Pháp luật >> Ông Đinh La Thăng và hàng loạt 'sếp lớn' PVN bị khởi tố

Vì sao ông Đinh La Thăng bị còng tay đưa đến tòa?

Video: Gần chục cảnh sát che chắn, đưa ông Đinh La Thăng rời tòa

Trong ngày đầu tiên xét xử, ông Đinh La Thăng cũng như các đồng phạm khác bị còng tay áp giải từ xe của lực lượng cảnh sát tư pháp.

Hình ảnh trên đã khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi những bị cáo bị cáo buộc tội danh nào cần phải bị còng tay để áp giải ra tòa.

Những bị cáo bị cáo buộc phạm tội liên quan đến lĩnh vực quản lý, kinh tế như ông Đinh La Thăng có bắt buộc phải bị còng tay áp giải vào phiên tòa?

Dưới đây là phần giải thích dưới góc độ pháp lý của luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề trên:

Độc giả đã nhìn thấy hình ảnh những người nguyên là cán bộ cấp cao như ông Đinh La Thăng bị còng tay khi áp giải đến tòa. Tuy nhiên, đây không phải là hình ảnh hiếm thấy trước các phiên tòa.  

Vì sao ông Đinh La Thăng bị còng tay đưa đến tòa?
Ông Đinh La Thăng bị còng tay áp giải đến phiên tòa. Ảnh TTXVN.

Về vấn đề còng tay, xích chân bị cáo khi áp giải và tại phiên tòa, Quyết định 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công an ngày 4.7.2006 đã quy định cụ thể tại Điều 8.

Theo đó, việc áp giải bị cáo đang bị tạm giam đến phiên tòa thực hiện như sau:

1. Người chỉ huy áp giải phải dự kiến thời gian phù hợp, bảo đảm đúng giờ xét xử của Tòa án. Trường hợp áp giải đường dài phải chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết, chủ động liên hệ với Công an địa phương nơi có tuyến đường áp giải đi qua để đề nghị phối hợp bảo vệ.

2. Nhận bị cáo từ trại tạm giam, nhà tạm giữ: căn cứ vào lệnh trích xuất để xác định đúng bị cáo cần áp giải, kiểm tra tình trạng sức khỏe của bị cáo; kiểm tra tư trang, đồ dùng cá nhân bị cáo mang theo (nếu có); ký biên bản giao, nhận bị cáo với cán bộ quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ.

3. Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa.

4. Giải bị cáo lên, xuống xe: - Lên xe: Cán bộ áp giải số 1 lên trước, một tay nắm vào thành xe, tay kia che đỉnh đầu bị cáo. Cán bộ áp giải số 2 đứng ở dưới đẩy hỗ trợ bị cáo lên xe; - Xuống xe: Cán bộ áp giải số 2 xuống trước đỡ hỗ trợ bị cáo, cán bộ số 1 một tay nắm thành xe, tay kia che phần đỉnh đầu bị cáo. Không để bị cáo ngồi bên cạnh hoặc ngay sau lái xe, gần cửa lên xuống.

5. Trên đường áp giải, đội hình xe đánh số và đi theo thứ tự từ trước ra sau là: xe dẫn đường, xe chở bị cáo, xe hộ tống, xe dự phòng…, xe chỉ huy. Tùy tình hình thực tế trên đường mà người chỉ huy điều chỉnh tốc độ xe của cả đoàn cho phù hợp.

6. Tại địa điểm xét xử, không cho bị cáo tiếp xúc với nhau hoặc tiếp xúc với người khác nếu không có lệnh của Chủ tọa phiên tòa. Nếu có bị cáo cần cách ly thì phải đưa vào phòng cách ly.

7. Việc áp giải bị cáo trở lại nơi giam giữ thực hiện tương tự như áp giải bị cáo đến nơi xét xử; cần chú ý kiểm tra tư trang, đồ vật của bị cáo mang theo và bàn giao lại nơi giam giữ; mở khóa tay, xích chân bị cáo (nếu có) và ký biên bản giao, nhận bị cáo cho trại giam, nhà tạm giữ.

Vì sao ông Đinh La Thăng bị còng tay đưa đến tòa? - 1
Ông Đinh La Thăng trước khi bước vào phiên xét xử sơ thảm tại TAND TP Hà Nội. Ảnh Giang Huy/VNE.

Như vậy, trong quá trình áp giải đối với bị cáo bị tạm giam thì việc còng tay là bắt buộc, còn việc xích chân đối với bị cáo thì chỉ áp dụng đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm.

Như trường hợp chúng ta đã thấy, ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm đã được lực lượng cảnh sát tư pháp còng tay khi áp giải đến tòa. Việc còng tay hay không, không phân biệt bị cáo bị cáo buộc vào tội danh gì, mức án phải đối mặt ra sao.

Còn tại phiên tòa xét xử thì việc có tiếp tục còng tay, xích chân bị cáo hay không thuộc thẩm quyền của Chủ tọa phiên tòa. Trong trường hợp chủ tọa yêu cầu mở còng tay, xích chân thì lực lượng Công an hỗ trợ tư pháp phải mở cho bị cáo.

Còn nếu xét thấy việc mở còng tay, xích chân có thể ảnh hưởng đến an toàn của phiên tòa và quá trình xét xử cũng như an ninh tại phiên tòa thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu lực lượng Công an hỗ trợ tư pháp còng tay, xích chân bị cáo trong suốt quá trình xét xử.

Tuy nhiên, dưới góc độ là người bào chữa cho bị cáo, nhằm đảm bảo nguyên tắc không ai bị coi là tội phạm khi chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì tại các phiên tòa, luật sư cần phải đề nghị thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa tháo còng tay, xích chân cho bị cáo.

Song, trong quá trình hành nghề của mình, không ít lần tôi đã gặp tình huống mặc dù tại phiên tòa, luật sư đã đề nghị, song thẩm phán chủ tọa phiên tòa không đồng ý tháo còng tay, xích chân cho bị cáo.

Điều đó để thấy rằng, việc mở còng tay, xích chân cho bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và ở đâu đó, nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn chưa được áp dụng một cách triệt để.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh (Dân Việt)