Pháp luật

Vì sao đã 'bắt tạm giam' con trai ông Trần Bắc Hà, nay lại ra thông báo truy nã quốc tế?

Đại diện Bộ Công an giải thích lý do truy nã quốc tế đối với con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, trong khi trước đó đã có thông báo bắt tạm giam bị can.

Ngày 26/3/2019, C03 Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung và lệnh bắt tạm giam đối với Trần Duy Tùng - con trai ông Trần Bắc Hà - và 3 bị can khác trong quá trình mở rộng điều tra vụ án. Trong vụ án này, Trần Duy Tùng được xác định là "chủ" đứng thứ 2 sau ông Trần Bắc Hà.

Ngày 29/3/2019, trang web của Bộ Công an đăng thông tin: "Trần Duy Tùng có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam. Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh tố tụng nêu trên, ngày 26/3/2019, C03 đã thực hiện tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với các bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quá trình khám xét có thu giữ được một số đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án".

Tuy nhiên, tại kết luận điều tra vừa được ban hành mới đây lại nêu Trần Duy Tùng đã bỏ trốn nên phải truy nã quốc tế. 

Dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy Trần Duy Tùng thực sự đã được "tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam" như thông tin trên web của bộ đăng tải hay chưa?

Trả lời câu hỏi trên, chiều 26/3, VTC dẫn lời Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an giải thích, tiến trình một vụ án là sau khi cơ quan điều tra nhận thấy đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì công an sẽ đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Sau khi được Viện Kiểm sát phê chuẩn quyết định này thì cơ quan điều tra sẽ thực hiện.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ ra lệnh bắt, khám xét đối với đối tượng bị khởi tố. Tuy nhiên trong vụ án của ông Trần Bắc Hà, thì con trai của ông này là Trần Duy Tùng đã bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra ra lệnh bắt, khám xét.

"Trần Duy Tùng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng ra lệnh bắt, khám xét, cho nên cơ quan điều tra chưa bao giờ bắt Tùng. Bởi vậy, công an ra lệnh truy nã đối với Tùng", đại diện Bộ Công an lý giải.

Đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng; chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can về các tội danh nêu trên.

Vì sao đã 'bắt tạm giam' con trai ông Trần Bắc Hà, nay lại ra thông báo truy nã quốc tế?
Trần Thanh Tùng - con trai ông Trần Bắc Hà

Bản kết luận điều tra thể hiện trong thời gian từ năm 2008 đến tháng 9/2016, ông Trần Bắc Hà giữ chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện 40% vốn nhà nước tại BIDV. Năm 2012, BIDV chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, ông Hà đã có hàng loạt sai phạm như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của BIDV, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho công ty "sân sau" do ông Hà sáng lập.

Ông Hà chỉ đạo thành lập 2 công ty gồm: Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng - con trai ông Hà - làm chủ) và Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (do ông Hà nhờ 3 cá nhân không có năng lực tài chính đứng tên thành lập).

Trần Bắc Hà chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung DũngTrung Dũng, dù cả hai doanh nghiệp này không đủ điều kiện cấp tín dụng.

Cơ quan điều tra xác định, việc cho vay nói trên gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.548 tỷ đồng gồm hơn 683 tỷ đồng tại Bình Hà và hơn 864 tỷ đồng tại Trung Dũng.

Trong vụ án, Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt trong việc chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt và cấp tín dụng cho Bình Hà, Trung Dũng vay tiền dẫn tới thiệt hại hơn 1.548 tỷ đồng của BIDV.

Trong vụ án, Trần Duy Tùng - con trai ông Hà là người trực tiếp nhờ người đứng tên Công ty Bình Hà rồi chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo các nhân vật này lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để kinh doanh, không nộp tiền về tài khoản công ty, gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng cho BIDV.

Ngoài ra, Tùng còn có dấu hiệu của tội rửa tiền khi gửi trái phép 10,4 triệu USD tiền mặt vào ngân hàng tại Lào. Sau đó lại thông qua pháp nhân của Tập đoàn An Phú để góp 10% vốn điều lệ vào ngân hàng này.

Do Tùng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, tách vụ án và hiện đã tạm đình chỉ điều tra bị can với Tùng. Khi bắt được sẽ phục hồi điều tra vụ án để xử lý sau.

HL (Nguoiduatin.vn)