến phiên xét hỏi của các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Tuy nhiên, khi phóng viên các báo đài chụp ảnh bị cáo, chụp ảnh phiên tòa, các bị cáo hỏi: “Văn bản cho phép tác nghiệp của chủ tọa đâu? Chúng tôi chưa cho phép chụp ảnh”.

Các bị cáo đòi phóng viên trình văn bản của chủ tọa cho phép tác nghiệp tại tòa.

Vụ Navibank: Bị cáo đòi phóng viên trình văn bản cho phép tác nghiệp
Các bị cáo đòi phóng viên trình văn bản của chủ tọa cho phép tác nghiệp tại tòa.

Các luật sư đề nghị HĐXX cấm báo chí tác nghiệp, cấm chụp ảnh bị cáo vì muốn bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo theo Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) không đồng ý với ý kiến của các luật sư và trả lời rằng đây là phiên tòa công khai, báo chí được quyền tác nghiệp theo đúng Luật Báo chí và chỉ tuân thủ sự điều khiển của chủ tọa, đồng thời mọi người đều có trách nhiệm giữ trật tự tại phiên tòa.

Trước đó, đêm 1.3, trên Facebook Phạm Công Út được cho là của luật sư Phạm Công Út - một trong 30 luật sư bào chữa cho 10 cựu cán bộ Navibank - đăng tải status cho rằng: “Nếu các báo đưa hình ảnh kèm bài viết mang tính phán xét các bị cáo sẽ gặp phải sự bảo vệ quyết liệt của các luật sư trong "Hội đồng bào chữa" trong thời gian sắp tới. Mong các nhà báo "dislike” (không thích) các bị cáo sẽ không là đối thủ của các luật sư bào chữa trong vụ án Navibank”.

Status gây ra tranh cãi giữa chủ nhân Facebook Phạm Công Út và một số phóng viên, trong đó có một bình luận của Facebook Phạm Công Út: “Họ (tức 10 bị cáo) kêu oan và các luật sư tin là họ oan. Nhưng có những bài báo phán xét họ. Các luật sư trong “Hội đồng bào chữa” đã chuẩn bị phương án bảo vệ quyền về hình ảnh cá nhân của họ”. Tuy nhiên, các phóng viên nói rằng chỉ tường thuật trung thực, khách quan diễn biến những gì xảy ra tại phiên tòa, không quy kết, không buộc tội các bị cáo.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư 02/2017 của Chánh án TAND tối cao ban hành quy chế tổ chức phiên tòa thì “mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”, như vậy, khi được chủ tọa phiên tòa cho phép, các nhà báo, phóng viên có quyền tác nghiệp tại tòa.

10 bị cáo đều được tại ngoại và bị đưa ra xét xử, gồm: nguyên Tổng giám đốc Lê Quang Trí; 3 nguyên Phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn; nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát; nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Trần Thanh Bình; nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Đinh Thị Đoan Trang; nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Nguyễn Ngọc Oanh và nguyên Trưởng phòng Pháp chế Phạm Thị Thu Hiền.

Các bị cáo bị cáo buộc có hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây ra hậu quả là Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng.

Theo Lý Tín (Dân Việt)