Pháp luật

Vụ Công ty AIC: Bị cáo bị đe dọa đuổi việc nếu để trượt thầu

Luật sư cho hay, bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ dự thầu thuộc Công ty AIC) luôn phải chịu những áp lực, sức ép rất lớn, nếu không làm tốt sẽ bị đuổi việc. Vì vậy, đề nghị đại diện Viện kiểm sát đánh giá kỹ lưỡng hành vi, vai trò của bị cáo.

Lời cảnh cáo 'đuổi việc'

Chiều 26/1, luật sư Trịnh Văn Tuyến, Văn phòng luật sư Giang Thanh (bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân - Trưởng nhóm hồ sơ dự thầu thuộc Công ty AIC) nêu quan điểm cho rằng, đại diện Viện kiểm sát cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan hơn sau khi đề nghị tòa xử phạt thân chủ của ông mức án từ 4 - 5 năm tù giam.

Theo luật sư Tuyến, hành vi giúp sức của bị cáo Tuân cho Công ty AIC trúng thầu chỉ mang tính giản đơn về mặt thủ tục, giấy tờ.

Cụ thể, luật sư trình bày, sau khi nhận được thông báo từ bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc AIC) về việc phân các doanh nghiệp dự thầu thành "quân xanh" và "quân đỏ", ông Tuân được giao nhiệm vụ truyền đạt, phân công cho những người trong nhóm hồ sơ dự thầu liên hệ với các công ty được sắp xếp dự thầu từ trước.

Mục đích để lấy giấy giới thiệu gửi vào miền Nam cho nhân viên mua hồ sơ dự thầu. Sau đó, ông Tuân và những người trong nhóm sẽ sao chụp hồ sơ dự thầu hoàn chỉnh thành nhiều bản, rồi đóng gói và niêm phong tạm thời để gửi Văn phòng miền Nam của Công ty AIC.

Luật sư cho hay, trong quá trình làm hồ sơ dự thầu giúp sức cho nhóm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị cáo Tuân luôn phải chịu những áp lực, sức ép vô hình rất lớn. Trong đó, bị cáo Tuân từng bị nhắc nhở, cảnh bảo là "Nếu để trượt thầu có thể bị đuổi việc".

Ngoài ra, một minh chứng rõ nhất được luật sư Tuyến trích lời khai tại bút lục thể hiện: “Nguyễn Thị Thanh Nhàn rất quan tâm và bỏ ra nhiều công sức để xin được vốn từ Trung ương và địa phương nên yêu cầu các bộ phận, trong đó có bộ phận hồ sơ của Lê Chí Tuân phải lập hồ sơ thật cẩn thận, có trách nhiệm. Và nếu để Công ty AIC bị trượt thầu thì bị cáo Tuân hoặc những người trong nhóm hồ sơ sẽ bị cho nghỉ việc”.

“Trong khi ấy, bị cáo Tuân là lao động chính, trụ cột trong gia đình và chỉ là người lao động làm thuê với thu nhập duy nhất là những đồng lương ít ỏi hàng tháng. Thế nên, nếu bị cáo này không chấp hành, không phục tùng những yêu cầu, mệnh lệnh, chỉ đạo của lãnh đạo Công ty AIC thì nguy cơ mất việc làm là rất lớn và điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình bị cáo này”, luật sư Tuyến phân tích.

Vì lý lẽ nêu trên, luật sư kính đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết như: Bị cáo ra đầu thú; gia đình bị cáo thuộc gia đình chính sách, để cho bị cáo Tuân được cải tạo ở ngoài xã hội.

Vụ Công ty AIC: Bị cáo bị đe dọa đuổi việc nếu để trượt thầu ảnh 1
Bị cáo Lê Chí Tuân tại phiên tòa.

Bị cáo có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch?

Cũng tại phần tranh luận, các luật sư Đỗ Mạnh Trường, Phí Hồng Quân và Phan Mậu Thìn (bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy, giám đốc Công ty TNT) cho hay, họ đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát nhận định về hành vi của bị cáo Thủy là “đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể” và ghi nhận bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội, được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt án treo cho bị cáo.

Tuy nhiên, luật sư cũng làm rõ thêm về vai trò đồng phạm mờ nhạt và bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo Thủy; cùng những đóng góp đặc biệt của bị cáo cho xã hội để HĐXX cân nhắc áp dụng mức hình phạt vừa thể hiện sự khoan hồng vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cho bị cáo Thủy.

Xuyên suốt hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNT, luật sư trình bày, bị cáo Thủy là người có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, công ty TNT và bị cáo Thủy đã có 6 năm liên tục từ năm 2016 - 2022 thực hiện 81 Chương trình tài trợ với tổng giá trị hơn 34 tỷ đồng; trong đó đã xây dựng 1 cơ sở y tế trị giá hơn 3,3 tỷ đồng và hỗ trợ nhiều máy móc, thiết bị, đồ bảo hộ y tế có giá trị khác.

Đặc biệt, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ngành y tế phải gồng mình chống dịch do đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế, Công ty TNT đã chia sẻ khó khăn về vật chất và con người cho ngành y.

Bị cáo Thủy và tập thể cán bộ nhân viên Công ty TNT đã đồng lòng không ngại nguy hiểm đến từng cơ sở y tế hỗ trợ tài chính, trao tặng nhiều máy móc, thiết bị, đồ bảo hộ, tham gia lắp đặt, tập huấn sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân. Riêng trong năm 2022, Công ty TNT đã tài trợ 301 máy thở oxy dòng cao HFNC, 55.000 kit test COVID, 77.200 khẩu trang y tế, 700 bộ đồ bảo hộ y tế và hơn 640 triệu đồng tiền mặt …

Theo đó, luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận những đóng góp rất lớn liên tục trong thời gian dài cho xã hội của bị cáo Thủy để áp dụng những chính sách khoan hồng đặc biệt khi quyết định mức hình phạt cho bị cáo.

Theo Hoàng An (Tiền Phong) 




https://tienphong.vn/vu-cong-ty-aic-bi-cao-bi-de-doa-duoi-viec-neu-de-truot-thau-post1498516.tpo